Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 49 từ ngày 03 đến 09/12/2018: Hai nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị điều tra về cáo buộc “Phá rối an ninh”

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 09/12/2018

 

Công an thành phố Hồ Chí Minh đang giam giữ Đoàn Thị Hồng và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cùng một số người khác để điều tra về cáo buộc “Phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự 2015.

Hai nhà hoạt động thuộc nhóm Hiến Pháp, một nhóm cổ suý quyền dân sự và chính trị thông qua việc phổ biến Hiến pháp 2013. Họ là hai trong số 9 thành viên của nhóm bị bắt hoặc bị bắt cóc trong tháng 9-10 vì tham gia biểu tình ngày 10/6 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Cáo buộc “Phá rối an ninh” là nghiêm trọng và mức án cao nhất là 15 năm tù giam, theo luật hiện hành.

7 thành viên khác của Hiến Pháp là Ngô Thế Dũng, Huỳnh Trương Ca, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương, Đỗ Thế Hoá, Lê Minh Thể và Hưng Hùng đang bị giam giữ để điều tra với các cáo buộc khác như “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của BLHS 2015.

Cùng với việc biệt giam họ, công an thành phố HCM còn sách nhiễu gia đình. Chị Lê Thị Khanh, vợ của nhà hoạt động Trần Thanh Phương cho biết công an vẫn tiếp tục triệu tập chị và cô con gái 13 tuổi để khai thác về các hoạt động xã hội của chồng chị.

Trong buổi tối ngày 07/12, một nhóm 4 nhà hoạt động Huỳnh Tấn Tuyên, Võ Văn Trai, Ngọc Anh và Nguyễn Văn Hải từ Bà Rịa-Vũng Tàu đang trên đường đến Biên Hoà để thăm hỏi một số gia đình có người bị kết án tù vì tham gia biểu tình trong tháng Sáu thì bị mật vụ tấn công. Hàng chục mật vụ trên xe gắn máy ném đá và gạch vào xe của họ, đập vỡ kính và gây thương tích cho ông Võ Ngọc Trai và cô Ngọc Anh. Do bị tấn công khốc liệt, họ đành phải quay xe về để bảo toàn tính mạng.

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Tôn đang bị kỷ luật bởi Ban giám thị Trại giam Gia Trung vì ông từ chối thừa nhận tội như đã bị kết án. Công an trại giam buộc ông phải ngồi cách ly với các tù nhân khác vì sợ rằng ông sẽ gây ảnh hưởng xấu lên họ.

===== 03/12 =====

Hai nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị điều tra về cáo buộc “Phá rối an ninh”

Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết họ đang giam giữ Đoàn Thị Hồng (Facebooker Xuân Hồng) và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (Facebooker Tran Hoang Lan) để điều tra về cáo buộc “Phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là một cáo buộc nghiêm trọng và mức án cao nhất là 15 năm tù giam nếu bị kết tội.

Họ là hai nhà hoạt động trong số nhiều người bị an ninh Việt Nam bắt giữ hoặc bắt cóc trong đầu tháng 9. Cả hai được cho là thành viên của nhóm Hiến Pháp.

Họ đang bị tạm giam tại Phan Đăng Lưu, cơ sở giam giữ của Sở Công an. Công an vẫn chưa cho phép luật sư Nguyễn Văn Miếng tiếp xúc với thân chủ của mình là cô Đoàn Thị Hồng, người bị bắt cóc và tạm giam từ đầu tháng 9 tới nay vì những hoạt động ôn hoà của mình.

Theo một văn bản đề ngày 19/11/2018 của Sở Công an thành phố gửi Văn phòng luật sư Luật Hồng Đức, nơi luật sư Miếng làm việc, thì cô Đoàn Thị Hồng bị bắt trong vụ án “Phá rối an ninh” của một nhóm do một người tên là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đứng đầu.

Bên phía công an cho biết đây là vụ án thuộc phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự 2015 nên việc tiếp xúc giữa bị can với luật sư sẽ tuân thủ theo Điều 74 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Văn bản cũng nêu rõ cô Đoàn Thị Khánh, là chị gái của cô Đoàn Thị Hồng, đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Văn phòng luật sư Luật Hồng Đức, một văn phòng luật do luật sư Đặng Đình Mạnh làm giám đốc.

Cô Đoàn Thị Hồng được cho là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm 18 người hoạt động cổ suý nhân quyền và dân quyền bằng việc phổ biến Hiến pháp 2013 của chính Việt Nam. Cô có tham gia biểu tình ôn hoà chống hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn vào ngày 10/6 năm nay.

Công an đã bắt cóc cô vào ngày 02/9/2018 và giam giữ biệt giam cho tới nay. Công an cũng tiến hành khám xét phòng trọ của cô ở Sài Gòn hai lần ngay sau khi bắt cô. Tuy nhiên, gia đình chưa nhận được lệnh bắt cũng như cáo buộc mà cô phải đối mặt.

Trong đầu tháng 9, công an Việt Nam đã bắt 9 người thuộc nhóm Hiến pháp, hai trong số họ, anh Hồ Đình Cương và ông Ngô Văn Dũng bị cáo buộc “Phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự 2015, một tội danh có mức án cao nhất là 15 năm. Ông Huỳnh Trương Ca bị cáo buộc theo Điều 117 còn ông Lê Minh Thể bị cáo buộc theo Điều 331, với mức án cao nhất là 12 năm và 7 năm tương ứng.

Những nguời còn lại bao gồm Đỗ Thế Hoá, Trần Thanh Phương và Hưng Hùng vẫn chưa có cáo buộc cho dù họ bị biệt giam từ đầu tháng 9.

===== 04/12 =====

Tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn bị kỷ luật

Tù nhân chính trị-Mục sư Nguyễn Trung Tôn hiện đang bị lãnh đạo trại giam Gia Trung bắt “học kỷ luật” mỗi ngày do ông không chịu viết bản kiểm điểm nhận tội.

Hôm 4/12/2018, bà Nguyễn Thị lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn đi thăm ông theo định kỳ và được ông cho biết, trại giam Gia Trung bắt các tù nhân chính trị bị khép theo điều 79 BLHS chung buồng giam với Mục sư Tôn phải viết bản kiểm điểm hàng ngày, nhưng Mục sư Tôn từ chối và nói rằng những việc ông làm hoàn toàn phù hợp với hiến pháp nên không thể xem là tội, do đó ông thấy không có gì cần phải kiểm điểm. Vì vậy, quản giáo nói thẳng với ông rằng họ cần tách riêng ông.

Chi tiết xem tại đây: Tù chính trị Nguyễn Trung Tôn bị bắt “học kỷ luật” do không kiểm điểm nhận tội

===== 07/12 =====

Bốn nhà hoạt động bị tấn công bằng gách đá khi đi thăm gia đình tù nhân lương tâm

Bốn nhà hoạt động từ Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị tấn công bằng gạch đá trên đường đi thăm gia đình một số tù nhân lương tâm ở thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai và các nạn nhân nghi những kẻ tấn công này là an ninh mặc thường phục.

Vào chiều ngày 07/12, bốn nhà hoạt động Võ Văn Trai, Ngọc Anh, Huỳnh Tấn Tuyên và Nguyễn Thanh Hải xuất phát từ Vũng Tàu bằng xe oto của anh Nguyễn Thanh Hải, dự kiến đến thành phố Biên Hoà để thăm gia đình của những người biểu tình ôn hoà đã bị nhà cầm quyền địa phương kết án tù với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.”

Dường như chuyến đi của họ đã bị theo dõi sát sao bởi lực lượng an ninh. Khi rời Vũng Tàu không xa, họ đã bị cảnh sát giao thông chặn lại để kiểm tra giấy tờ, và từ đó nhiều mật vụ trong quần áo dân sự đã bám sát xe của họ.

Khi cách Biên Hoà khoảng 30 km, mật vụ ra tay và tấn công xe của họ bằng gạch đá. Chúng sử dụng những viên đá đủ to để làm vỡ kính của xe.

Chị Ngọc Anh bị một viên đá trúng vào đầu và anh Võ Văn Trai bị thương tích nặng, chảy rất nhiều máu. Tuy nhiên, họ không dám dừng xe để cấp cứu cho người bị thương vì cho rằng mật vụ có thể sẽ đánh chết họ.

Cảm thấy không thể đảm bảo tính mạng nếu tiếp tục đi đến Biên Hoà, nhóm đã quyết định quay đầu xe về Vũng Tàu. Họ chỉ an toàn khi về đến chùa Phước Bửu.

Như tin đã đưa, hàng ngàn người đã biểu tình ôn hoà ở Biên Hoà trong ngày 10/6 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Lực lượng an ninh đã bắt giữ hàng chục người biểu tình, và ngày 30/7, chính quyền địa phương đã kết án 20 người với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.” 15 trong số họ bị kết án tù từ 8 đến 18 tháng và 5 người còn lại bị án treo. Trong phiên phúc thẩm ngày 09/11, toà án tỉnh Đồng Nai đã giữ nguyên mức án tù giam đối với 15 người kháng cáo.

Một tuần trước phiên phúc thẩm, ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miểng và Trịnh Vĩnh Phúc đã bị tấn công bởi một số kẻ vô danh khi họ trên đường đi gặp những người biểu tình bị kết án để chuẩn bị bào chữa cho họ. Rất may là cả ba đều không bị thương mà chỉ có xe của luật sư Mạnh bị vỡ kính.

Nhà hoạt động Huỳnh Tấn Tuyên đã bị đánh đập và bắt giữ khi tham gia biểu tình phản đối hai dự luật ở Sài Gòn ngày 10/6. Ông đã bị đánh và gẫy 3 răng cửa trước khi được giải thoát nhờ sự trợ giúp của Hứa Hoàng Anh.

===== 08/12 =====

Con gái tù nhân lương tâm Vương Văn Thả kêu cứu cho cha

Gia đình ông Vương Văn Thả, tù nhân tín đồ Hoà Hảo, cho biết người thân không được gặp mặt ông trong 11 tháng qua.

Trong một bức thư kêu gọi cộng đồng quan tâm đến cha mình, con gái ông, cô Vương Ngọc Thảo, người đang phải tỵ nạn tại Thái Lan, cho biết: Đã hơn 11 tháng qua, gia đình cô đến trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) xin  thăm gặp và gửi đồ cho cha nhưng đều bị công an từ chối.

Họ nói cha cô không gặp thăm nuôi cũng như không nhận quà của gia đình gửi vào, điều này trái với tính cách của cha cô vì ông Vương Văn Thả là người ăn chay trường nên rất cần đồ ăn chay từ gia đình gửi vào.

Gia đình cô Thảo đã đề nghị với công an trại giam được nhìn thấy chữ ký xác nhận của ông Vương Văn Thả không nhận đồ của gia đình nhưng phía công an trại giam đã từ chối. Họ nói ông Thả vẫn khỏe và rất mập nên không cần sự trợ giúp của gia đình.

Thông tin bổ sung:  Con gái tù nhân lương tâm Vương Văn Thả kêu cứu cho cha

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây