Chính quyền huyện Bến Cầu Tây Ninh vi phạm nghiêm trọng nhân quyền

VNTB – Chính quyền huyện Bến Cầu Tây Ninh vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.

Ủy Ban Nhân Dân huyện Bến Cầu ra công văn  ngăn cấm người đạo Cao Đài sống ngoài địa bàn quận đến làm lễ Thượng Tượng hay cầu an.

 

Việt Nam Thời báo, ngày 06/03/2021

 

Ngày 26/01/2021 Ủy Ban Nhân Dân huyện Bến Cầu ra công văn số 88/UBND về việc Chấn chỉnh các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của đạo Cao Đài trên địa bàn quận. Công văn này ngăn cấm người đạo Cao Đài sống ngoài địa bàn quận đến làm lễ Thượng Tượng hay cầu an.

Mở đầu, công văn này viết: Trong thời gian qua trên địa bàn huyện Bến Cầu xảy ra các vụ việc thượng tượng, cầu an của nhóm người tự xưng “Bảo thủ chơn truyền 1926 do đối tượng Trần Ngọc Sương đứng đầu. Các đối tượng có những hành động lôi kéo các tín đồ trong đạo Cao Đài đi theo ”Bảo thủ chơn truyền 1926” lợi dụng chính sách tự do tôn giáo để gây mất an ninh trật tự tại địa bàn huyện Bến Cầu

Điều 3 của văn thư này viết: Khi phát hiện các đối tượng đến địa phương thực hiện hoạt động thượng tượng thì chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nơi các đối tượng đến, đề nghị ban cai quản họ đạo sở tại yêu cầu các đối tượng dừng buổi lễ và rời khỏi địa phương. Nếu trong quá trình giải quyết xảy ra mất ANTT thì công an xã, thị trấn đến để bảo đảm ổn định tình hình không để xảy ra phức tạp, đồng thời mời các đối tượng có liên quan đến trụ sở làm việc, căn cứ theo mức độ vi phạm đề xuất Chủ Tịch UBND xã, thị trấn xử phạt theo đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực ANTT

Cứ  vào văn thư này, UBND huyện Bến Cầu đã vi phạm quyền tự do đi lại, quyền tự do tôn giáo của công dân và cố tình gây xích mích, chia rẽ giữa chi phái Cao Đài 1997 và Hội Thánh Cao Đài Chơn Truyền 1926

Chính quyền huyện Bến Cầu vi phạm quyền tự do đi lại của công dân 

Điều 13 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (UDHR): “Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)  năm 1966 khẳng định:

  1. Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại,
  2. Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.

Điều 10 Hiến pháp Việt Nam năm 1946 ghi  “Công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Điều 28 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền tự do cư trú và đi lại”.

Điều 72 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Quyền tự do đi lại và cư trú được tôn trọng, theo quy định của pháp luật”.

Điều 68 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước”.

Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước,

Các công ước quốc tế và hiến pháp Việt Nam về quyền tự do di lại của công dân không sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng.

 

Chính quyền huyện Bến Cầu vi phạm nghiêm trọng luật VN về tự do tín ngưỡng.

Điều 3 văn thư của UBND huyện Bến Cầu viết: “Khi phát hiện các đối tượng đến địa phương thực hiện hoạt động thượng tượng thì chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nơi các đối tượng đến, đề nghị ban cai quản họ đạo sở tại yêu cầu các đối tượng dừng buổi lễ và rời khỏi địa phương” không những vi phạm quyền tự do đi lại của công dân mà còn vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Nghi lễ Thượng Tượng là hành vi hoàn toàn có tinh chất tôn giáo của đạo Cao Đài. Thượng Tượng là nghi lễ cao trọng, đặt Thiên Nhãn-Con mắt của đấng chí tôn-trong một gia đình, xác định gia đình này là tín hữu Cao Đài, là con của Đấng Chí Tôn, Đấng Chí Tôn ngự trong gia đình này, Ngài không những cai quản càn khôn vũ vụ mà còn có mặt và quan tâm đến từng con cái của Ngài, các nghi lễ trong đạo, lễ cưới, tang ma đều dưới con mắt Thiên Nhãn. Lễ thượng tượng được thực hiện từ ngày khai đạo và duy trì đến nay, đây là truyền thống của đạo Cao Đài. Lễ Thượng Tượng tại bất cứ đâu, trong thánh thất hay tư gia đều là dịp vui chung của toàn thể tín đồ Cao Đài. Tín hữu thập phương có thể đến tham dự. Đó cũng là dịp các tín hữu tỏ tình đoàn kết yêu thương nhau và giúp nhau tinh tấn trên đường tu hành.

Điều 6. Trong luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của VN viết:

  1. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
  2. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo.
  3. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

 

Chính quyền huyện Bến Cầu cố tình gây xích mích, chia rẽ giữa chi phái Cao Đài 1997 và Hội Thánh Cao Đài Chơn Truyền 1926

 

Điều 3 của văn thư này viết: Khi phát hiện các đối tượng đến địa phương thực hiện hoạt động thượng tượng thì chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nơi các đối tượng đến, đề nghị ban cai quản họ đạo sở tại yêu cầu các đối tượng dừng buổi lễ và rời khỏi địa phương.

Sau khi chiếm được Miền Nam VN, chính quyền cộng sản đã lập tức ra tay đàn áp, chia rẽ Đạo Cao Đài. Chính quyền dựng nên chi phái 1997 chiếm Tòa Thánh Tây Ninh và lần lượt chiếm nhiều thánh thất địa phương. Chính quyền và chi phái 1997 hết sức đàn áp, tiêu diệt  các tín hữu trung hiếu với đạo Cao Đài, thường gọi là giáo hội chơn truyền 1926, được Thượng Đế thành lập năm 1926.

Việc chính quyền hiêp cùng người thuộc chi phái 1997

đàn áp, đánh đập tín đồ hội thánh Cao Đài Chơn Truyền 1926 từng xảy ra khốc liệt trên toàn quốc, đặc biệt tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhiều tín đồ bị đánh đập, nhiều buổi lễ  Thượng Tượng, cầu an bị phá phách, nhiều bàn thờ bị xô ngã. Các vi phạm tôn giáo và nhân quyền này đều được giáo hội Cao Đài chơn truyền viết báo cáo gửi lên các cấp chính quyền VN, ủy ban bảo vệ nhân quyền Liên Hiệp Quốc,  và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới. Do việc các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp, gây áp lực với chính quyền VN các vụ việc như vậy đã giảm bớt. Tại nhiều địa phương lễ Thượng Tượng được tổ chức kính trọng, chu đáo, và an toàn, các lễ cầu an hay lễ Hội Diêu Trì cũng không bị cản trở.

Việc chính quyền địa phương không dám trắng trợn xúc phạm tự do tôn giáo, tự do đi lại của tín đồ Cao Đài chơn truyền 1926 cũng cắt giảm được hành vi thô bạo, thù ghét của chi phái 1997 với đồng đạo, bớt được oan nghiệt.

Văn thư số 88/UBND ký ngày 26/1/2021 của UBND huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đã lật ngược lại tình trạng bớt căng thẳng của tín đồ đạo Cao Đài cả về hai phía. Văn thư này không những phơi bày rõ quyết tâm vi phạm quyền tự do tôn giáo, quyền di lại của người dân và xúi giục sự thù ghét giữa người thuộc chi phái 1997 và giáo hội Cao Đài Chơn Truyền 1926

Điều 5 Luật tôn giáo VN nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo, ..giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Chính quyền huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh ra lệnh cho ban cai quản họ đạo sở, thuộc chi phái Cao Đài 1997 đến ngăn chặn lễ Thượng Tượng, cầu an của anh em tín hữu Cao Đài chơn truyền 1926 vừa thể hiện hành vi đàn áp tôn giáo vừa cho thấy âm mưu chia rẽ người đạo Cao Đài.

Được biết các tín đồ thuộc Cao Đài Chơn Truyền 1926 chống lại quyết định của UBND huyện Bến Cầu và họ sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo đến lúc thành công.

Chúng tôi theo dõi và tiếp tục đưa tin.