Không quan tâm đến đại hội đảng, giới hoạt động vẫn bị canh gác, theo dõi


Đại hội Đảng XIII của VN diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021. Photo Tien phong.
Đại hội Đảng XIII của VN diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021. Photo Tien phong.

VOA, ngày 26/01/2021

Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu với phiên trù bị hôm 25/1/2021 ở Hà Nội, chính thức khai mạc hôm 26/1, và sẽ bế mạc hôm 2/2.

Ngay trong những ngày đầu của đại hội, nhiều nhà hoạt động và bất đồng chính kiến cho biết qua mạng xã hội rằng họ bất bình về việc các nhân viên an ninh của chính quyền theo dõi, giám sát, làm mất quyền tự do công dân của họ.

Hôm 25/1, từ Hà Nội, ông Trần Bang, người có quan điểm chống Trung Quốc xâm hại chủ quyền Việt Nam, cho biết trên Facebook rằng chính quyền cử người canh và theo dõi hàng trăm nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến từ sớm.

Nhà báo, blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh hiện cũng sống ở Hà Nội cho hay trên trang cá nhân vào tối 25/1 rằng có những người canh cửa trước nhà ông, họ chĩa ống kính camera của điện thoại một cách bất lịch sự vào khách và bạn bè của ông.

Theo ước tính của ông Chênh, trên toàn Việt Nam có tới hàng nghìn người bị canh giữ, theo dõi trong suốt những ngày diễn ra đại hội đảng.

Hồi đại hội đảng bộ Tp.HCM họ canh đủ 3 ngày. Bây giờ đại hội đảng ở Hà Nội họ cũng canh đủ 6, 7 ngày thì rất khó chịu. Mình cảm thấy bị vi phạm quyền tự do.
Giáo sư Mạc Văn Trang

Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Mạc Văn Trang, người thường xuyên có những bài viết phản biện xã hội, ủng hộ tự do, dân chủ, nói với VOA rằng ông đồng ý với ước lượng của ông Chênh về số người bị an ninh nhà nước theo dõi, hạn chế đi lại.

Vào trưa 25/1, giáo sư Trang đăng bài trên Facebook cho biết vợ chồng ông bị canh gác từ sáng và có nhân viên công an mặc thường phục tìm cách kiểm tra để bảo đảm chắc chắn rằng vợ chồng ông ở trong nhà.

Trong bài viết, giáo sư Trang bình luận rằng tuy đại hội đảng diễn ra ở Hà Nội song an ninh nhà nước lại lo ngại về vợ chồng ông, hai người trong độ tuổi 80 và đang sống ở Tp.HCM, đó là điều nực cười.

Tuy nhiên, đến sáng 26/1, giáo sư Trang cho VOA biết vợ chồng ông không bị theo dõi nữa, có thể do bài viết của ông trên mạng xã hội.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết ông bị an ninh canh nhà trong dịp Đại hội Đảng 13, 25/1/2021
Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết ông bị an ninh canh nhà trong dịp Đại hội Đảng 13, 25/1/2021

Nhà nước vi phạm quyền công dân?

Cùng với nhiều người trong giới hoạt động hoặc bất đồng chính kiến, giáo sư Trang lên tiếng chỉ trích việc canh giữ, theo dõi này:

“Việc này rất là phi lý. Công an cứ làm như vậy. Điều đó vi phạm pháp luật, quyền tự do đi lại của công dân. Nó gây ra căng thẳng. Hồi đại hội đảng bộ Tp.HCM họ canh đủ 3 ngày. Bây giờ đại hội đảng ở Hà Nội họ cũng canh đủ 6, 7 ngày thì rất khó chịu. Mình cảm thấy bị vi phạm quyền tự do”.

Quan điểm này được luật sư nhân quyền và cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân chia sẻ. Hiện sống cách trung tâm Hà Nội 30 kilomet, ông Quân nói với VOA:

“Rõ ràng là việc đó vô lý, thậm chí là bất hợp pháp. Rất tiếc là ở Việt Nam nó xảy ra thường xuyên đến mức người ta coi nó là bình thường. Nhà nước thì ngang nhiên vi phạm như thế. Tất nhiên nó sai trái với quy tắc thông thường, với đạo lý và với pháp luật. Nói chung nó phí phạm tiền của dân”.

Khi hỏi chặn vì lý do gì, họ bảo đây là quy định, những thành phần nhạy cảm như các bác không được đi, cấp trên bảo thế, họ làm như vậy thôi, họ chẳng có lý lẽ gì cả.
Giáo sư Mạc Văn Trang

Giáo sư Trang cũng khẳng định việc canh giữ, giám sát là không cần thiết và gây lãng phí nhân lực lẫn ngân sách nhà nước khi cần đến vài ba nhân viên an ninh ở mỗi nhà, trong khi chính ngành an ninh còn có nhiều việc khác đáng làm hơn.

Trong một ý kiến ngắn đăng lên Facebook tối 25/1, nhà hoạt động Trần Bang đặt câu hỏi rằng liệu nhà chức trách có biết nhục khi tiêu tiền thuế của người dân cho việc tổ chức đại hội đảng và canh giữ, theo dõi giới hoạt động, giới bất đồng.

Do nhiều lần bị canh giữ nên giáo sư Mạc Văn Trang đã có lúc chất vấn phía an ninh, song các nhân viên của chính quyền chỉ trả lời chung chung. Giáo sư Trang thuật lại với VOA:

“Cái này nó như là một quy định, một thói quen máy móc của họ. Hồi đại hội đảng bộ Tp.HCM, họ canh gác rất nghiêm ngặt, không cho vợ chồng tôi đi ra ngoài. Khi hỏi chặn vì lý do gì, họ bảo đây là quy định, những thành phần nhạy cảm như các bác không được đi, cấp trên bảo thế, họ làm như vậy thôi, họ chẳng có lý lẽ gì cả”.

Trung tâm Hà Nội được trang trí dịp Đại hội Đảng
Trung tâm Hà Nội được trang trí dịp Đại hội Đảng

Dân không quan tâm đến đại hội đảng

Ông Trang nói thêm với VOA rằng ông không quan tâm đến đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Luật sư Lê Quốc Quân có ý kiến tương tự và đưa ra quan sát riêng của ông rằng đông đảo người dân Việt Nam cũng không quan tâm đến đại hội đảng, song có một điều trớ trêu và đáng buồn rằng chính họ lại rất quan tâm đến bầu cử Mỹ. Luật sư Quân lý giải:

… nhân dân không hề được làm chủ bất cứ cái gì, đặc biệt trong việc lựa chọn ra người lãnh đạo của mình. Họ không có một chút quyền hành nào, không có một chút cơ hội nào để lựa chọn ra người lãnh đạo của mình.
Luật sư Lê Quốc Quân

“Việt Nam nói rằng nhân dân làm chủ, nhưng thực tế nhân dân không hề được làm chủ bất cứ cái gì, đặc biệt trong việc lựa chọn ra người lãnh đạo của mình. Họ không có một chút quyền hành nào, không có một chút cơ hội nào để lựa chọn ra người lãnh đạo của mình. Bây giờ, một nhóm họ ngồi lại với nhau, rất rất ít người, để lựa chọn ra tốp những người cao nhất, rồi lựa chọn ra các cấp dưới, từ trung ương xuống đến xã, thôn”.

Dưới con mắt của luật sư Quân, việc người dân hoàn toàn bị đứng ngoài cuộc là một điều rất tệ hại về chính trị Việt Nam.

Theo báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, đại hội đảng lần thứ 13 sẽ có 17 buổi làm việc, trong đó phần liên quan đến công tác nhân sự, bầu cử chiếm khoảng 9 buổi làm việc.

Tuy nhiên, theo thông lệ của nhà nước cộng sản Việt Nam, thông tin chính thức về những ai được bầu làm lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội, hay còn gọi là tứ trụ, chỉ được công bố vào cuối đại hội đảng.

Hồi cuối tháng 12/2020, báo chí Việt Nam nhất loạt đăng bài nói rằng phương án nhân sự tứ trụ là nội dung tuyệt mật theo quy định về danh mục bí mật nhà nước.

Đến nay, theo quan sát của VOA, thông tin về các nhân vật tứ trụ tương lai của Việt Nam đều đến từ các nguồn phi chính thức, khó kiểm chứng.

Từ tháng 8/2020, trong một phóng sự độc quyền của VOA, một nguồn tin ẩn danh thân cận với lãnh đạo Việt Nam cho hay rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn tại vị thêm một nửa nhiệm kỳ, khoảng 2 năm, để phòng ngừa xung đột quyền lực trong nội bộ đảng.

Nguồn tin đưa ra lý giải: “Theo kế hoạch trước Đại hội thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nhường ghế cho ông Trần Quốc Vượng, đồng thời giao Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an cho ông Vượng. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chấp nhận điều này. Do đó, ông Phúc đã chiêu dụ nhiều tướng lĩnh công an nhằm làm yếu thế ông Vượng trước Đại hội. Do đó, ông Trọng sẽ phải ngồi lại để tránh cho việc ông Vượng bị thôn tính mà như vậy sẽ ảnh hưởng đến an toàn của ông Trọng sau khi rời chức”.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA cách đây ít ngày, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ủng hội để ở lại thêm ít nhất một thời gian nữa.

Gần đến đại hội đảng, thông tin chưa được kiểm chứng được lan truyền trên internet nói rằng nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm chức Tổng Bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng, và chức Chủ tịch Quốc hội được dành cho ông Vương Đình Huệ.