Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 43 từ ngày 21/10 đến 27/10/2019: Hai nhà hoạt động dân sự bị bắt cóc, đánh đập, tra khảo và cướp tài sản

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 27/10/2019

 

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục các nỗ lực để ngăn chặn các hoạt động của các nhóm xã hội dân sự độc lập trong bối cảnh bất mãn xã hội ngày càng gia tăng, và nạn nhân của lực lượng an ninh trong hai tuần gần đây là thành viên của hai tổ chức dân sự độc lập Cây Xanh (Green Trees) và Nhà Xuất bản Tự do (Liberal Publishing House).

Ngày 15/10, mật vụ Sài Gòn đã bắt cóc nhà hoạt động Vũ Huy Hoàng, thành viên của Nhà Xuất bản Tự do khi anh đang tìm cách chuyển 15 cuốn sách Đại nghịch Bất đạo (của nhà văn Phạm Thành) và Ký (của nhà báo hải ngoại Đinh Quang Anh Thái) cho một độc giả trong thành phố. Bọn bắt cóc đã đưa anh về công an Phường 6, Quận 3 để đánh đập và tra khảo về nguồn gốc hai cuốn sách. Những kẻ tra khảo là sỹ quan công an của quận, Sở Công an thành phố và Bộ Công an. Sau nhiều giờ không thu được kết quả như ý muốn, chúng buộc phải trả tự do cho anh nhưng không quên cảnh báo sẽ triệu tập để hỏi cung tiếp. Lo ngại vì có thể bị bắt, anh Hoàng buộc phải bí mật rời vợ và hai con nhỏ để sống ẩn dật và chữa trị thương tích do công an gây ra.

Đúng 10 ngày sau, mật vụ và công an thuộc Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã bắt cóc nhà làm phim Nguyễn Trường Thịnh (Thịnh Nguyễn) ở gần nhà anh thuộc phố Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chúng lục soát căn phòng trọ của anh, lấy đi nhiều thiết bị như Macbook, máy quay phim, điện thoại thông minh… rồi đưa anh về trụ sở của cơ quan ở phố Nguyễn Gia Thiều để tra khảo về bộ phim Đừng Sợ, một bộ phim về xã hội dân sự độc lập sản xuất bởi nhóm Cây Xanh mà anh là một thành viên chủ chốt. Trong suốt buổi chiều, anh Thịnh bị nhiều sỹ quan an ninh tra khảo nhưng anh giữ quyền im lặng và đòi sự hiện diện của luật sư. Cuối buổi chiều, công an phải trả tự do cho anh, không quên cảnh báo sẽ triệu tập anh để tiếp tục hỏi cung. Công an không trả những thiết bị mà chúng lấy từ phòng trọ của anh.

Nhà hoạt động nhân quyền và xã hội Nguyễn Ngọc Ánh sẽ ra toà kháng cáo vào ngày 07/11 được tiến hành bởi Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, vào đầu tháng 6, anh bị Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự chỉ vì nhiều bài viết về những vấn đề nghiêm trọng của đất nước như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, chủ quyền của đất nước bị Trung Cộng vi phạm… trên mạng Facebook. Kể từ khi bị bắt ngày 30/8/2018, anh thường xuyên bị tra tấn về tinh thần và thân thể, người vợ đang nuôi con nhỏ cũng bị hạch sách bởi nhà cầm quyền địa phương.

Nhà chức trách Anh Quốc tìm thấy một xe container với 39 thi thể đã bị chết ngạt và lạnh ở Essex và dường như các nạn nhân là người từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ xả thải của nhà máy thép Formosa ở huyện Kỳ Anh. Theo nhiều nguồn tin thì họ thuộc nhóm 110 người đang trên đường nhập cảnh bất hợp pháp từ Bỉ vào Anh Quốc nơi có hàng nghìn người Việt làm trong tiệm nail hay trang trại trồng cần sa. Nhằm hy vọng đổi đời, hàng nghìn người Việt, phần lớn trong số họ thuộc miền Trung Việt Nam, tìm cách đi lậu vào Anh Quốc để làm 2 công việc trên vì được trả công cao cho dù phải đối mặt với cái chết trên đường đi.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 21/10 =====

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 07/11

Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm xử tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 07/11, người bị Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự trong phiên toà sơ thẩm vào ngày 06/6/2019.

Ông Ánh, sinh năm 1980, là một chủ đầm tôm ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông bị bắt này 30/8/2018 chỉ vì viết bài và live streams trên mạng xã hội Facebook nói về những vấn đề nghiêm trọng của đất nước như ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền, chủ quyền quốc gia ở Biển Đông bị Trung Cộng xâm phạm…

Trong thời gian bị giam giữ ở trại tạm giam của công an tỉnh Bến Tre, ông nhiều lần bị khủng bố tinh thần và bị đánh đập. Vợ ông, người đang nuôi con nhỏ, cũng bị nhà cầm quyền địa phương trấn áp.

Ông được xếp vào danh sách tù nhân lương tâm (tù nhân chính trị) bởi nhiều tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) và Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders).

Đọc thêm: Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh sẽ ra tòa phúc thẩm vào tháng 11

——————–

Nhà hoạt động Vũ Huy Hoàng bị bắt cóc, đánh đập

Ngày 15/10, nhà hoạt động Vũ Huy Hoàng bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc khi ông đang tìm cách giao 15 cuốn sách Đại nghịch Bất đạo của nhà văn Phạm Thành và Ký của nhà báo Đinh Quang Anh Thái in bởi Nhà Xuất bản Tự do, một tổ chức không đăng ký.

Những kẻ bắt cóc đã đưa anh về công an phường 6 Quận 3 để đánh đập và tra khảo về việc in sách. Tham gia tra khảo anh có công an quận, công an thành phố và công an thuộc Văn phòng Bộ Công an ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sau nhiều giờ tra khảo mà không moi được tin tức gì vì nạn nhân giữ quyền im lặng, công an buộc phải trả tự do cho anh. Chúng đưa anh về nhà và canh giữ bên ngoài, nói rằng sẽ triệu tập anh để hỏi cung tiếp.

Cho dù bị thương tích đầy mình, anh Hoàng phải bí mật rời nhà vì cảm thấy anh có thể bị bắt giữ. Hiện anh đang phải sống ẩn mình để dưỡng thương, và không rõ khi nào anh mới có thể trở về nhà cùng vợ và hai con nhỏ.

Anh Hoàng từng bị mật vụ bắt giữ khi anh đưa nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đi từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào trung tuần tháng Năm năm 2016 trong chuyến viếng thăm đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông.

Nhà Xuất bản Tự do đã in nhiều đầu sách bị coi là “độc hại” đối với chế độ cộng sản, trong đó có nhiều cuốn của cây viết Phạm Đoan Trang như Cẩm nang nuôi tù, Chính trị bình dân và Phản kháng phi bạo lực.

Nhà cầm quyền Việt Nam đang tìm mọi phương cách để xoá bỏ Nhà Xuất bản Tự do.

——————–

Hoa Kỳ trục xuất nạn nhân của Formosa Hà Văn Thành

Nhà chức trách Hoa Kỳ đã trục xuất nạn nhân của Formosa Hà Văn Thành về Việt Nam ngày 21/10 cho dù có nhiều tổ chức và cá nhân, trong đó có Dân biểu Alan Lowenthal kêu gọi cấp cho ông quy chế tỵ nạn chính trị.

Theo RFA, ông Thành, 37 tuổi, đã bị trả về Việt Nam sau khi bị thất bại trong 3 lần ra toà của Sở Di trú Hoa Kỳ, do các thẩm phán không tin tưởng vào câu chuyện ông trốn chạy vì bị đàn áp ở Việt Nam.

Ông Thành là người ở tỉnh Nghệ An, một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ môi trường năm 2016 vì sự xả thải của Công ty thép Formosa ở ven biển miền Trung. Ông tham gia biểu tình đòi công ty này rút khỏi Việt Nam và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ này.

Cho rằng ông bị nhà cầm quyền Việt Nam đe doạ bắt giữ vì tham gia biểu tình ôn hoà, ông Thành đào tẩu sang Thái Lan ngày 12/5/2018, rồi sang Cuba và Panama, nơi ông nạp đơn xin tỵ nạn chính trị. Sau đó, ông lại tìm đường đến Mexico và đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico để xin tỵ nạn vào Hoa Kỳ.

Trong nhiều tháng trước khi bị trục xuất về Việt Nam, ông bị giam giữ ở nhiều nhà tù liên bang của Hoa Kỳ ở Texas, New Mexico và cuối cùng là Arizona.

Ông Thành có thể bị đàn áp khi trở về Việt Nam cho dù ông không bị kết tội “vượt biên trái phép.”

Trước khi bị trục xuất, ông được 4 Dân biểu Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Lou Correa và Harley Rouda cùng Thị trưởng thành phố Westminster (tiểu bang California) Tạ Đức Trí và một số tổ chức phi chính phủ vận động Chính phủ Hoa Kỳ xem xét cho ông Thành được hưởng quy chế tị nạn.

——————–

Nhiều người Việt mất tích trên đường sang Anh Quốc

Theo tin tức từ trang mạng xã hội của cộng đồng người Việt tại Anh Quốc, nhiều người Việt đang ở tình trạng mất tích trên đường đi từ Pháp và Bỉ sang xứ sở sương mù trong mấy ngày gần đây.

Gia đình của những người này rất lo lắng sau khi nghe tin nhà chức trách Anh Quốc đã phát hiện một chiếc xe tải đến từ Bulgaria có 39 người châu Á bị tử vong vì chết ngạt trong container. Cảnh sát Anh Quốc vẫn chưa xác định được danh tính của 39 nạn nhân trên, họ chỉ đoán là người Hoa nên gọi cho Toà Đại sứ của Trung Cộng đến để làm việc. Không loại trừ những người bị chết ngạt trong xe kia là người Việt.

Viethome đã liên lạc với một số gia đình ở tỉnh Hà Tĩnh và được biết thân nhân của họ có kế hoạch rời Pháp và Bỉ để sang Anh, trùng với thời gian trong hành trình của xe container xuất phát từ Bulgaria. Tuy nhiên, có thể những người Việt này chỉ đang bị kẹt ở đâu đó thuộc 3 nước vì cảnh sát của Anh Quốc thắt chặt kiểm soát sau khi phát hiện ra vụ xe chở lậu với 39 thi thể kia.

Viethome cho biết cảnh sát Anh đã bắt giữ một số đường dây đưa người vượt biên trái phép vào Anh Quốc.

Có hàng trăm người Việt nhập cảnh lậu vào Anh Quốc hàng năm và với nhiều người trong số họ thì trồng cần sa là công việc chính cho thu nhập cao.

BBC đưa tin ngày 23/10, cảnh sát Anh Quốc đã tìm thấy 3 cậu bé người Việt trong một trang trại trồng cần sa. Đây là 3 nạn nhân của tội phạm buôn người, bị đưa đến Anh để phải lao động như một nô lệ.

——————–

Toà án cấp quận của Đài Bắc không thụ lý vụ công dân Việt Nam kiện Formosa

BBC đưa tin Tòa án cấp quận ở Đài Bắc (Taipei District Court) không thụ lý đơn kiện của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh kiệnTập đoàn hoá chất Formosa vì gây ra thảm họa môi trường ở Việt Nam vì toà này không đủ thẩm quyền.

Bên nguyên đơn gồm các đại diện cho nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường biển mà Formosa Hà Tĩnh gây ra, đã nộp 1,2 triệu đô la Đài Loan tiền lệ phí tòa. Họ có kế hoạch đưa đơn kiện tới Tòa Thượng thẩm Đài Loan. Hệ thống toà án của Đài Loan có 3 cấp: Toà án tối cao (Supreme Court), Toà Thượng thẩm (High Court) và Toà án cấp quận (District Court).

Dưới sự trợ giúp của nhiều hội đoàn, hàng nghìn người dân miền Trung Việt Nam đã nộp đơn kiện Formosa ở Đài Loan ngày 11/6 cho văn phòng công tố cấp quận ở Đài Bắc. Với đơn kiện là của nhóm “Công lý cho Nạn nhân Formosa,” bên nguyên đơn đòi được bồi thường 4 triệu Mỹ kim cho 51 nạn nhân. Tuy nhiên, tổng số nạn nhân ghi danh để tham dự vào vụ kiện chờ bổ túc hồ sơ cho đến giờ là 7.875 người.

Tổng cộng 24 tổ chức và cá nhân bị kiện được ghi trong đơn, gồm Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Tập đoàn Formosa Plastics Group, các công ty khác có đầu tư vào Hà Tĩnh, cùng các thành viên ủy ban quản trị và cổ đông của các công ty này.

Dẫn lời bà Nancy Bùi- đại diện “Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa”, BBC viết rằng nhóm sẽ gửi đơn kiện Formosa tới 3 nơi. Ngoài toà án ở Đài Loan, nhóm đã đưa sự việc ra Liên Hợp quốc và đệ đơn ra toà án ở tiểu bang New Jersy(Hoa Kỳ), nơi có trụ sở chính của Tập đoàn Formosa.

Cũng theo bà Nancy Bùi thì con số nạn nhân của Formosa lớn hơn nhiều so với con số mà nhóm tiếp cận được vì gặp sự cản trở của nhà cầm quyền Việt Nam.

Formosa đã bồi thường 500 triệu Mỹ kim cho phía Việt Nam, tuy nhiên, công ty này lại được hưởng nhiều ưu đãi của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng một phần số tiền trên để bồi thường cho nạn nhân, số còn lại để khắc phục môi trường.

===== 25/10 =====

Nghệ sỹ Thịnh Nguyễn bị câu lưu, đánh đập, tịch thu thiết bị

Sáng ngày 25/10, lực lượng an ninh cộng sản Việt Nam đã bắt giữ, đánh đập nghệ sỹ Nguyễn Trường Thịnh (nghệ danh Thịnh Nguyễn), tra hỏi anh trong nhiều giờ và tịch thu nhiều thiết bị của anh trước khi trả tự do cho anh vào cuối buổi chiều cùng ngày.

Theo nhóm Cây Xanh (Green Trees) mà anh Thịnh là thành viên chủ chốt thì hàng chục mật vụ và công an bao vây khu nhà riêng của anh ở phố Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội vào sáng thứ Sáu. Gần trưa, khi anh Thịnh đến một cửa hàng gần nhà thì công an đã xông vào bắt anh và tống lên một chiếc xe rồi chạy khỏi khu vực.

Khoảng 11.30, công an đưa anh về khám nhà và tịch thu nhiều thiết bị của anh như Macbook, nhiều điện thoại thông minh, máy quay phim và thiết bị phụ trợ với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Trong quá trình lục soát nhà, công an đánh đập anh.

Sau đó, công an đưa anh Thịnh về văn phòng của cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an ở phố Nguyễn Gia Thiều. Tại đây, nhiều sỹ quan an ninh thay nhau tra hỏi về các hoạt động của anh, về nhóm Cây Xanh và bộ phim Đừng Sợ mà nhóm mới cho công chiếu trong vài tháng gần đây.

Trong quá trình làm việc, anh Thịnh giữ quyền im lặng và đòi có mặt luật sư. Do không khai thác được gì, công an trả tự do cho anh vào khoảng 18.30 giờ, và nói rằng sẽ “mời” anh lên làm việc vào tuần tới.

Nghệ sỹ Thịnh sinh năm 1980, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở Việt Nam, tu nghiệp hội họa tại Trung Quốc. Anh từng nhiều lần mở triển lãm nghệ thuật sắp đặt cá nhân.

Là một đạo diễn phim, anh sát cánh bên gia đình các tử tù bị kết tội oan, gia đình các tù nhân lương tâm. Anh đã quay hàng nghìn thước phim về họ. Trang facebook “Chuyện của Thịnh” đã đăng tải hàng chục video phỏng vấn hoặc phim ngắn về tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, Trần Thị Nga, Nguyễn Huyền Trang- vợ của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, cha mẹ của các tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, dân oan Dương Nội và Văn Giang, và nhiều đồng bào Tây Nguyên tị nạn cộng sản…

Chính vì những hoạt động bảo vệ môi trường và bộ phim “Đừng Sợ” mà nhóm Cây Xanh đã bị nhà cầm quyền cộng sản tìm mọi cách để đàn áp. Nhiều thành viên của nhóm như Cao Vĩnh Thịnh, Đặng Vũ Lượng và Phạm Đoan Trang bị câu lưu và tra hỏi nhiều lần trong năm 2019.

———————

Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế lên án Việt Nam đàn áp xã hội dân sự

RFA: Liên đoàn Nhân quyền Quốc Tế (FIDH), trụ sở tại Paris, vào ngày 25 tháng 10 ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam gia tăng đàn áp xã hội dân sự và thiếu vắng công lý về môi trường nhân Hội nghị lần thứ 40 tại Đài Bắc.

Theo thông cáo báo chí của FIDH, hơn 400 nhà lãnh đạo về nhân quyền, các vị học giả, và đại diện của những tổ chức xã hội dân sự khắp nơi trên thế giới tham gia Hội nghị lần thứ 40 của Liên đoàn diễn ra từ ngày 21 đến 25 tháng 10. Chủ đề của hội nghị lần này là “Phục hồi Tính Phổ quát của Nhân quyền’.

Đây là lần đầu tiên FIDH tiến hành hội nghị tại một nước Châu Á và đích thân nữ tổng thống nước chủ nhà, Bà Thái Anh Văn, đến khai mạc hội nghị.

Tại hội nghị, ông Võ Trần Nhật, người đại diện cho Ủy Ban Quyền Làm Người Việt Nam, một thành viên của FIDH, lên tiếng cảnh báo về tình trạng gia tăng đàn áp các bloggers, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam.

Một nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam được nhất trí thông qua tại hội nghị. Nghị quyết lên án biện pháp đàn áp có hệ thống của chính phủ Việt Nam đối với tất cả những chỉ trích và phản đối ôn hòa về sự đàn áp cũng như những vấn đề nhân quyền khác. Cụ thể đó là thực trạng gia tăng bắt bớ, tuyên những bản án tù dài đối với giới hoạt động xã hội dân sự, hình sự hóa quyền tự do biểu đạt bằng những điều luật mang tính giới hạn và một chính sách chung nhằm tạo nên một bầu khí lo sợ trong những người muốn tham gia vào công việc chung.

Tại hội nghị, một nghị quyết về công lý môi trường tại Việt Nam cũng được thông qua. Nghị quyết nhắc lại thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên vào năm 2016. Trong thảm họa đó, chính phủ Việt Nam thiếu hành động hỗ trợ cho nạn nhân và giải quyết những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng. Trong đó có những quyền được sống trong môi trường sạch, quyền có đủ lương thực và được chăm sóc sức khỏe, quyền làm việc, quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp, quyền được thông tin và quyền được bồi thường đầy đủ.

——————–

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hoàng Nam ngưng tuyệt thực

 RFA: Ông Nguyễn Hoàng Nam, tù nhân lương tâm và là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã ngưng tuyệt thực sau 6 ngày để phản đối công an trại giam Xuân Lộc chuyển ông qua giam cùng với các tù nhân án ma túy.

Ông Nguyễn Hoàng Nam gọi điện thoại về cho gia đình vào ngày 25 tháng 10 năm 2019 thông báo thông tin này. Bà Lâm Thị Yến Trinh, vợ ông Nam kể lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau;

“Họ đưa trở lại trại cũ K2, về chỗ cũ rồi. Cái ngày em đi thăm ảnh, qua bữa sáng hôm sau là họ đưa ổng lại chỗ cũ.

Cái ngày đó đến chiều luôn là ảnh không ăn, qua sáng hôm sau thì họ đưa ảnh lại chỗ cũ. Bây giờ ảnh được nấu ăn tự do như mọi lần rồi,”

Hôm 16 tháng 10 năm 2019, bà Trinh khi thăm ông Nguyễn Hoàng Nam ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai và được ông cho biết là đang tuyệt thực từ ngày 11 tháng 10 để phản đối việc ông bị cách ly với các tù nhân chính trị.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ trong hôm nay cũng được gọi về cho người thân theo tiêu chuẩn 5 phút hàng tháng, nhưng không cho biết về tình trạng của ông hiện giờ.

Trong cuộc thăm gặp ngày 18 tháng 10 tại trại giam Xuân Lộc, ông Độ thông báo với anh trai của mình là ông đang tuyệt thực đến ngày thứ 5 để bày tỏ thái độ không đồng tình việc căn-tin trại này bán giá quá đắt cho tù nhân, gấp 5 lần giá bên ngoài.

Một người khác là ông Huỳnh Trương Ca tuyệt thực ở nhà tù này từ ngày 4/10, nhưng đến giờ chưa có thông tin thêm.

===== 26/10 =====

Nhiều giáo xứ thắp nến cầu nguyện cho 39 nạn nhân ở Essex

Trong tuần này, nhiều giáo xứ Công giáo ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức thắp nến cầu nguyện cho 39 nạn nhân bị chết trên đường vào Anh Quốc cuối tuần trước.

Đêm 26/10 tại giáo xứ Mỹ Khánh, dưới sự chủ trì của hai linh mục Joan Nguyễn Đình Thục và Anton Đặng Hữu Nam, đông đảo bà con là thân nhân thù nhân lương tâm, những người yêu chuộng công lý hoà bình và giáo dân đã hiệp thông dâng lễ, thắp nến cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm và 39 người tử nạn trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hàng nghìn giáo dân của giáo xứ Song Ngọc cũng tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện cho những người tử nạn trên chuyến xe định mệnh đó.

Nhà thờ Thái Hà thuộc dòng Chúa Cứu thế cũng có kế hoạch tổ chức buổi lễ Công lý và Hoà bình để thắp hương tưởng niệm cho các nạn nhân, cho dù không phải tất cả họ đều là giáo dân. Dự tính sẽ có nhiều người hoạt động ở thủ đô không theo Công giáo cũng sẽ tham gia buổi lễ cầu nguyện, như họ đã từng tham gia nhiều buổi lễ của nhà thờ trước đây.

Theo nhiều nguồn tin, cả 39 người bị chết trong container được tìm thấy ở Essex (Anh Quốc) là người Việt Nam dưới giấy tờ giả làm người Trung Cộng. Trong số đó, 25 người thuộc huyện Yên Thành, 2 người huyện Diễn Châu, 2 người Vinh của Nghệ An và 5 người thuộc huyện Can Lộc, 1 người ở huyện Hồng Lĩnh và còn lại 5 người thuộc địa phương khác của tỉnh Hà Tĩnh. Một số nạn nhân được cư dân mạng đưa tên là Nguyễn Hùng và Hoàng Văn Tiếp ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, và Nguyễn Đình Lượng ở xã Thanh Lộc, cùng huyện Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh.

Tổng hợp từ nhiều nguồn tin thì 39 nạn nhân trên thuộc một nhóm khoảng 110 người Việt rời quê hương từ đầu tháng 10. Đầu tiên, họ đi sang Trung Cộng và từ đây sử dụng sổ thông hành giả làm người Hoa để đi sang Nga. Từ đây, họ bị buộc vứt bỏ giấy tờ tuỳ thân và nhập cảnh lậu vào Pháp và Bỉ rồi được đưa vào container để vượt biên vào Anh Quốc. Hai chuyến xe đầu không gặp sự cố và 71 người đã vào được Anh Quốc, còn chuyến xe cuối với 39 nạn nhân không được may mắn thế và họ đã bị chết vì bị ngạt và nhiệt độ quá thấp (âm 25 độ C).

Hiện nhà chức trách Anh phối hợp với Toà đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc để xác định danh tính của các nạn nhân. Tuy nhiên, việc xác định danh tính này sẽ mất nhiều thời gian.

Tuần qua, hàng trăm người Anh cũng đã thắp nến tưởng niệm cho những người xấu số Việt Nam.

——————–

Ân xá Quốc tế Nauy kêu gọi Việt Nam hủy án tử hình với Hồ Duy Hải

RFA: Ân xá Quốc tế Nauy vừa gửi thư đến ông Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hủy bỏ án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người đã bị bắt vào tháng 3/2008 và 9 tháng sau đó bị tòa án tỉnh Long An tuyên tội tử hình với cáo buộc giết người, cướp tài sản.

Bức thư của Tổng thư ký Ân xá quốc tế Nauy – John Peder Egenaes gửi đến Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng được ký vào ngày 23/10/2019, đính kèm theo chữ ký của 25.543 người Nauy tham gia kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải.

Trong thư có viết “chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức hoãn tất cả các vụ hành quyết nhằm chấm dứt hình phạt tử hình theo sáu quyết định của Đại hội đồng liên hiệp quốc đã đưa ra vào năm 2007”.

Trên trang Facebook chính thức của Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Đông Nam Á, ngày 25/10 có đăng tải lại bức thư của Ân xá Quốc tế Nauy và cũng chính thức loan tin kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ bản án tử hình của Hồ Duy Hải, và đảm bảo rằng anh được hưởng một quy trình tái xét xử công bằng.

Vào ngày 7/5/2018, gần 25 ngàn chữ ký cũng đã được gửi đến cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Hồ Duy Hải bị đưa ra tòa, bị buộc tội và bị kết án tử hình dưới tội danh “giết người cướp của”, lúc đó, anh mới 23 tuổi.

Tuy nhiên, năm 2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng. Do đó, kêu gọi chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án.

Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã ra lệnh hoãn thi hành án tử hình, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.

Mặc dù đã được chứng minh là thiếu chứng cứ và không diễn ra đúng thủ tục, chính quyền tỉnh Long An vẫn không tổ chức điều tra lại vụ án, và Hồ Duy Hải vẫn phải đối diện với việc bị tử hình bất cứ lúc nào.

Thậm chí, tháng 12 năm 2017, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tuyên bố rằng họ muốn “nhanh chóng” tử hình Hồ Duy Hải .

Đã 11 năm Hồ Duy Hải bị giam giữ như một tử tù, anh nói với mẹ của mình mỗi lần thăm gặp rằng “hãy kêu oan cho con”. Và trong suốt 11 năm, mẹ của Hồ Duy Hải đã kiên trì thực hiện hành trình “kêu oan” cho con trai của mình.

=================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ ở đây