Nghị sĩ kêu gọi đại sứ Mỹ nêu vấn đề tự do tôn giáo Việt Nam

Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ

VOA, 22-12-2017

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, ngày 21/12 gửi thư cho đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thúc giục nêu quan ngại với Hà Nội về Luật Tôn giáo Tín ngưỡng dự kiến có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/18 với các điều khoản cho phép nhà cầm quyền Việt Nam giới hạn hoạt động tôn giáo một cách tùy tiện.

Dân biểu Ed Royce nói Luật Tôn giáo Tín ngưỡng của Việt Nam đòi hỏi mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và báo cáo hoạt động. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng nội dung cấm các hoạt động tôn giáo ‘gây phương hại quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền, trật tự-an toàn xã hội, và môi trường’ là những ngôn từ mơ hồ nhằm tiếp tay cho nhà cầm quyền siết chặt kiểm soát, đàn áp tôn giáo.

Hồ sơ của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng được lưu chép trên trang web của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế

Hồ sơ của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng được lưu chép trên trang web của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế

Nghị sĩ Ed Royce viện dẫn trường hợp bị ngược đãi của mục sư Nguyễn Công Chính làm ví dụ. Mục sư Chính được Hà Nội phóng thích sau 6 năm giam cầm với điều kiện là ông phải cùng vợ, bà Trần Thị Hồng, rời khỏi Việt Nam.

Bức thư của nhà lập pháp Ed Royce nói còn nhiều nạn nhân khác nữa như Hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hay luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, trong số hàng trăm tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Thư ông Royce gửi đại sứ Daniel Kritenbrink có đoạn viết: “Thưa Ngài Đại sứ, khi ông nêu quan ngại về luật mới này…tôi kêu gọi ông nêu rõ với nhà nước Việt Nam rằng hợp tác an ninh giữa Mỹ với Việt Nam không thể thăng tiến nếu an ninh quốc gia được dùng làm cớ để đàn áp tôn giáo.”

Hà Nội trước nay bác mọi quan ngại của quốc tế về tự do tôn giáo hay nhân quyền tại Việt Nam và khẳng định rằng không có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, hay tù nhân tôn giáo mà chỉ có những ai vi phạm luật pháp Việt Nam mới bị xử lý.