Biểu tình gây thiệt hại kinh tế?

Một trong những yếu tố ‘ngáo ộp’ mà những người chống lại ‘bọn phản động’ thường dùng là: biểu tình gây thiệt hại kinh tế.

 

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 14/6/2018

Cơ sở để dẫn ra điều này là hoạt động biểu tình gây đình trệ hoặc tắc nghẽn giao thông; quá trình sản xuất – chế biến (nhất là tại khu công nghiệp); gây ảnh hưởng đến dịch vụ và niềm tin của giới kinh doanh – đầu tư (nếu kéo dài và có yếu tố bạo lực).

Vậy biểu tình có gây thiệt hại kinh tế không? Có! Biểu tình sẽ gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế. Không đâu xa, nền kinh tế du lịch Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ biểu tình do vùng biểu tình đôi khi được thiết lập thành vùng hạn chế đi lại, và do đó, nhiều khách sạn, nhà hàng buộc phải đóng cửa vì vắng khách.

Biểu tình phản đối đặc khu ngày 10.06.

Tuy nhiên, thiệt hại của biểu tình là thiệt hại tuyến tính, hiểu nôm na là thiệt hại có thể quản lý và tính toán được. Tức phương pháp này dựa trên phương pháp thống kê và tính toán được các sự cố và tổn thất sẽ xảy ra. Ví dụ một trong những ngành sản xuất – nơi sự trồi sụp của giá dầu có thể ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế, là nơi thường áp dụng phương pháp tuyến tính.

Trở lại với biểu tình, biểu tình có thể tính toán được. Lấy ví dụ một doanh nghiệp sản xuất phía nam – Công ty giày Ching Luh Việt nam (KCN Thuận Đạo – Bến Lức – Long An) đã ra thông báo về việc sắp xếp ngày nghỉ cho toàn thể người lao động vì ban lãnh đạo hiểu và đồng cảm với tinh thần yêu nước của anh chị em công nhân. Do đó, công ty đã ‘sắp xếp cho người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương’ trong 03 ngày (11-12-13.06).

Đây là thiệt hại tuyến tính mà một cơ sở sản xuất áp dụng khi có biểu tình; và nếu có Luật biểu tình ra đời thì thiệt hại tuyến tính càng có tác dụng nhiều hơn, bởi nó tạo một hành lang hướng dẫn, hạn chế thấp nhất các thiệt hại kinh tế có thể gây ra. Ví dụ: xác lập và khoanh vùng một điểm mà người biểu tình có thể tụ tập, thời gian tụ tập được phép, và vùng di chuyển; đưa ra các biện pháp để giám sát người biểu tình không được tiến hành vi quá khích, cực đoan hoặc gây bạo lực nhằm vào các cơ sở kinh tế.

Trong khi đó, thiệt hại do không khuyến khích hoạt động biểu tình có thể lớn hơn nhiều. Ví như một chủ trương, chính sách có thể gây thiệt hại lớn và mang tính lâu dài (tính đến thế hệ) nếu như người dân không được tham gia lấy ý kiến hoặc giám sát.

Tại Việt nam, câu nói ‘đã có đảng và nhà nước lên’ thường được sử dụng để đưa mọi chủ trương, chính sách nằm trong sự quyết định của nội bộ giới lãnh đạo cao cấp. Trong một bài viết của Giáo sư Mạc Văn Trang cho biết, bản thân giới lãnh đạo cấp cao ấy (Bộ Chính trị) đã từng có nhiều kết luận sai lầm nghiêm trọng, trong đó cả cả chủ trương và chính sách lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, thành lập các tập đoàn kinh tế quốc doanh; hay nguyên tắc đất đai là sở hữu toàn dân trong Hiến pháp.

Thông báo của Công ty Pouyuen Việt nam.

Những chính sách hay chủ trương nêu trên không những cản trở Việt nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế; khiến thang điểm nhân quyền của Việt nam luôn đội sổ; mà bản thân nó còn là nguồn gốc của tham nhũng, sự gia tăng nạn dân oan.

Một câu chuyện gần gũi hơn là khi Quốc Hội đồng ý thông qua Luật an ninh mạng, chỉ ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật An ninh mạng vào 9h57 phút – sáng thứ Ba (12.06), thị trường chứng khoán đã bị chao đảo, có lúc giảm gần 30 điểm (giảm gần 3%), đến phiên chiều có hồi phục chút ít, nhưng cũng giảm 18 điểm (1,8%). Đó là chưa kể đến những rắc rối do Luật an ninh mạng gây hại đến cá hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU, nơi vẫn đề cao yếu tố nhân quyền và minh bạch trong môi trường kinh doanh. Những thiệt hại kinh tế có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi mà trước đó, nhiều chuyên gia, tổ chức trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin cảnh báo về hệ quả tiêu cực khi Luật được thông qua.

Nhấn nút thông qua Luật an ninh mạng bởi nó không gặp nhiều áp lực như Luật đặc khu, dự luật cũng bị đánh giá là có thể gây ra những tác động tiêu cực với nền an ninh – kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, dưới áp lực của sự phản biện lẫn hình thành các cuộc biểu tình ở nhiều tỉnh thành nên dự luật này được tạm hoãn đưa ra biểu quyết. Và ngay cả khi biểu quyết, thì hình ảnh của cuộc biểu tình ngày 10.06 – 11.06 sẽ khiến cho các ĐBQH cân nhắc hơn khi nhấn nút.

Như vậy, biểu tình có thể gây ra thiệt hại nhỏ và có thể tính toán được; nhưng không biểu tình thì thiệt hại về chính trị – dân sự – kinh tế là không thể tính toán được và mang tính chất sẽ lớn hơn nhiều như đã đề cập phía trên.