LHQ sắp kiểm điểm Việt Nam về Quyền Dân Sự và Chính Trị

Thông Cáo Báo Chí

BPSOS, ngày 25 tháng 12, 2018

Liên lạc: crp@bpsos.org

Ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây nhà nước Việt Nam sẽ phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Đây là cơ hội cho người dân ở Việt Nam để cung cấp cho Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, là cơ quan sẽ thực hiện kiểm điểm, thông tin về những vi phạm nhân quyền nhằm phản biện những điểm nào mà nhà nước Việt Nam báo cáo thiếu trung thực.

Theo lịch trình dự kiến, sáng ngày 11 Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ sẽ hội ý với một số tổ chức xã hội dân sự đã nộp bản báo cáo vào cuối tháng 4 vừa qua, song song với báo cáo của nhà nước Việt Nam. Chiều ngày 11, Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ sẽ đặt câu hỏi và sáng ngày 12 là phần trả lời của đoàn đại diện Việt Nam. Toàn bộ buổi kiểm điểm sẽ được trình chiếu trực tuyến bằng nhiều ngôn ngữ, có cả tiếng Việt.

Để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm, ngày 16 tháng 8 vừa qua Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ gửi cho Việt Nam Danh Sách Các Vấn Đề (List of Issues, hoặc LOIs). Danh sách này, phần lớn dựa trên các bản báo cáo kể trên của các tổ chức xã hội dân sự, gồm 15 mục, 27 đoạn. Xem bảng tóm tắt ở cuối bài.

Ngày 26 tháng 11, nhà nước Việt Nam đã gửi bản hồi đáp. Để tiện cho mọi người theo dõi, chúng tôi đã dịch sang tiếng Việt bản hồi đáp, đối chiếu với từng vấn đề được nêu bởi Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ:  http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/12/CCPR-Tra-loi-cua-Viet-Nam-ban-dich-tieng-Viet.pdf

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, tại buổi kiểm điểm Việt Nam bởi Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ, ngày 15/11/2018 (ảnh OMCT) 

Các tổ chức phi chính phủ có thời hạn đến ngày 4 tháng 2, 2019 để nộp báo cáo nhận định về văn bản hồi đáp của nhà nước Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để người dân trong nước đòi hỏi nhà nước giải trình việc tuân thủ và thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Lần chót mà Việt Nam giải trình là năm 2002, tức 16 năm trước đây. Trên nguyên tắc, mỗi quốc gia ký kết công ước này phải qua cuộc kiểm điểm mỗi 5 năm. Việt Nam đã 2 lần không nộp bản báo cáo và không dự cuộc kiểm điểm. Để lỡ cơ hội này thì phải mất tối thiểu 5 năm nữa mới có cơ hội lần nữa.

Chúng tôi khuyến khích các các nhóm và các tổ chức của người dân ở Việt Nam và của người Việt ở hải ngoại tận dụng cơ hội này để báo cáo phản biện nhằm làm sáng tỏ những điểm mà nhà nước Việt Nam trình bày không chính xác hoặc không trọn vẹn. Cách tốt nhất là mỗi nhóm hoặc tổ chức tập trung vào một mục hoặc một đoạn. Thông tin cập nhật và các hướng dẫn sẽ được phổ biến qua trang mạng: http://vncrp.org, trang blog: http://machsongmedia.com, và trang Facebook: BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam.

BPSOS sẽ hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm kiểm tra bản thảo và dịch thuật, để tạo điều kiện cho người dân ở trong nước và người Việt ở hải ngoại đóng góp ý kiến và thông tin cho cuộc kiểm điểm. Cách khác, các cá nhân hoặc nhóm cũng có thể cung cấp thông tin và dữ liệu về các vụ vi phạm. BPSOS sẽ đúc kết thành bản báo cáo để nộp cho Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ. Nếu có thông tin chia sẻ hoặc cần hỗ trợ kỹ thuật, xin liên lạc crp@bpsos.org.

Bảng tóm tắt Danh Sách Các Vấn Đề:

(1)    Hiến pháp và khung pháp lý để thực thi công ước ICCPR (điều 2 của công ước):

–          Đoạn 1: Vấn đề nội luật hoá công ước ICCPR

–          Đoạn 2: Uỷ ban nhân quyền quốc gia độc lập với chế độ

(2)    Không phân biệt đối xử và bình đẳng giới (các điều 2, 3, 20 và 26)

–          Đoạn 3: Các biện pháp để xoá bỏ phân biệt đối xử hiện có trong luật pháp, đặc biệt liên quan đến phụ nữ, người khuyết tật, người nhiễm HIV, các dân tộc thiểu số, các cặp đồng tính, người chuyển giới

–          Đoạn 4: Các biện pháp thi hành để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ

–          Đoạn 5: Chống các phát biểu thù hận, xử lý các Hội Cờ Đỏ

(3)    Bạo lực với phụ nữ (điều 2, 3, 6, 7 và 26)

–          Đoạn 6: Các biện pháp để chống bạo hành với phụ nữ, trừng phạt thủ phạm

(4)    Tình trạng khẩn cấp và biện pháp chống khủng bố (các điều 2, 4, 7, 9 và 14)

–          Đoạn 7: Vi phạm hoặc hạn chế nhân quyền nhân danh chống khủng bố

(5)    Quyền sống (các điều 6, 7, 9, 10 và 14)

–          Đoạn 8: Chính sách đối xử với tử tù

–          Đoạn 9: Chính sách về phá thai

(6)    Cấm tra tấn và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, đối xử với người bị tước tự do, bao gồm tù nhân lương tâm (điều 2, 6, 7, 9, 10 và 26)

–          Đoạn 10: Các biện pháp xử lý đối với cáo giác về tra tấn, các vụ chết trong đồn công an và các cáo buộc là thân nhân bị đe doạ nếu lên tiếng

–          Đoạn 11: Biệt giam và phân biệt đối xử với tù nhân theo Thông tư 37 của Bộ Công An năm 2011

–          Đoạn 12: Việc giám sát độc lập các nơi giam giữ

(7)    Lao động cưỡng bức, xóa bỏ tình trạng nô lệ và nô dịch (điều 7, 8 và 9)

–          Đoạn 13: Chính sách về cưỡng bức lao động và chống buôn người

(8)    Tự do và an ninh bản thân (điều 2, 9 và 14)

–          Đoạn 14: Bắt giữ người tuỳ tiện, tạm giam dài hạn, các tội cáo buộc về “an ninh quốc gia” (đặc biệt nhắc đến trường hợp Mẹ Nấm), bị giam tại gia

(9)    Quyền được xét xử công bằng và tính độc lập của tư pháp (điều 14)

–          Đoạn 15: Tính độc lập của ngành tư pháp

–          Đoạn 16: Tình trạng bị cản trở về tiếp cận luật sư

(10)  Tự do lương tâm và niềm tin tôn giáo (các điều 2, 18, 26 và 27)

–          Đoạn 17: Luật tín ngưỡng tôn giáo

–          Đoạn 18: Việc bắt cải đạo, đàn áp, bỏ tù các người theo đạo, đặc biệt người Tây Nguyên và người Hmong theo đạo Tin Lành

(11)  Tự do biểu đạt và quyền riêng tư (điều 17 và 19)

–          Đoạn 19: Đàn áp tự do biểu đạt bằng các điều 109, 116, 117 và 331 Bộ luật Hình sự

–          Đoạn 20: Luật An Ninh Mạng

(12)  Người bảo vệ nhân quyền (các điều 6, 7, 9, 12, 14 và 19)

–          Đoạn 21: Các vụ tra tấn và đối xử tàn bạo nhắm vào các người bảo vệ nhân quyền

–          Đoạn 22: Cấm xuất cảnh theo Nghị định 136/2007/ND-CP, bị quản chế tại gia sau khi mãn hạn tù

–          Đoạn 23: Các luật sư bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu, trừng phạt

(13)  Tự do hiệp hội và hội họp (điều 7, 9, 21 và 22)

–          Đoạn 24: Ngăn cản hoạt động của các tổ chức XHDS độc lập

–          Đoạn 25: Chưa có luật biểu tình, nghị định 38/2005/ND-CP hạn chế việc tụ tập hơn 5 người, các vụ đàn áp người biểu tình chống Formosa

(14)  Quyền tham gia vào đời sống công và chống tham nhũng (điều 25)

–          Đoạn 26: Đa nguyên chính trị và quyền bầu và ứng cử tự do; các biện pháp chống tham nhũng và việc cáo buộc tham nhũng để triệt hạ cá nhân

(15)  Quyền của người thiểu số (điều 2 và 27)

–          Đoạn 27: Dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi về tôn giáo, bị ngăn cản các truyền thống văn hóa, bị bắt bớ tùy tiện, bị tịch thu đất đai và mất nơi ở.

Các tài liệu liên quan:

  1. Bản báo cáo quốc gia mà nhà nước Việt Nam nộp cho Uỷ Ban Nhân Quyền, ngày 09/01/2018:

https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CCPR%2fC%2fVNM%2f3&Lang=en

        2. Các báo cáo của xã hội dân sự:

https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/SessionDetails1.aspx?SessionID=1213&Lang=en

       3. Danh sách các vấn đề (List of Issues), ngày 16/08/2018:

https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CCPR%2fC%2fVNM%2fQ%2f3&Lang=en

       4. Bản trả lời của nhà nước Việt Nam, ngày 26/11/2018:

https://tbinternet.ohchr.org/Treaties/CCPR/Shared%20Documents/VNM/INT_CCPR_RLI_VNM_33107_E.pdf

       5. Bản Nhận Xét Kết Luận của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ từ lần kiểm điểm trước, ngày 05/08/2002:

https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CCPR%2fCO%2f75%2fVNM&Lang=en

       6. Lịch trình buổi kiểm điểm Việt Nam: https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=INT%2fCCPR%2fPOW%2f125%2f28004&Lang=en 

       7. 10 tổ chức XHDS góp ý cho cuộc kiểm điểm nhân quyền đối với Việt Nam:
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1329-2018-04-30-23-12-48.html