Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ 2017: Việt Nam cần tu sửa luật pháp

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Tom Malinowski (trái), tiếp xúc phóng viên trong chuyến đến Hà Nội đối thoại về nhân quyền, ngày 11/5/2015.

RFA | 10.05.2017

Các tổ chức dân sự của cộng đồng người Việt tại Mỹ hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời tham dự Hội thảo bàn tròn vào ngày 12 tháng Năm để chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên sẽ diễn ra trong cuối tháng.

Tiếp tục vi phạm nhân quyền

Chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 21 dự kiến diễn ra vào cuối tháng Năm năm 2017, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo bàn tròn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 12 tháng Năm, dưới sự chủ trì của ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Phái đoàn đại diện cho cộng đồng người Việt tham dự Hội thảo bàn tròn lần này cho Đài RFA biết những vấn đến sẽ được tập trung thảo luận với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ bao gồm các lãnh vực liên quan tù nhân chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, cưỡng chế đất đai, vấn đề môi sinh và tự do ngôn luận cũng như tự do internet.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản nói với Đài Á Châu Tự Do về ý định ông sẽ nêu lên tại Hội thảo bàn tròn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức:

“Chúng tôi sẽ đưa ra các vấn đề về nhà cầm quyền Cộng sản gia tăng đàn áp các nhân vật đối lập và gia tăng đàn áp bắt bớ những người của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt gần đây là cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn đã gây nên sự quan tâm của cả trong nước lẫn ngoài nước. Vấn đề thứ hai là chúng tôi đòi hỏi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, những người chỉ phát biểu ý kiến một cách ôn hòa mà bị bắt bỏ tù.”

Bằng chứng cho các vấn đề mà Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản nêu ra sẽ được trưng dẫn qua động thái bắt bớ một loạt các nhà đấu tranh cho dân chủ, môi trường và xã hội của nhà cầm quyền Hà Nội kéo dài từ những tháng cuối của năm 2016 đến đầu năm 2017, bao gồm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga, Bác sĩ Hồ Văn Hải, Blogger Phan Kim Khánh, Blogger Bùi Hiếu Võ…Một trong những trường hợp điển hình cho tình trạng tù nhân chính trị tại Việt Nam bị đối xử khắc nghiệt trong trại giam là tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị cưỡng bức lao động, bị thiếu ánh sáng khiến mất dần thị lực.

Riêng về cái chết tại đồn Công an Vĩnh Long của ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo  bị bắt vào hôm mùng 2 tháng Năm năm 2017, theo Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân là bằng chứng mới nhất về hiện trạng bạo hành của công an Việt Nam đối với người dân trong nước. Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết ông Nguyễn Hữu Tấn đã dùng dao để cắt cổ tự vẫn trong khi người nhà ông này cho rằng cái chết của ông tại đồn công an có nhiều khuất tất.

Chủ tịch của Tổ chức Vietnam for Progress, Bác sĩ Nguyễn Thể Bình cho rằng vụ việc ông Nguyễn Hữu Tấn bị bắt giữ liên quan hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ để bắt giữ công dân một cách tùy tiện, dẫn đến hệ lụy gây ra cái chết khuất tất trong đồn công an đối với nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn. Bác sĩ Nguyễn Thể Bình cho biết sẽ nêu lên với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ cần thúc đẩy tu sửa tư pháp và hành pháp tại Việt Nam.

“Pháp luật hay pháp lý vẫn là căn bản của xã hội. Vì vậy muốn đẩy mạnh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì căn bản pháp lý phải vững. Và những cảnh xử lý đối với người dân qua luật pháp phải hợp lý và phải theo Công án Quốc tế. Cho nên, tôi muốn sẽ đẩy mạnh vấn đề tu sửa tư pháp ở đất nước Việt Nam.”

Đàn áp tôn giáo

vietnam1-400.jpg

Ảnh minh họa an ninh Việt Nam đàn áp người dân. Courtesy of hrw.org

Lên tiếng với RFA về tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam trong thời gian qua đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng đối với Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo Thống nhất và đặc biệt nặng nề, nghiêm trọng đối với Cơ đốc giáo ở khu vực Tây Nguyên, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tổ chức BPSOS, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết một phái đoàn liên tôn vào ngày 15 tháng Năm sẽ có cuộc gặp gỡ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để vận động cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng tại buổi Hội thảo Bàn tròn về nhân quyền Việt Nam, diễn ra trong ngày 12 tháng Năm, sẽ nói về tình trạng cưỡng chế đất đai tràn lan ở trong nước do quy định sở hữu đất đai toàn dân:

“Vấn đề cướp đất của người dân, như gần đây chúng ta biết đến vụ ở Đồng Tâm và ở Giáo xứ Đông Yên cũng đang bị đe dọa bởi nạn bị cướp đất và còn tràn lan khắp đất nước Việt Nam nhiều trường hợp đơn lẻ nhiều vô kể. Đây được xem như là vấn nạn lớn tại Việt Nam, tạo nên những thảm cảnh cho người dân và những biến động và bất ổn trong xã hội.”

Pháp luật hay pháp lý vẫn là căn bản của xã hội. Vì vậy muốn đẩy mạnh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì căn bản pháp lý phải vững. Tôi muốn sẽ đẩy mạnh vấn đề tu sửa tư pháp ở đất nước Việt Nam.
– Bác sĩ Nguyễn Thể Bình

Đại diện của các tổ chức xã hội dân sự người Mỹ gốc Việt tham dự Hội thảo Bàn tròn chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ cũng khẳng định với RFA môi trường sinh thái là một vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam khi Chính phủ Hà Nội cấp phép cho các nhà máy vận hành nhưng không chú trọng đến khía cạnh bảo vệ môi sinh, mà hậu quả trước mắt là thảm họa môi trường biển tại khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải có độc tố ra biển vào tháng 4 năm ngoái ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân.

Ngoài ra, vấn đề nghiệp đoàn công nhân độc lập tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ được nêu ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương bao gồm 12 nước. Một trong những ràng buộc mà Việt Nam phải làm nếu Hiệp định này được thực hiện là Việt Nam phải cho phép các nghiệp đoàn công nhân độc lập được hoạt động.

Xin được nhắc lại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng Ba vừa qua công bố báo cáo nhân quyền 2016, trong đó chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2015, Việt Nam vẫn giam giữ 94 tù nhân chính trị mặc dù Chính quyền Hà Nội vẫn luôn khẳng định không giam giữ những tù nhân này. Báo cáo cũng cho biết trong năm 2016, Việt Nam đã kết án tù 12 nhà hoạt động xã hội ôn hòa. Báo cáo cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam không cho những người bị bắt giam được gặp gỡ với luật sư bào chữa và thân nhân trước khi ra tòa.

Trước đó vào tháng Hai năm 2017 thông qua báo cáo tình tình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (gọi tắt là USCIRF) lên tiếng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) sau 10 năm được rút tên vì Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật về Tín ngưỡng và Tôn giáo hồi tháng 11 năm 2016, mà các tôn giáo đồng phản đối đạo luật mới ban hành vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.

Trả lời câu hỏi của RFA về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump sẽ can thiệp như thế nào đối với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, các đại diện của những tổ chức dân sự tham dự Hội thảo bàn tròn chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 tin rằng Nhà Trắng sẽ gây áp lực lên Hà Nội trong việc cải thiện tình hình nhân quyền.