Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, từ ngày 01/03 đến 07/03/2021: WGAD nói nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ độc đoán một cách có hệ thống

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 07/03/2021

 

Trong tài liệu “Ý kiến ​​được Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán thông qua tại phiên họp thứ 89, ngày 23–27/11/ 2020” được công bố vào ngày 19/02 năm nay, Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán (WGAD) của Liên Hiệp quốc nói rằng nhiều trường hợp cho thấy “một vấn đề mang tính hệ thống về việc bắt giữ độc đoán ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.”

WGAD cũng cho biết họ hoan nghênh mọi cơ hội hợp tác mang tính xây dựng với chính phủ Việt Nam để giải quyết việc giam giữ độc đoán. Chuyến thăm gần đây nhất của nhóm tới Việt Nam là vào tháng 10 năm 1994 và nhóm cho biết đây là thời điểm thích hợp để tiến hành một chuyến thăm khác. Vào tháng 6 năm 2018, nhóm đã nhắc lại yêu cầu trước đó đối với Việt Nam để thực hiện một chuyến thăm quốc gia và sẽ tiếp tục tìm kiếm một phản ứng tích cực từ Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền và nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã gửi hơn 100 kiến ​​nghị liên quan đến việc bắt giữ độc đoán ở Việt Nam tới WGAD, khiến Việt Nam nằm trong số các quốc gia trên thế giới có số lượng báo cáo bắt giữ độc đoán cao nhất.

Trong khi đó, trong báo cáo mới nhất của mình có tựa đề Freedom in the World 2021: Democracy under Siege được công bố vào ngày 03/3, tổ chức Freedom House có trụ sở tại Washington cho biết Việt Nam không được tự do. Theo Freedom House, Việt Nam có 19 điểm trên thang điểm 100 điểm, một điểm ít hơn so với báo cáo cách đây 1 năm. Việt Nam có 3 điểm về quyền chính trị và 16 điểm về quyền tự do dân sự.

Vào ngày 1 tháng 3, Liên minh Báo chí Tự do Trực tuyến (OFPC) đã đưa nhà bảo vệ nhân quyền và blogger chính trị nổi tiếng của Việt Nam Phạm Đoan Trang vào Mười trường hợp khẩn cấp nhất cho tháng 3 năm 2021, trong đó nêu bật tình trạng nhà báo đang bị giam giữ, bị đe dọa hoặc đối mặt với bất công. OFPC cho biết họ sử dụng danh sách này cho chiến dịch vận động cho quyền tự do và an toàn của họ.

Một ngày sau, ngày 2/3, nhóm 14 luật sư bào chữa cho những người dân oan Đồng Tâm, đã có đơn kiến ​​nghị chung lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội và các cơ quan tư pháp của thành phố liên quan đến vụ Đồng Tâm chỉ sáu ngày trước phiên xử phúc thẩm đối với sáu dân oan dự kiến ​​vào các ngày 8-10/3 tới. Trong bản kiến ​​nghị dài 31 trang, các luật sư đã nêu nhiều vấn đề cần làm rõ và nhiều vi phạm tố tụng của cơ quan tư pháp từ giai đoạn điều tra trở đi liên quan đến vụ án Đồng Tâm. Các luật sư kêu gọi các cơ quan hữu quan liên quan đến phiên xử phúc thẩm lưu ý đến các sự kiện khách quan như đã trích dẫn mà cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Và một số tin đáng chú ý khác

===== 01/03 =====

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang trong danh sách 10 trường hợp khẩn cấp về tự do báo chí

Tổ chức One Free Press Coalition (OFPC) đã đưa nhà hoạt động đang bị giam giữ Phạm Đoan Trang vào trong danh sách 10 trường hợp khẩn cấp về tự do báo chí của tổ chức này và kêu gọi cộng đồng quốc tế đấu tranh cho những nhà báo đang bị tấn công vì theo đuổi sự thật.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, một nhà báo làm việc cho một số báo nhà nước, sau đó cô trở thành một nhà báo độc lập rồi một nhà hoạt động tích cực cho các quyền căn bản tại Việt Nam.

Cô là tác giả của một số sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản ở nước ngoài. Vì các hoạt động cổ suý nhân quyền, cô được trao tặng giải Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RSF) hạng mục Ảnh hưởng và giải Homo Homini năm 2017 của tổ chức People In Need (Cộng hoà Séc).

Cô bị bắt vào tối ngày 6/10/2020 tại Sài Gòn ngay sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 24. Sau đó cô bị di lý ra Hà Nội. Cô bị khởi tố với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 2009 và Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Những điều luật này bị cộng đồng thế giới cho là mơ hồ, chính trị hóa các hoạt động được chính hiến pháp Việt Nam công nhận nhằm bịt miệng các tiếng nói chỉ trích sai trái của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.

Cô bị bắt sau khi công bố Báo cáo Đồng Tâm nói về vụ tấn công của 3.000 cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/01/2020 trong đó cộng sản bắn chết thủ lĩnh tinh thần Lê Đình Kình và bắt giữ 29 dân oan. Trong phiên toà giữa tháng 9 cùng năm, cộng sản Việt Nam đã kết án tử hình 2 con trai của ông và chung thân một người cháu cùng nhiều bản án nặng nề cho những người còn lại về cáo buộc nguỵ tạo “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”

OFPC là liên minh được hình thành để soi rọi ánh sáng vào tình cảnh của những phóng viên bị đe dọa trên toàn thế giới vào khi quyền tự do của báo giới bị tấn công khắp toàn cầu.

——————–

Hàng ngàn công nhân ở Tiền Giang và Nam Định đình công đòi tăng lương

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin hàng ngàn công nhân của hai doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang và Nam Định đã đình công trong những ngày cuối tháng 2 để đòi tăng lương buộc hai công ty này phải nhượng bộ cho dù họ đang gặp phải nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong các ngày 25-27/02, khoảng hơn 8.000 công nhân thuộc Công ty Túi xách Simone Việt Nam ở Khu công nghiệp Tân Hương, Tiền Giang đã đình công đòi tăng lương. Công ty đã buộc phải tăng thêm 250.000 đồng, bao gồm 150.000 đồng tăng lương cơ bản và 100.000 đồng trợ cấp xăng xe đi lại. Đến sáng 01/03, cuộc đình công kết thúc và các công nhân của công ty đã đi làm bình thường. Công ty cũng hứa sẽ thanh toán toàn bộ tiền lương 3 ngày đình công cho họ.

Cũng vào ngày 27/2, hàng ngàn công nhân thuộc Công ty Cổ phần cơ khí và Thương mại Nam Hà (Nam Định) đã đình công đòi tăng lương, phản đối việc công ty vô cớ cắt giảm tiền tăng ca của công nhân. Các công nhân này chỉ quay lại làm việc vào ngày 1/3 sau khi nhận được lời hứa cải thiện mức trợ cấp tháng cho họ. Công ty phải đồng ý cấp tiền hỗ trợ xăng xe cho mỗi công nhân là 100.000 đồng một tháng, tăng tiền cơm bữa trưa cho mỗi công nhân từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng. Công nhân nào tăng ca đủ 3.5 giờ một ngày sẽ được hỗ trợ tiền ăn tối với mức giá của bữa trưa.

===== March 2 =====

Luật sư của hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư chưa được tiếp cận hồ sơ

Luật sư Đặng Đình Mạnh vẫn chưa được tiếp cận hồ sơ của hai thân chủ- nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư cho dù công an cộng sản tỉnh Hoà Bình đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang toà án cộng sản tỉnh.

Luật sư Mạnh, người tham gia bào chữa trong nhiều phiên toà chính trị trong nhiều năm gần đây, nói rằng khi công an cộng sản tỉnh Hoà Bình kết thúc điều tra thì chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát tỉnh mà không thông báo cho ông, buộc ông phải làm lại thủ tục từ đầu để gửi toà án.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ thủ tục của luật sư đăng ký thì cơ quan pháp luật phải cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Tuy nhiên, ít khi nhà chức trách Việt Nam tuân thủ quy định này và do vậy, cho đến nay ông vẫn chưa được tiếp cận hồ sơ vụ án.

Cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị bắt ngày 24/06 năm ngoái với cáo buộc nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự chỉ vì các hoạt động ôn hoà chống việc nhà cầm quyền địa phương cướp đất và hỗ trợ người dân Đồng Tâm cũng như đưa tin về vụ thảm sát của công an cộng sản tại xã này vào ngày 09/01/2020. Họ đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm, thậm chí 20 năm nếu bị kết tội.

Công an Hà Nội đã gia hạn tạm giam ông Trịnh Bá Phương tương tự như đối với nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm, người bị bắt trong cùng một ngày với cùng cáo buộc. Cộng sản Việt Nam còn giam giữ nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang, người cũng bị bắt vì lên tiếng bảo vệ dân oan Đồng Tâm và nhiều hoạt động nhân quyền khác.

===== 03/03 =====

Freedom House tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia không có tự do

Trong báo cáo Tự do trên Thế giới năm 2021 công bố ngày 03/3, Freedom House tiếp tục xếp cộng sản Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do như nhiều năm trước đây.

Trong báo cáo này, Việt Nam có tổng điểm số là 19 trên thang điểm 100, bao gồm 3 điểm cho các quyền chính trị và 16 điểm cho các quyền tự do dân sự. So với năm ngoái, số điểm của Việt Nam giảm 1 điểm. Sự đánh giá này là hợp lý vì trong năm 2020, cộng sản Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền, bắt giữ hàng chục nhà hoạt động với những cáo buộc nguỵ tạo và sau đó xét xử họ một cách không công bằng với những bản án vô cùng nặng nề.

Thêm vào đó, cộng sản Việt Nam còn đàn áp trực tuyến, bắt giữ hàng chục Facebooker và phạt hành chính khoảng 100 người khác chỉ vì viết và chia sẻ thông tin về dịch bệnh Covid-19 hay nhiều vấn đề của đất nước. Nhà cầm quyền cộng sản còn sử dụng công an và súng đạn để giải quyết tranh chấp dân sự và đất đai, làm 1 người chết và nhiều người bị bắt giữ với cáo buộc mơ hồ.

Báo cáo thường niên năm 2020 của Freedom House đưa ra nhận định đây là năm thứ 15 quyền tự do trên toàn cầu bị suy giảm. Tình trạng suy thoái dân chủ gia tăng. Hiện nay có ít hơn một phần năm người dân trên thế giới được sống trong một đất nước có đầy đủ các quyền tự do.

Freedom House cho rằng vào khi tình trạng bất an gây nên bởi dịch bệnh chết người, những bất toàn về kinh tế cùng xung đột bạo lực lan tràn trên thế giới, những người bảo vệ dân chủ phải chịu đựng những tổn thất mới trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ toàn trị mà đang chuyển cán cân quốc tế nghiêng theo hướng có lợi cho phía bạo quyền.

===== 04/03 =====

Nhà hoạt động nhân quyền Thuỵ Sỹ kêu gọi cộng sản Việt Nam xử công tâm vụ Đồng Tâm 

Bà Pascale Berry Wavre, thành viên của tổ chức nhân quyền Hội Thụy Sĩ Việt Nam (COSUNAM), viết thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiến hành xét xử công tâm trong phiên phúc thẩm xử 6 dân oan Đồng Tâm trong phiên toà tuần tới.

Trong thư được đăng tải trên nhiều báo của Thuỵ Sỹ, bà Wavre nói rằng Đồng Tâm là cơ hội để cộng sản Việt Nam chứng minh năng lực và sẵn sàng tiến tới một xã hội công bằng. Bà cũng lên tiếng kêu gọi những du khách nước ngoài, những ai thăm Việt Nam hoặc mua sản phẩm Việt Nam, cần phải nghĩ đến cái giá phải trả bởi người dân nước Việt.

Thư ngỏ của bà bắt đầu bằng những câu “Việt Nam sát hại công dân của mình – Không chỉ có ở Miến Điện nơi mà một chế độc đảng chà đạp mãnh liệt các quyền con người.”

Bà mong rằng các viên chức tư pháp của Việt Nam nhìn nhận được vai trò của truyền thông xã hội, vì du khách nước ngoài có thể tẩy chay Việt Nam nếu họ biết rằng nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam được xây dựng trên những mành đất cướp từ người dân và nơi mà quyền con người không được tôn trọng.

Sáu trong số 29 người dân oan Đồng Tâm bị kết án trong phiên sơ thẩm giữa tháng 9 năm ngoái đã kháng cáo trong phiên phúc thẩm do toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội vào các ngày 08-10/3. Theo nhiều nhà hoạt động nhân quyền, sáu người này có ít cơ hội được giảm án hoặc trả tự do vì họ không thừa nhận họ có tội trong khi nhiều nhân vật cấp cao bảo thủ của chế độ vẫn được tái cử vào ban lãnh đạo mới của chế độ. Trong số này có hai con trai của cụ Lê Đình Kình bị kết án tử hình, một cháu trai của ông bị kết án chung thân, hai người bị kết án 12 và 16 năm tù vì tội danh nguỵ tạo “giết người” trong khi người còn lại là con nuôi của ông bị kết án 6 năm tù giam vì tội danh “chống người thi hành công vụ.”

Thông tin chi tiết: Đồng Tâm là cơ hội để Hà Nội chứng minh năng lực và sẵn sàng tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ hơn

======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây