Dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước có bảo vệ cho tham nhũng?

Điều 10 luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

“Cái gì không hiểu; không quản được thì cấm. cái gì đụng chạm tới lợi ích của đảng, của các cá nhân lãnh đạo có chức có quyền thì cấm… 

Có thể nói: Hầu hết các mục trong điều 10 đều có khoản nội dung có vấn đề. Thậm chí rất ngớ ngẩn khi cho thấy dự thảo được cây dựng rất cẩu thả. Không chỉ là thiếu tâm, thiếu tài mà còn thiếu cả ở mức nhận thức tối thiểu.”

Thiên Điểu, Việt Nam Thời báo, ngày 05/11/2019

 

Có lẽ không quốc gia nào có số lượng văn bản luật và dưới luật là đè lên nhau và vi hiến nhiều như Việt Nam. Nguyên tắc của việc ban hành luật là phải dựa trên nền tảng của Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản tối thượng, chi phối và điều chỉnh mọi văn bản luật pháp khác. Thế nhưng, có lẽ hệ thống luật, những nhà làm luật Việt Nam đã quá quen với với cách xây dựng luật kiểu đối phó: Cái gì không hiểu; không quản được thì cấm. cái gì đụng chạm tới lợi ích của đảng, của các cá nhân lãnh đạo có chức có quyền thì cấm… Bản thân lãnh đạo trong bộ máy chế độ và cả những người làm luật, sau khi đã ban hành luật nhưng không thuộc, không nhớ nên văn bản này ban hành theo ý chí chủ quan, theo sự chỉ đạo của quan chức nào đó nhưng hôm sau có quan chức khác có nguy cơ bị ảnh hưởng tới lợi ích thì lại chỉ đạo ban hành tiếp. Từ tâm thế đó, các văn bản luật của Việt Nam nhìn qua thì khá đồ sộ nhưng chất lượng lại kém và không hiệu quả do chồng chéo nhau, dẫn đến mỡi cấp, mỗi địa phương, mỗi cá nhân thực thi luật theo lối tùy tiện và suy diễn theo quan điểm cá nhân. 

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sắp trình ra quốc hội thể hiện rất rõ. Hàng loạt các vấn đề liên quan đến hoạt động xã hội vốn hoặc là không thể giữ bí mật hoặc là có liên quan rộng tới cả xã hội cũng được đưa vào “danh mục Bí mật nhà nước”.

Điều 10, dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước có 16 mục và nhiều khoản phụ. Trong đó 15 mục đầu là danh mục các loại thông tin được đưa vào diện “bí mật nhà nước”. từ những chuyện rất vặt vãnh như thông tin về người nghèo, tình hình khó khăn, bình đẳng giới.. tới các vấn đề thuần túy về kinh tế, xã hội như hoạt động nông lâm nghiệp, thủy sản.v.v. vốn không có gì bí mật hoặc nếu đưa vào bí mật sẽ gây khó khăn cho phát triển và bất ổn  cho xã hội. Rất nhiều mục chồng chéo vào các luật đã có hoặc chỉ tạo ra thêm mối nghi ngờ giữa người dân và chế độ. Có thể kể ra một số cụ thể:

“Khoản a, mục 3: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động lập pháp, tư pháp”. Đây là những thông tin liên quan mật thiệt tới quyền và  nghĩa vụ mà mọi người dân phải tuân theo. Đưa vào bí mật dân không biết thì làm sao thực hiện?

“Khoản b mục 3: Thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án”.  Đây là những vấn đề đã có qui định trong luật Hình sự; luật Khiếu nại, tố cáo… và là hoạt động hành pháp bình thường.,,

Rất có thể; thông tin sức khỏa của lãnh đạo sau những dư luận trên mạng về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh; Phùng Quang Thanh; Trần Đại Quang; Nguyễn Phú Trọng… đã khiến vấn đề thông tin sức khỏe của lãnh đạo – mục khoản b. mục 11 – giờ được luật hóa, trở thành “danh mục bí mật nhà nược” ?

Lĩnh vực phòng chống tham nhũng; dù đã có khá nhiều qui định làm ngăn trở hoạt động điều tra liên quan cán bộ, đảng viên. Giữ bí mật cho người tố cáo là đương nhiên cần thiết, nhưng Luật bảo vệ bí mật nhà nước giờ đây đưa cả thông tin xử lý, giải quyết tố cáo tham nhũng vào “bí mật nhà nước” thì vô hiệu hóa luôn ý nghĩa bảo vệ người tố cáo. Một nghịch lý mà bất cứ ai cũng có thể thấy.

Có thể nói: Hầu hết các mục trong điều 10 đều có khoản nội dung có vấn đề. Thậm chí rất ngớ ngẩn khi cho thấy dự thảo được cây dựng rất cẩu thả. Không chỉ là thiếu tâm, thiếu tài mà còn thiếu cả ở mức nhận thức tối thiểu. Một đất nước, một chế độ mà bộ máy tham mưu về luật như vậy thì người dân khó có thể trông cậy vào tương lai có gì đó tốt đẹp được.