Vì sao họ chọn tuyệt thực?

VNTB – Vì sao họ chọn tuyệt thực?

Liệu có liên quan gì đến việc ông Biden chuẩn bị là ông chủ mới của Tòa Bạch Ốc?

Việt Nam Thời báo, ngày 03/12/2020

 

Ông Lê Hồng Hiệp sinh năm 1981, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, cựu Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ông Hiệp không chỉ có bằng tiến sĩ về chính trị quốc tế, mà còn có một dự án dịch thuật và nghiên cứu đang rất được giới học thuật chuyên ngành trong cũng như ngoài nước chú ý: Dự án Nghiencuuquocte.net.

Bài viết “Triển vọng quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Biden”, phiên bản Anh ngữ đăng trên chuyên trang bình luận quốc tế của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore của tác giả Lê Hồng Hiệp và cả trang nghiencuuquocte.net, có chi tiết đáng chú ý:

“Một yếu tố tiềm tàng có thể gây cản trở cho quan hệ song phương trong bốn năm tới là việc chính quyền Biden nhấn mạnh khía cạnh dân chủ và nhân quyền, dự kiến sẽ là một trong những yếu tố chính giúp phân biệt chính sách đối ngoại của Biden với chính sách đối ngoại của Trump. Nếu Biden thực hiện cam kết này, Việt Nam sẽ cần phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình để tránh những trở ngại trong quan hệ song phương” (1)

Phải chăng diễn biến ở một số tin tức về những tuyệt thực của người tù như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển…, là bước đầu cho việc yêu cầu Việt Nam trong cải thiện hồ sơ nhân quyền?.

Liên quan đến ngờ vực này, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập viên của Luật Khoa Tạp Chí, hiện đang sinh sống ở Đài Bắc, có ý kiến như sau về tin tức tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức:

“Những chiến thuật tuyệt thực trong tù để đòi trả tự do như anh Trần Huỳnh Duy Thức đang làm, hay lời kêu gọi “hãy tận dụng sự ra đi của tôi” của anh chỉ hiệu quả khi có cả một bộ máy bên ngoài hỗ trợ đủ sức tạo ra một phong trào lớn cả trong nước lẫn nước ngoài, gây được sức ép buộc chính quyền phải thay đổi hành vi.

Tôi không biết anh Thức có được bộ máy hỗ trợ đó bên ngoài hay không, nhưng theo tôi quan sát thì cũng giống như các tù nhân chính trị khác, anh không có. Các hoạt động đấu tranh bên ngoài hiện đang xuống đến mức rất thấp, rất khó hỗ trợ được gì nhiều cho anh.

Thời điểm này là trước đại hội đảng, tôi không biết có biến động chính trị gì có lợi cho anh vào thời điểm này để được tha bổng hay không, nhưng rất khó có khả năng đó. Trước thềm đại hội là lúc mọi ứng cử viên đều phải cẩn trọng hơn mức bình thường với mọi vấn đề liên quan tới an nguy của chế độ, không ai dám liều mà xé rào làm ngược lại. Đây là lúc chỉ có bắt thêm chứ gần như không thể có khả năng thả ra. Thậm chí, cũng không có khả năng họ đụng đến lá đơn của anh, vì chỉ động tác đó thôi cũng đủ để đối thủ chính trị đánh giá “lập trường tư tưởng” của họ rồi.

Nhìn bối cảnh quốc tế, tôi cũng không thấy có khả năng nào có cường quốc nào đủ mạnh để can thiệp cho vụ việc của anh ngay. Nước Mỹ giờ lo cho họ thôi không cũng đủ mệt, EU cũng vậy. Khả năng can thiệp của các cường quốc đang xuống đến mức rất thấp.

Tôi ủng hộ anh Thức đấu tranh pháp lý, nhưng không phải đấu tranh bằng cách hủy hoại cơ thể mình, càng không phải là cách hủy hoại đến mức đe dọa tính mạng như vậy, càng không phải là thời điểm này.

Suy cho cùng, việc anh bị tuyên án 16 năm tù chẳng liên quan gì đến bất kỳ một thứ pháp luật nào cả. Nó là vấn đề thuần túy chính trị. Nay dù Bộ luật Hình sự mở ra cửa để tha bổng cho anh thì nó cũng chẳng được sinh ra để dành cho những người như anh”. (2)

Một tin tức khác liên quan về cuộc tuyệt thực của ông Nguyễn Bắc Truyển, cho biết như sau:

“Trong buổi họp định kỳ sáng thứ Ba ngày 1 tháng 12 năm 2020, của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế – Hoa Kỳ, đại diện Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam đã tường trình về việc hai ông Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hóa cùng với ít nhất một tù nhân lương tâm khác là ông Phạm Văn Điệp đang tuyệt thực tập thể ở trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam để phản đối chế độ giam giữ vô nhân đạo và những hành vi không tôn trọng pháp luật của ban giám thị trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam và Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10).

Cô Michelle Nguyễn, điều phối viên Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam mà ông Nguyễn Bắc Truyển là một đồng sáng lập viên, cho biết ông Truyển được bảo trợ bởi nhiều thành viên Quốc Hội và viên chức chính phủ tại Mỹ và Đức như: bà Ủy Viên Anurima Bhargava thuộc Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, hai Dân Biểu Mỹ là ông Harley Rouda và bà Zoe Lofgren; ngoài ra bà Dân Biểu Gyde Jensen, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền và Viện Trợ Nhân Đạo của Nghị Viện Đức cũng nhận bảo trợ cho ông Truyển.

Còn tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa thì được Dân Biểu Alan Lowenthal thuộc Nhóm Công Tác về Việt Nam của Quốc Hội Mỹ bảo trợ.

 Cô Michelle cho biết ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, bị bỏ tù do các hoạt động nhân quyền ôn hòa, bao gồm quyền tự do tôn giáo hay niềm tin. Cô cũng chia sẻ thêm về tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, một thanh niên Công Giáo và cũng là cộng tác viên của ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông Hóa bị kết án tù sau khi tường thuật về một trong những vụ ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất ở Việt Nam.

Theo thông tin từ thân nhân của ông Truyển và ông Hóa, các tù nhân lương tâm tham gia tuyệt thực tập thể lần này để phản đối bị đối xử tàn tệ, bị từ chối quyền được khám chữa bệnh thỏa đáng và quyền tố cáo, khiếu nại, bị ngăn chặn thông tin với gia đình qua thư tín, và hình thức trừng phạt bằng cách giam giữ xa nhà khiến gia đình phải gặp rất nhiều khó khăn tốn kém khi thăm nuôi”. (xem thêm 3)

________________

Chú thích:

(1) https://fulcrum.sg/vietnam-us-relations-under-the-biden-administration/

(2) https://www.facebook.com/longtrinh.vietnam/posts/10219164958099401