Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 35, từ ngày 27/8 đến 02/9/2018: An ninh Việt Nam đặt vào tình trạng báo động trước lời kêu gọi biểu tình toàn quốc

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 02/9/2018

 

Lực lượng an ninh Việt Nam đã được đặt trong tình trạng báo động, thắt chặt kiểm soát trong nhiều thành phố lớn để đề phòng biểu tình trước lời kêu gọi tổng biểu tình trong dịp nghỉ lễ quốc khánh.

Cùng với việc bắt giữ, đánh đập và tra khảo nhiều nhà hoạt động, chính quyền nhiều thành phố, kể cả Hà Nội và Hồ Chí Minh, đã đưa mật vụ và dân phòng tới canh cửa nhiều nhà bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội, không cho họ ra khỏi nhà, hoặc bám theo họ, với mục đích ngăn cản họ nếu họ có mục đích tham dự biểu tình.

Ở nhiều thành phố lớn, lực lượng an ninh, kể cả cảnh sát chống bạo động, được đưa tới canh gác ở nhiều địa điểm trọng yếu, nhiều tuyến đường bị rào bằng dây thép gai, biến nhiều nơi rơi vào tình trạng thiết quân luật.

Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người và triệu tập một số người khác với cáo buộc kêu gọi biểu tình phản đối tình trạng yếu kém của chính phủ, tham nhũng tràn lan, ô nhiễm môi trường trầm trọng, phản ứng yếu ớt của chính phủ về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền đất nước…

Nhiều Facebooker, nhiều trong số họ đang ở nước ngoài, đã kêu gọi nhân dân đứng lên biểu tình đòi quyền làm người và xây dựng chế độ dân chủ đa nguyên.

Chính quyền thành phố Cần Thơ đã bắt giữ hai Facebooker Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng với cáo buộc đưa lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội nhằm phản đối chính sách của đảng cộng sản cầm quyền.

Trong hai ngày 30-31/8, công an tỉnh Khánh Hoà bắt cóc nhà báo tự do Ngô Thanh Tú rồi đưa về đồn để tra tấn và tra khảo anh trong hơn 31 h về vụ việc phát tán một văn bản của tổ chức đảng ở địa phương lên Facebook.

Ngày 15/8, công an tỉnh Đồng Nai cũng bắt cóc cựu tù chính trị Nguyễn An và giam giữ ông ở một nơi mà không thông báo cho gia đình ông biết. Ông được trả tự do vào nửa đêm của ngày 28/8.

Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đưa ra lịch xử án nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ, vào ngày 12/9. Trước đó, toà đã hoãn phiên xử sơ thẩm được định vào ngày 17/8. Ông Trực có khả năng phải chịu mức án dài vì trong thời gian gần đây, Việt Nam đã kết án 9 nhà hoạt động với mức án từ 7 đến 20 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam số 6 (Nghệ An) dường như vẫn tiếp tục tuyệt thực. Ông bắt đầu cuộc tuyệt thực từ ngày 14/8 để phản đối chính quyền Việt Nam muốn ông nhận tội để được ân xá. Ông Thức tuyên bố mình vô tội và yêu cầu chính quyền cộng sản trả tự do cho ông và nhiều nhà hoạt động cũng bị kết án theo tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Và nhiều tin quan trọng khác

===== 27/8 =====

Cựu tù chính trị Nguyễn An bị bắt cóc, giam giữ bí mật

Ngày 14/8, công an Đồng Nai đã bắt cóc cựu tù chính trị Nguyễn An và sau đó chuyển giao cho công an thành phố Hồ Chí Minh giam giữ ông trong nhiều ngày mà không thông báo cho gia đình.

Theo cô Nguyễn Thị My, là con gái của ông Nguyễn An, thì cha cô bị bắt cóc khi đang uống nước ở một quán nước ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất vào lúc 16.30 của ngày 14/8. Theo chủ quán nước thì những người bắt cóc ông An thuộc công an xã và an ninh của tỉnh trong bộ quần áo dân sự.

Sau đó, vào lúc 21 h, ông An bị chuyển ra xe của Công an thành phố HCM mang biển kiểm soát màu xanh 50A-005.34và xe chạy đi.

Gia đình ông An đã đến Công an thành phố HCM cũng như Văn phòng Bộ Công an phía nam đóng tại thành phố để hỏi về tình trạng của ông An, tuy nhiên, công an từ chối, nói không giam giữ ôgn An.

Cho đến tận gần nửa đêm của ngày 28/8, cô My đã báo cho Người Bảo vệ Nhân quyền rằng cha cô đã được trả tự do. Tuy nhiên, cô không trả lời những câu hỏi liên quan đến quá trình cha cô bị giam giữ trong hai tuần qua.

——————–

Huỳnh Đức Thanh Bình chưa được gặp luật sư

Gia đình Huỳnh Đức Thanh Bình đề nghị luật sư Nguyễn Văn Miếng tiếp xúc với nhà hoạt động này, người đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” nhưng đã bị Công an thành phố HCM từ chối.

Lý do từ chối là vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia và luật sư chỉ được gặp khách hàng sau khi kết thúc điều tra. Quá trình điều tra này kéo dài ít nhất 4 tháng và có thể gia hạn đến 16 tháng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Huỳnh Đức Thanh Bình, 22 tuổi, bị bắt ngày 07/7 cùng với ông Michael Phuong Minh Nguyễn, công dân Mỹ  gốc Việt 54 tuổi, Trần Long Phi, 20 tuổi. Hôm sau, công an cũng bắt ông Huỳnh Đức Thịnh, là cha đẻ của Bình.

Bình bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của BLHS 2015. Chưa rõ cáo buộc đối với những người còn lại là gì.

Trong khi đó, Thomas Quoc Bao, người trong nhóm cùng bị bắt ngày 07/7, được cho là mất tích.

Trừ ông Michael Phuong Minh Nguyen, cả 4 người còn lại đều đã tham gia cuộc biểu tình ôn hòa ở Sài Gòn hôm 10/6 để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng. Họ có thể bị bắt vì bị nhận diện bằng kỹ thuật điện tử vi tính.

Thông tin bổ sung: Huỳnh Đức Thanh Bình bị từ chối luật sư, Thomas Quốc Báo mất tích

===== 30/8 =====

Bình Thuận khởi tố thêm 17 người biểu tình chống Luật Đặc khu

Truyền thông trong nước hôm 30 tháng 8 loan tin Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 17 bị can liên quan đến cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu ngày 10/6. Cuộc biểu tình ôn hoà nhưng chuyển thành bạo độngvới việcđốt phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuậnsau khi cảnh sát địa phương dùng nhiều biện pháp đàn áp để giải tán biểu tình.

Vụ biểu tình biến thành bạo động tại Bình Thuận trong hai ngày 10-11/6là một trong những vụ bạo động lớn nhất của dân chúng chống nhà cầm quyền trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo báo chínhà nước, tính đến thời điểm này đã có 32 người bị khởi tố  vì liên quan đến vụ gây rối và đốt phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Trong số này, có 17 người bị xử tổng cộng gần 30 năm tù giam.

Thông tin bổ sung: Bình Thuận khởi tố thêm 17 người biểu tình chống Luật Đặc khu

——————–

Ngày thứ 18: Ông Thức cương quyết tuyệt thực đến khi đạt được công lý

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã bước vào ngày tuyệt thực thứ 18 và cho biết sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi đạt được công lý.

Theo gia đình ông, ông Thức cho biết bản thân vẫn tiếp tục tuyệt thực ở ngày thứ 18 và sẽ tiếp tục để đòi hỏi thượng tôn pháp luật.

Hiện tình trạng sức khoẻ của ông rất xấu: mặt mày bị háp, đen thui.

Ông Thức bắt đầu tuyệt thực từ ngày 14/8 để phản đối chính quyền Việt Nam ép ông nhận tội để đổi lại lệnh đặc xá. Ông cũng phản đối những ngược đãi của trại giam đối với mình.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966,  nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002.

Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là “trộm cước viễn thông”, tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010.

Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là “sự nhạo báng công lý”.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố “ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước.

Thông tin bổ sung: Ngày thứ 18: Ông Thức cương quyết tuyệt thực đến khi đạt được công lý

===== 31/8 =====

Tôi bị bắt cóc và tra tấn trong hai ngày: Nhà hoạt động Ngô Thanh Tú

Nhà hoạt động và là nhà báo tự do Ngô Thanh Tú đã bị công an thành phố Cam Ranh bắt cóc chiều ngày 30/8.

Sau nhiều giờ bị đánh đập ở trụ sở của công an thành phố Cam Ranh, Tú được chuyển lên trụ sở của Công an tỉnh Khánh Hoà, nơi ông bị tra khảo trong nhiều giờ đồng hồ.

Vụ việc liên quan đến một văn bản của Khối Cơ quan Doanh nghiệp tỉnh Khánh Hoà về việc đối phó với biểu tình, bị lọt ra ngoài, và được công bố trên Facebook mang tên Ngô Anh Tú.

Tú lại bị trả về Cam Ranh và tiếp tục bị đánh ở sỹ quan công an ở đây cho đến khi trả tự do cho anh. Anh về đến nhà vào lúc 3h sáng ngày 01/9.

Thông tin chi tiết về vụ bắt cóc và đánh đập này:

NGÔ THANH TÚ KỂ VỀ VỤ BẮT CÓC VÀ TRA TẤN NGÀY 30/8

Ngô Thanh Tú, sinh năm 1983, tham gia hoạt động ủng hộ dân chủ- nhân quyền từ rất sớm. Anh được biết đến như một trong những thành viên đầu tiên và trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (thành lập tháng 9/2007).

===== 01/9 =====

Hai Facebooker bị bắt ở Cần Thơ

Chính quyền thành phố Cần Thơ đã bắt giữ hai Facebooker Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng với cáo buộc họ thực hiện những lời kêu gọi biểu tình chống chính quyền.

Theo báo chí nhà nước, ngày 01/9, công an quận Ninh Kiều đã bắt giữ ông Quang, 42 tuổi, là công dân ở phường An Phú, để điều tra về hành vi đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông.

Theo cơ quan công an, ông Quang đã lập tài khoản Facebook với tên gọi là “Quang Đoàn” để đăng và chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung “xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bài viết có nội dung kêu gọi người khác xuống đường tuần hành, biểu tình,…”

Công an có thực hiện khám xét nhà của ông, thu giữ 2 lá cờ của Việt Nam Cộng hòa, cùng nhiều tang vật, tài liệu có liên quan khác.

Cùng ngày, công an huyện Thốt Nốt đã bắt giữ ông Bùi Mạnh Đồng, cư trú tại khu vực Phụng Thạnh 1, phường Thốt Nốt với cáo buộc tương tự.

Trước đó một ngày, công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ Nguyễn Ngọc Anh, một nông dân nuôi tôm, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì thường xuyên lên mạng xã hội (Facebook) để nêu lên những vấn đề nổi cộm của đất nước.

================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây