Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 20 từ ngày 11/5 đến 17/5/2020: Người vận chuyển sách của Nhà Xuất bản Tự do bị công an đánh trọng thương, sức khoẻ nguy kịch

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 17/5/2020

 

Ba ngày sau khi bị tra tấn bởi một nhóm sỹ quan an ninh thuộc Văn phòng đại diện của Bộ Công an ở phía nam, ông Phùng Thuỷ, người giao sách của Nhà Xuất bản Tự do cảm thấy rất đau đớn và tình trạng sức khỏe của ông rất nguy kịch. Tuy nhiên, ông không thể đến bệnh viện để điều trị, vì sợ rằng sẽ lại bị cảnh sát bắt giữ vì  lực lượng an ninh vẫn muốn thẩm vấn thêm để moi thông tin về Nhà Xuất bản Tự do.

Trong khi ông Thủy bị buộc phải lẩn trốn, lực lượng an ninh thuộc Văn phòng đại diện Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quấy rối con gái ông. Họ đã sử dụng cô như một con tin, triệu tập cô đến đồn cảnh sát nhiều lần để buộc ông phải xuất hiện.

Đáp lại, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã phát động một chiến dịch kêu gọi cộng đồng quốc tế và người dân địa phương viết thư cho nhà cầm quyền Việt Nam để yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp đối với ông Thủy và gia đình ông cũng như Nhà Xuất bản Tự do. Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London này kêu gọi chế độ cộng sản tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, thông tin và xuất bản.

Vào ngày 11/5, Tòa án Nhân dân huyện Ninh Kiều tại thành phố Cần Thơ đã kết án công dân Mã Phùng Ngọc Phú về tội danh “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Cô bị kết án 9 tháng tù giam vì cáo buộc “đưa tin giả” về đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và nhiều bài đăng khác trên Facebook bị coi là có hại cho chế độ cộng sản. Cô Phú trở thành nhà hoạt động thứ 5 bị giam cầm vì hoạt động ôn hòa kể từ đầu năm.

Nhiều tù nhân lương tâm tiếp tục bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo trong nhiều trại giam và sơ sở tạm giữ trên toàn quốc. Gia đình nhà hoạt động Đức Huỳnh Đức Bình cho biết ông và năm tù nhân lương tâm khác trong trại tù Xuân Lộc ở tỉnh miền nam Đồng Nai đã bị cảnh sát đánh đập dã man khi nhóm này yêu cầu được lao động ngoài trời trong dịp cuối tuần.

Gia đình hai tù nhân lương tâm khác là Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc cho biết vào giữa tháng 4, trại tạm giam Phan Đăng Lưu đã đưa hàng chục cảnh sát đến đánh đập hai ông. Hậu quả là ông Lộc phải nhập viện để điều trị các vết thương trong một tuần còn ông Dũng bị chuyển đến trại tạm giam Chí Hoà với nhiều vết thương nghiêm trọng. Vẫn chưa biết về nguyên nhân hai ông bị cảnh sát đánh đập bạo tàn như vậy.

Vụ án giết người ở Cầu Voi (Long An) vẫn chưa kết thúc sau khi Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Tối cao đề xuất huỷ bản án và điều tra lại vì quá trình điều tra và tố tụng có nhiều sai sót. Ba đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vụ án vì có dấu hiệu oan sai đối với Hồ Duy Hải, người bị cho là thủ phạm và bị kết án tử hình.

Ngày 14/5, tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở California (Hoa Kỳ) đã công bố báo cáo tựa đề “Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2019-2020

Và một số tin đáng chú ý khác

===== 11/5 =====

Cộng sản Việt Nam tăng cường trấn áp trực tuyến: Bỏ tù cô Mã Phùng Ngọc Phú, truy tố ông Đinh Văn Phú

Chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam vẫn gia tăng đàn áp trực tuyến, trong tuần kết án Facebooker Mã Phùng Ngọc Phú và truy tố Facebooker Đinh Văn Phú vì những bài viết chỉ trích chế độ trêng mạng xã hội Facebook.

Vào ngày 11/5, toà án cộng sản quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, đã kết án cô Mã Phùng Ngọc Phú 9 tháng tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật hình sự. Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin cô sử dụng tài khoản Facebook “James Ng” để đăng tải hàng hoạt bài viết có nội dung “không đúng sự thật” về dịch Covid-19 ở Việt Nam, và nhiều bài viết khác “xuyên tạc, bôi nhọ các chính sách của đảng và nhà nước.”

Báo chí nhà nước cộng sản cũng đưa tin nhà cầm quyền tỉnh Dak Nông truy tố ông Đinh Văn Phú, 47 tuổi, về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự. Ông Phú, người bị bắt vào đầu tháng 1, bị cho là sử dụng nhiều tài khoản Facebook như Jimi Nguyễn và Quaylai Dulasai để đăng tải nhiều bài viết với nội dung “phỉ bángchế độ.”

Từ đầu năm đến nay, cộng sản Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 8 nhà hoạt động và kết án 5 người với tổng cộng án tù 12 năm và 3 năm quản chế.

Bên cạnh việc bắt giữ Facebookers, nhà cầm quyền Việt Nam còn sử dụng biện pháp chặn truy cập, buộc Tập đoàn Facebook phải rút những bài viết mà Hà Nội cho là tin giả hoặc có nội dung chống phá chế độ.

——————–

Cộng sản Việt Nam muốn chiếm quyền kiểm soát nội dung trang Wikipedia tiếng Việt

Theo Đài Châu Á Tự do (RFA), nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang nỗ lực chiếm quyền kiểm soát nội dung trang Wikipedia Tiếng Việt bằng cách vận động đưa người của Hà Nội vào vị trí kiểm định viên (CheckUser) của trang bách khoa toàn thư tự do trực tuyến này.

Theo đó, một trong những dấu hiệu đáng ngờ được chỉ ra là việc thành viên ThiênĐế98 đã góp phần tạo ra Quy chế biểu quyết trên Wikipedia tiếng Việt với nội dung có nhiều điểm tương đồng với một mẫu văn bản pháp lý của nhà cầm quyền Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều bài viết có với nội dung liên quan đến tham nhũng, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, hay thời bao cấp bịchỉnh sửa theo chiều hướng có lợi cho nhà nước Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của RFA, nhà hoạt động Lã Việt Dũng ở Hà Nội cho rằng việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tìm cách khống chế và kiểm soát các nội dung được đăng trên trang này là có thật và tuyên giáo Việt Nam đã khống chế thông tin về nhiều vấn đề ở Việt Nam.

Nguyên nhân là do cơ chế mở của Wikipedia cho phép mọi người đóng góp trong khi giới hoạt động ở Việt Nam không có nguồn lực để cập nhật thông tin trên trang này còn chế độ độc tài ở Ba Đình không ngần ngại sử dụng tiền thuế của dân vào việc lũng đoạn thông tin.

Thêm nữa, việc chỉnh sửa nội dung theo đúng sự thật có thể bị nhà cầm quyền trừng phạt, đặc biệt từ năm 2019 khi luật An ninh mạng có hiệu lực.

Điều này đã được báo cáo tới Wikimedia Foundation, tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của trang Wikipedia và phát triển các phiên bản đa ngôn ngữ.

===== 12/5 =====

Hàng trăm người dân Khmer Krom đụng độ với cảnh sát cơ động trong tranh chấp đất đai ở Kiên Giang

RFA đưa tin nhà cầm quyền tỉnh Kiên Giang đã điều động lực lượng cảnh sát cơ động xuống ấp Trà Phọt, xã Giang Thành, huyện Phú Mỹ để ngăn cản người dân Khmer Krom trồng trọt trên một mảnh đất ở địa phương.

Theo đó, xô xát giữa người dân Khmer Krom xảy ra ngay sau khi nhà chức trách địa phương đọc quyết định tạm giữ một xe cuốc của hộ ông Huỳnh Văn Đạt trong vòng 7 ngày. Người dân dùng gậy và ném bùn về phía cảnh sát và cảnh sát cơ động, được trang bị dùi cui và khiên chắn, đã bắn đạn hơi cay về phía người dân.

Một người dân ở hiện trường nói phía nhà cầm quyền cáo buộc người dân làm ruộng trái phép trên mảnh đất của nhà nước trong khi người dân khẳng định mảnh đất là của họ.

Trong vụ xô xát, có khoảng 10 người dân bị thương ở đầu, tay chân và nhiều chỗ khác trên cơ thể.

Theo người dân địa phương thì họ đã khai hoang mảnh đất này từ từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng đến năm 2000 thì bỏ không và người dân chủ yếu đi làm thuê làm mướn. Nay người dân muốn lấy trồng lúa trên đó nhưng nhà cầm quyền nói đây là khu bảo tồn và không cho họ canh tác.

Tranh chấp đất đai xảy ra ở khắp Việt Nam và nhà cầm quyền cộng sản sẵn sàng dùng công an và quân đội để trấn áp người dân. Vụ trấn áp điển hình là vào đầu tháng 1 vừa qua, bộ công an cộng sản sử dụng hàng ngàn cảnh sát cơ động để tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm ở Hà Nội để bắn chết cụ Lê Đình Kình và bắt giữ khoảng 30 người.

===== 13/5 =====

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải tiếp tục kêu cứu, gửi đơn đến Uỷ ban Tư pháp Quốc hội

Mẹ và em gái của tử tù Hồ Duy Hải tiếp tục kêu cứu cho anh, gửi đơn đến Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp quốc hội Lê Thị Nga, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí và 3 đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng và Trương Trọng Nghĩa, sau khi Hội đồng thẩm phán Toà án tối cao của cộng sản bác kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao trong tuần trước.

Đây là số ít những cá nhân trong bộ máy cầm quyền Việt Nam có những nghi ngờ về việc kết án tử hình Hồ Duy Hải dựa vào những sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra và xét xử vụ án trong đó Hồ Duy Hải bị kết tội giết hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi năm 2008.

Ngay sau phiên giám đốc thẩm kết thúc, nhiều tổ chức xã hội dân sự và cá nhân đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Hà Nội xoá án tử hình đối với Hồ Duy Hải và điều tra lại vụ án. Hàng chục luật sư cũng ký chung thư ngỏ với nội dung tương tự.

Tuy nhiên, có rất ít khả năng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ huỷ bản án tử hình và yêu cầu điều tra lại vụ án vì như thế sẽ ảnh hưởng đến đương kim chánh án toà án tối cao Nguyễn Hoà Bình, người đứng đầu hội đồng thẩm phán trong phiên giám đốc thẩm tuần trước, và Trần Quốc Vượng, ứng cử viên cho chức tổng bí thư đảng, người từng là cấp trên của Nguyễn Hoà Bình trong toà án tối cao.

===== 14/5 =====

Ba đại biểu quốc hội kiến nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải

Hai đại biểu của quốc hội cộng sản Việt Nam Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và Trương Trọng Nghĩa vừa gửi kiến nghị lên chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem xét lại vụ xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải.

Báo chí nhà nước cộng sản đưa tin ông Nhưỡng nói trong thư rằng phán quyết của hội đồng thẩm phán toà án tối cao của cộng sản Việt Nam ban hành cuối phiên giám đốc thẩm đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.

Còn ông Vân cho rằng việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án vi phạm luật Tố tụng hình sự vì thành phần hội đồng không bảo đảm tính vô tư, khách quan, khi chủ tọa phiên tòa là chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng là người đã không kháng nghị bản án này trên cương vị viện trưởng Viện viểm sát tối cao. Trong khi đó, ông Nghĩa đề nghị cần hủy án để điều tra lại.

Một số nguồn tin không chính thức nói trong hội nghị trung ương đảng vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều uỷ viên trung ương, trong đó có viện trưởng viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí đã chỉ trích kịch liệt chánh án Bình về phiên toà giám đốc thẩm vừa qua.

Báo chí nhà nước cũng đưa tin luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa cho tử tù Hải, đã gửi đơn và giao nộp chứng cứ ngoại phạm của anh đến chủ tịch nước để khẳng định thân chủ của ông không phải là hung thủ sát hại hai nhân viên bưu điện ở tỉnh Long An vào năm 2008. Theo hồ sơ để lại thì hung thủ thuận tay trái trong khi Hải lại chỉ thuận tay phải.

——————–

Sáu tù nhân lương tâm cáo buộc bị đánh và biệt giam trong trại giam Xuân Lộc

Tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình và 5 tù nhân khác bị đánh đập và biệt giam tại Trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai chỉ vì đòi được lao động bên ngoài nhiều hơn.

Mẹ của Huỳnh Đức Thanh Bình được con bà cho biết thông tin trên trong buổi thăm gặp ngày 12/5.

Cụ thể, Bình và một số tù nhân lương tâm khác được đưa đi lao động ở ngoài phòng giam trong tuần. Họ muốn được ra ngoài cả hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật nên đề nghị với ban giám thị trại giam. Thay vì đối thoại, ban giám thị đưa quản giáo đến đánh đập họ rồi đưa họ đi biệt giam.

Tuy nhiên, vì bị kiểm soát chặt bởi công an, Bình không thể cho biết cụ thể thời gian bị đánh đập và hậu quả sau đó.

Việc đánh đập và đối xử hà khắc với tù nhân lương tâm mang tính hệ thống ở Việt Nam. Tuần trước, gia đình hai tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng tố cáo công an thành phố Hồ Chí Minh tại Trại tạm giam Phan Đăng Lưu đánh đập họ dẫn đến việc ông Lộc phải nằm viện 1 tuần còn ông Dũng cũng bị thương nặng và bị chuyển đến trại tạm giam Chí Hoà.

Thông tin chi tiết: Sáu tù nhân lương tâm cáo buộc bị đánh và biệt giam trong trại giam Xuân Lộc

===== 15/5 =====

Người đưa sách của Nhà Xuất bản Tự do đang nguy kịch sau khi bị tra tấn bởi công an

Theo blogger Đoan Trang, 3 ngày sau khi thoát khỏi công an Việt Nam, ông Phùng Thuỷ, 56 tuổi, người giao sách của Nhà Xuất bản Tự do, rơi vào tình trạng nguy kịch về sức khỏe.

Như tin đã đưa, ông Phùng Thuỷ đã bị rơi vào bẫy của một nhóm sỹ quan an ninh thuộc Văn phòng Bộ Công an ở phía Nam và bị đưa về trụ sở của văn phòng này tại 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông bị nhiều sỹ quan thay nhau tra khảo và đánh đập từ sáng ngày 08/5 đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Nhân lúc con gái ông mang thuốc đến, ông đã nhảy lên xe máy của cô để chạy trốn. Ông thoát khỏi sự truy đuổi của công an nhưng con gái ông lại bị chúng khống chế.

Ông Thuỷ, người đang phải ở ẩn để điều trị thương tổn, cho biết nhiều sỹ quan thay phiên nhau đấm móc và bấm huyệt ông. Ông nói có những lúc những kẻ thẩm vấn móc hai ngón tay vào mạng sườn ông thật sâu và để đó khá lâu, lại có lúc chúng ấn và bấm đến độ tưởng như da bụng ông ép sát vào dạ dày. Nghe nói đó là ngón đòn “bóp vào lá mỡ” có thể gây chết người sau một thời gian.

Cần lưu ý là quá trình thẩm vấn ông có được ghi hình bằng camera của lực lượng an ninh, nhưng camera chỉ quay phía trên, còn các cú đấm móc vào chấn thủy, giẫm đạp và chà xiết lên hai ngón chân cái… thì diễn ra phía dưới, bên ngoài khuôn hình.

Tuy không để lại dấu vết trên cơ thể nhưng ông bị đau toàn thân.

Từ ngày 11/5, ông thấy tức ngực, khó thở, buồn nôn, và từ 3h chiều đã ói ra máu tươi. Người ông co giật vì đau, bụng chướng lên và hễ cứ chạm tay vào là đau giật nảy, đau đến nỗi thở không nổi, nói không ra hơi.

Theo tin nhận được, sỹ quan an ninh bộ còn giữ hai xe máy của gia đình ông, và thường xuyên triệu tập con gái ông lên đồn để tra khảo nhằm buộc ông phải đến trình diện.

Việc bắt giữ và đánh đập ông Phùng Thuỷ nằm trong chiến dịch triệt hạ Nhà Xuất bản Tự do từ tháng 10 năm 2019 với việc bắt giữ và đánh đập ông Vũ Huy Hoàng.

Hàng chục người ở nhiều địa phương đã bị hạch sách vì mua hay vận chuyển sách in bởi Nhà Xuất bản Tự do từ khi nhà in này bắt đầu in một số cuốn sách về dân chủ, nhân quyền và vấn đề xã hội được viết bởi nhiều nhà tranh đấu quốc nội và quốc tế.

==================

Bản tin tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây