Ai là những đồng chí của ông Lê Đình Lượng?

Câu hỏi được đặt ra với luật sư Trần Thành, nhân việc ông có bài viết đặt nghi vấn dường như đã có đảng phái đối lập tại Việt Nam, đăng trên Việt Nam Thời Báo hôm 18-8 [http://www.vietnamthoibao.org/2018/08/vntb-viet-nam-co-ang-oi-lap.html].

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 22/8/2018

Giành chính quyền, cướp chính quyền hay lật đổ chính quyền?

“Tôi nghĩ rằng có thể mượn sự kiện lịch sử 19-8-1945 để bàn luận về chuyện làm sao để có thể giành chính quyền, hay cướp chính quyền, qua đó sẽ hiểu ngay việc lật đổ chính quyền là điều không dễ dàng, nhất là khi không có quân đội, hoặc được sự ủng hộ của quân đội”. Ls Trần Thành nói.

Theo ông, Điều 79 của Bộ Luật hình sự 1999, và được thay thế bằng Điều 109 của Bộ Luật hình sự 2015, có cùng cách hiểu về tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”, thế nhưng ở Điều 109 có khoản 3 ghi rằng ai chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm tù.

“Ông Lê Đình Lượng, nếu đúng như cáo buộc, thì bản án tuyên xử phải căn cứ vào khoản 3 của Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015, vì 2 lẽ: thứ nhất, trong phiên xét xử hình sự sơ thẩm, qua các bài tường thuật trên hệ thống báo chí nhà nước, cho thấy cả thẩm phán là kiểm sát viên đều không yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ ai là những đồng chí của ông Lượng.

Hai nhân chứng Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng được cơ quan điều tra cho là những đồng chí của ông Lượng, thì lại không được quyền tham gia xét hỏi của luật sư bào chữa tại phiên tòa.

Tại phiên xét xử vẫn không có câu trả lời, rằng ông Lê Đình Lượng đã tổ chức lực lượng như thế nào để có thể lật đổ chính quyền? Vì sao tổ chức Việt Tân không được triệu tập ra tòa với tư cách là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, hoặc nhân vật cụ thể nào đó của Việt Tân trong vai trò “chủ mưu”?

Như vậy, nếu đảng Việt Tân đã tổ chức tại Việt Nam là có thật, thì ông Lượng chỉ là đồng phạm. Mức án của ông sẽ từ 5 đến 15 năm theo quy định tại khoản 2 của Điều 79.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3, Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015, thì mức án của ông Lượng sẽ có khung từ 1 đến 5 năm. Căn cứ pháp lý cho vận dụng điều luật này là Công văn số 04/TANDTC-PC, do phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Trí Tuệ ký ngày 09 tháng 01 năm 2018. Theo đó, “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và thi hành án hình sự cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau [trích]: (…) b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích”.

Ai cầm đầu, ai chủ mưu ‘lật đổ chính quyền nhân dân’?

Luật sư Trần Thành biện luận: “Vấn đề là liệu phiên xét xử hình sự phúc thẩm tới đây (nếu ông Lượng ‘chống án’) có xác lập việc tồn tại một đảng phái khác ngoài đảng Cộng sản đang hoạt động tại Việt Nam hay không? Nếu không, thì liệu phiên phúc thẩm này có chọn tuyên theo hướng trả hồ sơ lại để điều tra làm rõ vai trò chủ mưu của tổ chức Việt Tân?

Bởi trong các tài liệu tập huấn xét xử về nhóm tội danh liên quan an ninh quốc gia, tôi tin rằng các vị thẩm phán, các vị kiểm sát viên hiểu tường tận về mặt chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào đủ tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch”.

Liên quan Điều 79, hay Điều 109, xét mặt chủ quan là do lỗi, tội phạm thực hiện hành vi phạm tội với hình thực lỗi cố ý trực tiếp, và mục đích là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Còn về mặt khách quan của tội phạm được thực hiện ở một trong hai hành vi sau: Thứ nhất là hành vi thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đối với loại hành vi này tội phạm được coi là hoàn thành. khi chủ thể đề ra chủ trương, điều lệ, kế hoạch hành động. Như vậy, cần công bố nội dung ‘điều lệ’, ‘chủ trương’ và ‘kế hoạch hành động’ cụ thể nhằm mục đích ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ mà ông Lê Đình Lượng đã chấp bút soạn thảo.

Thứ hai, hành vi tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, chủ thể biết rõ hoạt động của tổ chức ấy là lật đổ chính quyền nhân dân. Tội phạm được coi là hoàn thành khi ghi tên tham gia vào tổ chức, hoặc có biểu hiện tham gia vào tổ chức. Như vậy, theo cáo trạng thì ‘tổ chức’ trong vụ buộc tội ông Lê Đình Lượng là Việt Tân. Buộc tội này sẽ không thuyết phục nếu như không công bố bút lục nào kèm theo từ lấy lời khai của cá nhân nào đó thuộc tổ chức này tại Mỹ, hoặc một nước thứ ba?

Diễn biến tại phiên hình sự sơ thẩm, theo tường thuật của một nhà báo quốc doanh, “Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa (trú tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về “vai trò người lãnh đạo” và “truyền thông báo chí”, do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam. Từ năm 2010 đến 2017, tại các địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Lê Đình Lượng còn rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ Nguyễn Văn Oai, Đinh Hữu Toàn, Ngô Văn Mai, Nguyễn Viết Dũng… tham gia vào tổ chức Việt Tân, nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lê Đình Lượng nhiều lần kích động người dân và tham gia các hoạt động chống đối xảy ra trên địa bàn Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An). Lợi dụng cái gọi là “bảo vệ môi trường”, Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…” [trích http://bit.ly/2wgDwAU]

“Liệu với chủ trương bất bạo động do “các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh”, thì ông Lê Đình Lượng đã có thể đủ sức mạnh lật đổ chính quyền nhân dân – một chính quyền có quân đội và công an luôn tư thế sẳn sàng trấn áp bằng sức mạnh cơ bắp bất kỳ cuộc biểu tình, hoặc manh nha biểu tình nào?

Tôi tin rằng ngay cả đảng Việt Tân nếu được quyền hoạt động công khai tại Việt Nam, cũng không làm được chuyện lật đổ chính quyền nhân dân. Chỉ có dân mới lật được thuyền”. Luật sư Trần Thành nhận định.

Theo Ls Trần Thành, nếu vẫn giữ nguyên cáo buộc về tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”, thì chỉ có thể tuyên ông Lê Đình Lượng mức án tại khoản 3, Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015.