Quyền tự do lập hội ở Việt Nam: sẽ có luật trong hai năm tới?

“Xin chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98. Đây không chỉ là một quyền cơ bản, mà còn là quyền quan trọng cho phép có được nhiều sự bảo vệ khác trong lĩnh vực lao động”, bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc của ILO phụ trách mảng chính sách, tuyên bố.

Hoài Nguyễn, Việt Nam Thời báo, ngày 24/8/2020

 

Tuy nhiên, quyền tự do công đoàn này chỉ có thể thực thi đầy đủ xét về mặt luật pháp, khi Việt Nam có luật về quyền lập hội. Bởi hiểu theo một nghĩa đơn giản nhất, các tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn được thành lập để người lao động tự do lựa chọn, thì những tổ chức này chính là các hội đoàn xã hội dân sự, và họ cần sự điều chỉnh của luật chuyên ngành.

Có thể thấy, giống như các quyền cơ bản khác, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu) không quy định trực tiếp cam kết quyền tự do lập hội mà dẫn chiếu lại cam kết của các bên trong Tuyên bố ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).

Theo EVFTA, các bên sẽ có nghĩa vụ đảm bảo quyền tự do lập hội nói riêng và các quyền cơ bản khác trong lao động nói chung trong phạm vi nghĩa vụ mà các bên cam kết chịu sự ràng buộc ở Tuyên bố ILO. Nói cách khác, các bên chỉ có nghĩa vụ pháp lý đảm bảo quyền tự do lập hội nếu các bên đã phê chuẩn công ước 87 và 98 của ILO về quyền tự do lập hội và thương lượng lao động tập thể.

Mặt khác, Điều 13.4 khoản 5 Hiệp định khẳng định “Các bên thừa nhận rằng việc vi phạm các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động không thể được viện dẫn hoặc sử dụng như một lợi thế so sánh hợp pháp và các tiêu chuẩn lao động không được sử dụng với mục đích bảo hộ thương mại”.

Điều khoản trên thể hiện nỗ lực của các bên trong việc cân bằng giữa một bên là bảo vệ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, và một bên là nỗ lực chống phân biệt đối xử trong thương mại dựa trên tiêu chuẩn lao động. Đồng thời, điều khoản này cũng nhấn mạnh lại bản chất EVFTA là một hiệp định thương mại, chứ không phải là một hiệp định về lao động, do đó các tiêu chuẩn về lao động không được phép sử dụng với mục đích bảo hộ thương mại trá hình.

Còn với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, có hẳn quy định riêng trong một chương về lao động (Chương 19), với các cam kết được định chi tiết và cụ thể hơn so với EVFTA.

CPTPP cũng dẫn chiếu đến Tuyên bố ILO 1998 về các nghĩa vụ và quyền cơ bản trong lao động nhưng bổ sung thêm những nghĩa vụ cụ thể hơn cho các nước là thành viên của Hiệp định.

So với quy định tại EVFTA, quy định tại Điều 19.2 rõ ràng hơn khi khẳng định các bên chỉ bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ liên quan đến quyền lao động trong phạm vi lãnh thổ của họ. CPTPP cũng nhấn mạnh lại quy định không được phép sử dụng các tiêu chuẩn lao động với mục đích bảo hộ thương mại để đảm bảo mục tiêu của hiệp định là thúc đẩy thương mại và loại bỏ các rào cản đối với thương mại giữa các nước thành viên.

Về quyền tự do lập hội , Điều 19.3 tại Chương 9 của CPTPP quy định:

“1. Mỗi bên sẽ thông qua và duy trì các đạo luật và quy định, và thực hiện các đạo luật và quy định đó ở nước mình, các quyền sau đây như đã được yêu trong Tuyên bố ILO:

(a) Quyền tự do hội họp và ghi nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể […]”.

Nếu như EVFTA chỉ dừng lại ở việc nhắc lại cam kết của các bên trong Tuyên bố ILO, CPTPP tiến một bước xa hơn, quy định các bên có nghĩa vụ ban hành và thực thi các luật và quy định trong nước nhằm đảm bảo quyền tự do lập hội.

Như vậy, kể cả khi các quốc gia thành viên CPTPP chưa phê chuẩn các công ước của ILO, các thành viên vẫn có nghĩa vụ ràng buộc theo CPTPP đảm bảo các quyền này bằng cách thông qua và duy trì các đạo luật và quy định trong nước. Theo đó, để đảm bảo quyền tự do lập hội, các thành viên cần có hệ thống pháp luật trong nước phù hợp, tạo khuôn khổ cho các tổ chức công đoàn – hình thức thể hiện của hiện quyền tự do hội họp – được hoạt động một cách tự do, độc lập.

Tuy nhiên, CPTPP chỉ dừng lại ở đó mà không quy định chi tiết các quốc gia thành viên phải sửa luật như thế nào cho phù hợp.

Nhìn chung, để thực thi các cam kết về việc đảm bảo quyền tự do lập hội trong các FTA thế hệ mới, Việt Nam đứng trước hai thách thức lớn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật bao gồm thứ nhất, thách thức hoàn thiện hệ thống cam kết quốc tế về lao động, và thứ hai là thách thức hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quyền tự do lập hội.

Mong rằng trong bàn luận của Đại hội Đảng lần thứ 13 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp tình hình mới của đất nước; trong đó có việc xem xét về dự luật về quyền lập hội ngay trong năm 2021, để có thể ban hành luật này vào đầu năm 2022, và kỳ họp Quốc hội cuối năm 2022 sẽ phê chuẩn Công ước 87 của ILO.