Từ Đồng Tâm đến Phúc Lâm: ba cây số, hai “tai nạn”

Capture
Đào Tiến Thi, Việt Nam Thời báo, ngày 26/4/2018
Bảy anh chị em chúng tôi, gồm anh Nguyễn Đăng Quang (cựu đại tá công an), anh Hoàng Hưng (nhà thơ, từ Sài Gòn ra), anh Nguyễn Quang A (TS kinh tế học), chị Nguyên Bình (nhà văn), chị Hoàng Hà (nhà giáo), chú Lê Trường Thanh (giảng viên đại học) và tôi (Đào Tiến Thi, nhà văn), rủ nhau về Đồng Tâm sáng 21-4-1018. Anh Nguyễn Đăng Quang đã thân thuộc với bà con từ một năm nay, còn lại, chúng tôi chỉ dõi theo Đồng Tâm trên báo chí, dư luận, đây là lần đầu tiên chúng tôi về mảnh đất này, nhưng cảm xúc kính phục, mến thương đã đầy ắp trong lòng. 

Đồng Tâm – điểm nóng về đất đai, biểu tượng của “làng chiến đấu”, của những trí tuệ nông dân độc đáo, của những tấm lòng nhân ái khoan dung có một không hai,… được về tận nơi, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc, nhưng tất cả những chuyện đó xin kể sau. Hôm nay chỉ xin kể một sự cố bất ngờ không mong muốn xảy ra trên đường về.

 Xe chúng tôi vừa ra khỏi thôn Hoành, đến chỗ cây xăng thì bỗng thấy bên phải đường có một xe máy để nằm ngang, phía trước khoảng 15m có mấy cảnh sát với tư thế rất sẵn sàng cho một việc gì đó. Họ ra hiệu dừng xe chúng tôi. Chúng tôi giật mình: có chuyện gì đây? Nhưng chú Thanh lái xe bảo: “Yên tâm, không mắc lỗi gì và xe đủ giấy tờ”. Xuống xe, họ xem giấy tờ và giải thích là vừa có tai nạn ở đây, họ kiểm tra xem xe có liên quan hay không. 
Từ Đồng Tâm đến Phúc Lâm: ba cây số, hai “tai nạn”. Ảnh: cắt từ video clip

Chúng tôi nói, đại ý: Tai nạn đã xảy ra trước đó và cảnh sát thì đã có mặt ở đây trước khi xe chúng tôi đến, vậy làm sao có thể nghi ngờ xe chúng tôi gây được tai nạn được? Và tại sao bao nhiêu xe khác đi qua không xét hỏi, lại xét hỏi mỗi xe chúng tôi? Họ bảo: “Chúng tôi được nhân dân tố giác nghi xe các bác liên quan đến tai nạn”!. 

Thì đây, trong nháy mắt, nhân dân đã đổ xô ra! Họ không “tố giác” chúng tôi mà tố cáo cái trò dàn dựng bỉ ổi này. Chú Công, con trai cụ Kình, bức xúc quá, xông vào, may mà có người can ra được. Qua sự việc này, chúng tôi mới biết: hễ có khách xa đến là bà con đều tổ chức bảo vệ rất sát sao. Chứ không là rất dễ bị chơi đểu.
Giấy tờ rất đầy đủ, đàng hoàng, chẳng có lý do gây sự, tất nhiên họ phải để chúng tôi đi. Và còn giục chúng tôi đi cho nhanh. Vì càng chậm dân càng ra đông, họ càng lộ mặt.
Chúng tôi ra cánh đồng Sênh (nơi nhà cầm quyền cố tình cướp 59 héc-ta của dân cũng là nơi đá gãy xương đùi, xương hông cụ Kình) tham quan trong ít phút rồi chia tay bà con. Đi được khoảng 3 cây số, vào khoảng 14g20, bỗng xuất hiện hai thanh niên lạ đi một xe máy từ phía sau vọt lên, lạng lách trước mũi trước ô tô, rồi trong khoảnh khắc, một ô tô nữa chặn đầu xe chúng tôi, buộc xe chúng tôi phải dừng. Chiếc xe đỗ chắn ngang đường khiến chúng tôi không thể lách ra để đi tiếp. Ô tô này đậu đó ít phút, khi xuất hiện công an xã thì đi. Về sau chúng tôi khớp biển xe này với một xe đậu trong sân Ủy ban Phúc Lâm, phát hiện ra vẫn chính là nó. Hai thanh niên đến bên cửa kính ô tô, ra hiệu hạ kính để nói chuyện. Chú Thanh hạ kính xuống. Hai thanh niên khoảng 20 tuổi, người gầy, da tái. Một cậu áo phông cộc tay tận vai, để lộ ra hai cánh tay xăm trổ nhằng nhịt, tóc đằng trước để dài, phần gáy lại gọt trắng, kiểu đầu Kim Châng Un, lãnh tụ của Bắc Triều Tiên (XHCN). Cậu còn lại cũng áo phông nhưng có “tay cộc”, không xăm trổ, tóc gần như ngược với cậu kia, đằng trước ngắn, chân gáy để dài. Cả hai có dáng không được lương thiện. Họ bảo chú Thanh: “Xe này đánh võng”. Chú Thanh nói: “Cháu xem, trên xe toàn người già, làm sao đánh võng được”.
Hai bên nói qua nói lại vài phút. Hơi lạ là hai cậu này nói nhỏ, dáng lừ đừ chứ không nổi nóng, không hung dữ, chửi bới như thường thấy ở một người bị tông xe. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra tình thế: lại “có chuyện” rồi! Chúng tôi xuống xe, thấy trước mũi ô tô gần 1m, họ đã ngả nằm ngang chiếc xe máy. Chú Thanh còn nhìn thấy trước khi để nằm chiếc xe máy, hai cậu lấy xe của mình huých nhẹ một cái vào đầu ô tô. Trong khoảnh khắc ấy không hiểu sao họ còn làm một việc buồn cười là tráo vào đó một chiếc xe khác làm tang chứng chứ không phải cái xe đang đi. Những bức ảnh chụp được cho thấy cái xe đánh võng trước mặt chúng tôi là xe màu đen, còn cái xe bây giờ nằm đây làm tang chứng “tai nạn” lại là xe màu trắng! Có thể vì hai thanh niên không chịu dùng xe của mình làm vật “thí thân”, hay là xe của các cậu không đủ giấy tờ hợp pháp?
Một trong hai thanh niên biến đâu mất. Cậu còn lại vào vỉa hè ngồi, đầu khật khưỡng, dáng mệt mỏi. Bỗng có vài người đến bảo: “Phải đưa thằng bé này đi viện, nó bị tông xe nên choáng đấy”. Thế là họ đưa đi. Sau này chúng tôi biết, đã một người dân Đồng Tâm bám theo, vào tận “giường bệnh” phỏng vấn. Cậu thanh niên này bảo: “Người ta (tức chúng tôi) không sai, chỉ tại em uống rượu thôi (…) Và em cũng không sao cả!”.
Chúng tôi gọi điện cấp báo về Đồng Tâm. Công an xã kéo ra rất nhanh và đông “như quân Nguyên”, cứ như đã phục sẵn từ bao giờ. Họ hầu hết là người có tuổi, thường là sáu mươi, bảy mươi cả rồi, có nhiều ông mặt mày hoặc dữ tợn hoặc xôi thịt. Một ông chưa xem xét gì đã vội kết luận: “người ta chặn anh lại rồi sau đó anh cố tình húc vào người ta”. Tôi nói với họ: “Đây là một vụ dàn dựng để thực hiện một âm mưu bẩn thỉu. Các bác cẩn thận kẻo bị lừa”. Họ chẳng những chẳng thèm nghe mà còn hung hăng đe dọa tôi. Bất giác tôi nhớ câu “Người nách thước, kẻ tay đao…”, bỗng thấy mình thật dại: làm sao nói điều phải chăng với những con người này, trong tình huống này. May mà lúc này bà con Đồng Tâm đã có mặt, nhiều người dân xông đến áp đảo, những cái “mặt ngựa” ấy mới lui. Thấy có một cậu công an xã còn trẻ dáng chừng là “sếp” của đám già kia, tôi lại gặp và nói lại ý trên. Cậu này có phần nhã nhặn, bảo rằng: “Vì được báo có tai nạn cho nên chúng cháu phải làm (…), xin hứa sẽ làm đúng pháp luật, không bênh ai”.
Bà con Đồng Tâm kéo đến mỗi ngày một đông. Họ biết ngay kiểu ăn vạ quen thuộc này nên rất bức xúc. Chú Công, con cụ Kình và một số thanh niên quá nóng nảy, dễ manh động, bà con kịp thời đưa về, nếu không họ có thể tạo thêm một màn vu vạ mới không chừng. Tuy nhiên, giới nữ thì lại được huy động. Họ “khẩu chiến” không lúc nào ngừng với đám người nhà nước. Ngược lại, với chúng tôi, bà con hết lòng quan tâm, thương yêu, nào đưa quạt, nón mũ, nào mua nước mát, lại bảo chúng tôi cứ vào vỉa hè ngồi nghỉ để bà con đương đầu thay, không sợ gì cả.
Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự của huyện, của thành phố kéo đến dày đặc. Nhiều thanh niên không mặc sắc phục nhưng nhìn mặt mũi, tác phong cũng đủ biết đó là an ninh chìm (mật vụ). Đêm hôm đó, lúc quay về Đồng Tâm, một chị cho tôi biết, chị có gặp một cậu công an tỉnh, sau khi nghe chị giải thích thực chất của sự việc, cậu ấy bảo: “Chúng em được báo có vụ tai nạn gây ách tắc giao thông nên về đây, thế thôi. Còn các bác nói gì cứ nói, làm gì cứ làm (ý chừng nói: các bác cứ việc “khẩu chiến”).
Các loại cảnh sát đông như vậy, tuy nhiên, sau vài động tác đo đường và lấy vôi khoanh cái xe máy ăn vạ thì đám người nhà nước này hầu như chẳng làm gì hết. Anh Nguyễn Quang A có việc riêng nên bắt xe về trước, còn lại sáu người chúng tôi. Trời nóng nực và bóng ngả về tây rồi mà chúng tôi cứ phải chờ đợi mà chẳng biết cái gì sắp diễn ra.
Khoảng 2 tiếng sau, một chiếc xe cẩu ở đâu được đưa đến. Trên sàn xe, nghênh ngang một ông nhà báo quốc doanh cầm máy ảnh chuyên nghiệp chầm chậm soi từng điểm một để quay. Bà con đọc ngay một âm mưu: họ sẽ cẩu ô tô chúng tôi đi! Thế là, trong nháy mắt, bà con kịp thời ập đến chặn đầu, khiến cho xe cẩu không tiến lên được nữa. Không khí nóng lên dữ dội. Công an bảo chú Thanh đưa xe về huyện khám nghiệm, bà con thì đòi đưa về Đồng Tâm mà khám chứ dứt khoát không về huyện. Chúng tôi yêu cầu khám tại đây nhưng họ bảo đem về huyện mới đủ “phương tiện”. Chúng tôi thương lượng, là đưa vào một địa điểm nào gần nhất quanh đây và họ đồng ý. Tuy nhiên, khi xe của họ dẫn đường qua ngã ba thì nhân dân phát hiện đấy là đường về huyện, cách đây những hơn 20km. Bà con hò hét phản đối rất dữ dội và cho chúng tôi biết nếu về huyện thì bà con không thể theo lên đông, họ sẽ làm những trò bỉ ổi không biết đâu mà lường. Bà con yêu cầu dứt khoát phải về Đồng Tâm. Tuy nhiên chúng tôi biết không đời nào nhà chức trách chịu về Đồng Tâm nên thương lượng với cả nhà chức trách lẫn bà con là hãy vào Ủy ban xã Phúc Lâm, chỉ cách chỗ này vài chục mét, bà con vào luôn đó giám sát là được. Bà con thấy vẫn không ổn nhưng nể lời đề nghị của bác Đăng Quang nên cuối cùng cũng đồng ý.
Đến cổng ủy ban, bỗng thấy hàng chục công an xã và dân phòng hùng hổ chạy vào trước ôm hai cánh cổng. À, họ chuẩn bị tư thế, sẽ chỉ cho ô tô lọt vào là sập cổng, cách ly bà con với chúng tôi. Chú Thanh dừng xe lại và chúng tôi đấu tranh quyết liệt phải để bà con vào giám sát. Ý kiến chúng tôi là: Giám sát là quyền của công dân. Nhất là khi chỉ trong chưa đầy một tiếng đồng hồ công an đã dàn dựng hai vụ tai nạn giả, chưa kể vừa nãy định lừa chúng tôi về huyện, vậy thì hãy để bà con giám sát để chứng minh câu cửa miệng “Hãy tin chúng tôi” của các ông đi. Nhưng họ kiên quyết từ chối yêu cầu này. Đám công an xã ăn nói rất bặm trợn, bảo rằng đây là chỗ nhà nước, họ có quyền không cho ai vào. Cánh công an huyện thì mềm dẻo hơn chút, hứa với chúng tôi họ sẽ làm việc rất nhanh, vì chỉ là thủ tục. Họ liên tiếp tuôn ra rất nhiều lời lẽ giả dối, như “chúng tôi làm theo pháp luật”, “chúng tôi làm theo lương tâm”, nghe rất chối, nhưng cãi mãi mỏi miệng, đành thua họ.
Nhùng nhằng khá lâu ở giữa cổng, cuối cùng chúng tôi đành chấp nhận, để bà con ở bên ngoài, mấy người chúng tôi cô độc bên trong giữa năm, sáu chục cảnh sát các loại. Bóng tối đã đổ xuống lờ mờ. Sợ nhất là chúng quẳng ma túy vào xe. Tận dụng lúc này còn chút ánh sáng, chú Thanh kiểm tra cốp xe, lật các ghế xe lên, sợ biết đâu cửa kính hạ lên hạ xuống trong lúc lời qua tiếng lại suốt mấy tiếng vừa rồi, chúng đã kịp quẳng cái gì vào.
Họ bắt đầu “khám” xe. “Phương tiện” khám mà lúc nãy họ bảo về huyện mới có hóa chỉ là… cái thước dây để đo centimet và cái bút, tờ giấy để ghi kết quả! Họ phát hiện đầu ô tô (gần chỗ mà cái xe máy tai nạn để nằm cạnh) có một vết xước nhỏ. Lúc ấy chúng cũng tôi hơi lo: hay là vết xước này do 2 thanh niên, vào lúc ô tô đã dừng, còn cố tình lấy xe máy “dí” vào một cái đây? Tuy nhiên chúng tôi vẫn yên tâm: kiểu gì thì không thể coi đó là một cú tông của ô tô vào xe máy, gây tai nạn.
“Khám” xong họ bảo anh Nguyễn Đăng Quang đi làm việc. Tôi theo vào để giám sát. Họ không nghe, bảo tôi sang phòng bên, rồi cũng sẽ đến lượt. Hỏi việc gì thì họ bảo chúng tôi là nhân chứng, cần tường thuật lại. Tôi băn khoăn một lát rồi cuối cùng cũng đồng ý. Vì nghĩ thông qua việc này, mình có cơ hội vạch mặt mưu hèn kế bẩn không thể chối cãi của họ. Sau tôi, anh Hoàng Hưng cũng chấp nhận làm việc. Riêng hai chị Nguyên Bình và Hoàng Hà thì dứt khoát từ chối.
Sau khi tường thuật sự việc, tôi yêu cầu ghi vào ý kiến của tôi: hai vụ “tai nạn” giao thông này hoàn toàn là sự dàn dựng có chủ đích của một lực lượng nào đó. Anh Nguyễn Đăng Quang, sau khi thuật và ký, nhận ra cái xe đậu trong ủy ban chính là cái xe ép chúng tôi dừng lúc chiều (xe biển số 30E – 856.26) nên vào khai bổ sung. Còn tôi thì đã khai là không nhớ biển số cái xe đó (điện thoại đã hết pin chẳng biết là lúc ấy có chụp được hay không) nên không bổ sung gì thêm.
Màn đêm buông đã lâu nhưng sân ủy ban không có đèn hay do họ cố ý không bật nên tối om. Bà con gửi vào cho chúng tôi bánh mì và nước uống nên không lo đói nhưng rất mệt. Vì từ chiều đến giờ phải chiến đấu chưa ngưng nghỉ và cũng không thể biết diễn biến tiếp theo thế nào. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi họ bao giờ thì chúng tôi được về. Ban đầu họ còn trả lời nhã nhặn, rằng “lát nữa”, “chút nữa thôi”, “cố chờ tí nữa thôi”, nhưng càng về sau, khi số mặc sắc phục CSGT và CSTT rút bớt đi, chỉ còn đa số là an ninh mặc thường phục và công an xã, dân phòng thì càng chỉ thấy có những khuôn mặt lạnh lùng. Họ chỉ nói hai tiếng “không biết” và không nói gì thêm.
Đội quân tóc dài bên ngoài vẫn tiếp tục “khẩu chiến” với đám người nhà nước bên trong. Đôi lúc bị chửi đau quá, vài ông ra chiến lại nhưng bị nốc ao ngay, lại phải quay vào.
Thời gian trôi đi nặng nề. Tôi sốt ruột quá liền đến một đám đang đứng khá đông, có đủ loại sắc phục và lứa tuổi, hỏi: “Tôi hỏi, ai là người chỉ huy cao nhất ở đây?” Không ai trả lời. Bỗng một lão già khoảng 60, nhỏ người nhưng mặt mày hung dữ, sắc phục công an xã (hay là dân phòng), tay đeo dùi cui, quát”:
– Đ. mẹ mày, mày muốn gì?”
Tôi bảo:
– Này, anh mặc sắc phục nhà nước và đang làm việc trong ủy ban mà ăn nói thế à?
– Đ. mẹ mày, tao đéo cần. Tao cởi bộ sắc phục này ra cho mày biết tay đây.
Ông ta giật luôn mấy cái cúc áo, phanh bụng ra và xông vào tôi. Tôi lùi lại, đồng thời anh Hoàng Hưng và một ông công an xã già, dáng cao lớn xông vào chặn được ông ta.
Một sỹ quan công an bảo tôi:
– Xin bác ngồi một chỗ cho, đừng đi lại nữa, “dân” người ta bức xúc, chúng tôi không đảm bảo an toàn cho bác được đâu!”
– Ô, ông vừa nãy là “dân” ư? Các ông có cho người dân vào trong sân này đâu. Chúng tôi vẫn đang làm việc trong sân ủy ban này mà ông bảo “không dám đảm bảo an toàn”, thế nghĩa là các ông chứa côn đồ trong sân này à?
Anh ta liền đánh bài lảng.
Lát sau tôi thấy một toán toàn công an xã đi theo một ông có vẻ chỉ huy vào một góc tối để hội ý. Tôi đi chầm chậm lại gần để nghe, nhưng họ nói nhỏ, không thể nghe được, chỉ đoán lờ mờ hình như là họ sợ bà con sắp làm gì đó, cần phải chặn ngay. Hội ý xong, trên đường đi ra, một ông đắc chí, vung tay nói: “Chúng ta có quyền “nực”. Ai chống “nại” chúng ta “nà” chúng ta xử “nuôn” nhé. Nhớ đấy, phải sử dụng quyền “nực” vì chúng ta có quyền “nực!”. Nghe thế, anh Hoàng Hưng bảo: “Chả có mãi quyền lực đâu ông ơi. Khối tướng công an đang chết đấy thôi. Các ông cứ giữ trật tự, nhưng đừng tự biến mình thành kẻ thù của nhân dân!”. Chị Nguyên Bình tiếp: “Không quay về với dân, cứ bám theo dây của họ rồi có ngày chết chùm đấy”. Và chị Hoàng Hà: “Quyền lực của chính quyền là để bảo vệ dân chứ không phải mang quyền lực ra đàn áp dân đâu nhá”.
Tuy nhiên những lời nhắc nhở nhẹ nhàng ấy liệu có thể lọt tí nào vào những cái đầu đã bị nhồi đặc một điều duy nhất: “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình”.
Cảm thấy như một âm mưu gì đó đối với bà con sắp diễn ra, tôi ra kể với bà con và nhân thể kể sự việc tay công an xã định đánh tôi lúc nãy. Bà con chẳng quan tâm âm mưu gì sắp tới cho mình, chỉ lo cho chúng tôi thôi. Các chị bảo:
– Chết, nó đã đánh bác chưa? Có gì các bác phải báo ngay với chúng em chứ. Nếu nó đánh là chúng em phá ngay cửa sắt này vào chơi nhau với chúng đấy. Chúng em chả sợ chết gì nữa đâu.
Từ đó bà con cứ luôn phải rọi đèn pin vào để quan sát mọi âm mưu, diễn biến. Hai chiếc chiếu đại mới tinh được trải ra trươc cổng Uỷ ban. Một chị nói: “Chúng tôi sẽ ở lại đây cả đêm, cho đến khi nào các cụ được về!”.
Cuối cùng thì cũng không thấy chúng giở trò gì thêm nữa. Họ gọi chú Thanh đi làm các thủ tục để nhận xe. Chú Thanh cho biết kết luận cuối cùng về vụ “tai nạn” là: “có va chạm nhưng người và phương tiện cả hai bên đều an toàn”. Tôi bảo va chạm gì đâu nhưng chú Thanh giải thích trong giao thông hễ có người ngã, có xe đổ là tính “va chạm” rồi.
Lúc này khoảng 21 giờ. Chú Thanh vẫn định về, vì mai xe phải trả sớm, nhưng bà con kiên quyết không cho về. Mọi người chờ ý kiến quyết định của anh Đăng Quang. Anh Đăng Quang bảo, thôi cứ quay lại Đồng Tâm chút đã rồi quyết định sau.
Đèn sáng trưng, tiếng động cơ rầm rập, mấy trăm con người hùng dũng về Đồng Tâm. Bà con chia làm hai nửa, một nửa đi trước, một nửa đi sau, bảo vệ chúng tôi như tháp tùng nguyên thủ quốc gia vậy.