Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 16 từ ngày 16 đến 22/4/2018: Nhóm nhân sỹ bị câu lưu khi về thăm bà con Đồng Tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 22/4/2018

Ngày 21/4, một nhóm nhân sỹ ở Hà Nội, bao gồm Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình và thạc sỹ Đào Tiến Thi, đến xã Đồng Tâm để thăm bà con, và họ đã gặp khó khăn trên đường trở về nhà.

Trên đường trở về Hà Nội, xe của nhóm đã bị một số côn đồ đi xe máy gây sự và vu vạ cho là đâm ngã một xe máy. Ngay lập tức xe cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự ào tới và đòi đưa xe của nhóm về công an huyện Mỹ Đức để giải quyết. Nhận tin báo, nhân dân Đồng Tâm đã kéo ra và không cho cảnh sát kéo xe đi. Tuy nhiên, công an vẫn bắt đoàn quay vào trụ sở Uỷ ban xã Phúc Lâm và giữ họ cho đến tận 21h.

Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức phiên phúc thẩm đối với nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, người bị Toà án Nhân dân huyện Diễn Châu kết án 14 năm tù hôm 06/02 vì những hoạt động hỗ trợ nạn nhân của Formosa, vào ngày 24/4.

Bốn trong số sáu nhà hoạt động bị kết án vào ngày 05/4 đã làm đơn kháng án, bao gồm mục sư Tin lành Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển trong khi luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà dường như chưa nộp đơn kháng án. Sáu người bị kết án tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế vì cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã công bố báo cáo về tình hình Việt Nam năm 2017, nói rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày càng xấu đi với việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến, hạn chế nhiều quyền chính trị và dân sự, và quyền tự do tôn giáo.

Tổ chức Bảo về Quyền Tự do Tôn giáo cũng công bố báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong quý I năm 2018, nói rằng chính phủ vẫn tiếp tục đàn áp một số tôn giáo nhỏ như Hoà Hảo Thuần tuý và Cao Đài, và một số nhóm Tin Lành trong khi nhiều linh mục và giáo dân bị phân biệt đối xử.

===== 16/4 ====

Báo cáo về tự do tôn giáo trong Quý 1 của tổ chức Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo

Theo tổng quan tình hình tôn giáo ở Việt Nam quý 1 năm 2018 và số lượng những trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo của các cơ quan trực thuộc chính phủ Việt Nam cho thấy tình trang vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng vẫn tồn tại và diễn ra thường xuyên ở một số tôn giáo nhỏ lẻ như Giáo hội Phật Giáo Hào Hảo Thuần Túy, Đạo Cao Đài và Tin Lành. Công giáo bị phân biệt đối xử sách nhiễu về các thủ tục hành chính.

Ngày 1/1/2018 Luật Tôn giáo chính thức được thực thi bất chấp những hạn chế mà các chức sắc tôn giáo chỉ ra yêu cầu sửa đổi sao cho phù hợp. Việc thông qua một văn bản luật không dành được nhiều sự đồng thuận từ các lãnh đạo của các tôn giáo chắc chắn sẽ có những tiêu cực trong quá trình áp dụng luật trực tiếp. Nên chắc chắn các tín đồ tôn giáo sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Xem toàn văn báo cáo tại đây

===== 17/4 =====

Việt Nam Các sự kiện năm 2017: HRW

Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi nghiêm trọng trong năm 2017. Công an đã bắt giữ ít nhất là 21 người với các tội danh “an ninh quốc gia” có phạm vi áp dụng quá rộng, thường được vận dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán chính phủ và các hoạt động ôn hòa.

– Hạn chế Quyền Tự do Ngôn luận

– Hạn chế Quyền Tự do Nhóm họp, Lập hội và Đi lại

– Quyền Tự do Tôn giáo

– Hệ thống Tư pháp Hình sự

– Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt

Toàn văn báo cáo: Việt Nam Các sự kiện năm 2017: HRW

===== 18/4 =====

 Phiên toà phúc thẩm của Hoàng Đức Bình sẽ được tổ chức vào ngày 24/4

Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức phiên phúc thẩm đối với nhà hoạt động môi trường và công đoàn Hoàng Đức Bình vào ngày 24/4.

Hoàng Đức Bình, một người hoạt động tích cực để giúp đỡ bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ Formosa, đã bị Toà án Nhân dân huyện Diễn Châu kết án 14 năm tù giam hôm 06/2 với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Phiên toà sơ thẩm là một phiên toà không công bằng khi bản bào chữa của luật sư không được chú ý và chỉ có mẹ của Hoàng Đức Bình được vào trong phòng xử án. Hai em trai của anh và nhiều người thân, bạn bè bị công an Nghệ An đánh đập và câu lưu.

===== 19/4 =====

Bốn nhà hoạt động của Hội Anh em Dân chủ kháng án

Bốn nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển đã làm đơn kháng cáo lại bản án đã tuyên bởi Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 05/4.

Hai người còn lại trong vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 là Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà dường như chưa nộp đơn kháng án.

Ngày 05/4, sáu nhà hoạt động đã bị kết án tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế vì những hoạt động ôn hoà nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ.

===== 22/4 =====

Nhóm nhân sỹ Hà Nội về thăm bà con Đồng Tâm bị câu lưu

Ngày 21/4, một nhóm nhân sỹ ở Hà Nội trong đó có Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, đã về thăm bà con xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Trên đường trở về Hà Nội, xe của nhóm đã bị quấy nhiễu bởi một số tên côn đồ, những kẻ dường như được hành động dưới sự chỉ đạo của công an thành phố. Một tên ép xe dừng lại và tự làm đổ xe máy trước mũi xe của các vị khách, và vu cho là bị đâm bởi xe của họ.

Ngay lập tức cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự kéo đến, đòi lập biên bản và đưa xe về trụ sở công an huyện.

Nhận được tin báo, nhân dân Đồng Tâm kéo ra phản đối việc làm của công an địa phương.

Tuy nhiên, công an vẫn bắt xe và nhóm khách vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Phúc Lâm, và giữ họ đến khoảng 21 h cùng ngày.

Người dân Đồng Tâm đã đưa đoàn trở về xã để nghỉ qua đêm để tránh bị gài bẫy bởi lực lượng an ninh.

Sáng 22/4, đoàn khách đã trở về nhà an toàn, với sự hộ tống của nhiều người trong xã Đồng Tâm.

Cũng trong ngày 22, nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị giam lỏng tại gia khi chính quyền địa phương cử nhiều công an và dân phòng đến canh ở gần nơi họ sinh sống, nhằm ngăn cản họ đến Đồng Tâm tham gia kỷ niệm 1 năm sự kiện bắt con tin khoảng 40 cán bộ và cảnh sát trong một vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai.

=====================

Bảntin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây