Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 2 từ ngày 09 đến 15/01/2017: Tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu được trả tự do trước thời hạn, buộc phải sống lưu vong ở Pháp

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 15/01/2017

Ngày 12/1, chính quyền Việt Nam quyết định trả tự do cho tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu, người đang thụ án tù 13 năm vì cáo buộc lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, sau khi anh đã trải qua 65 tháng trong nhà giam. Tuy nhiên, Hà Nội cũng bắt buộc anh phải sống lưu vong tại Pháp mà không được quay trở về quê hương.

Cựu tù nhân chính trị Lê Công Định cho biết ngày 13 và 14/01, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã dùng lực lượng an ninh để giam lỏng anh tại nhà riêng, không cho anh tham dự một cuộc gặp mặt với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người có chuyến thăm Việt Nam cuối cùng trước khi rời chính quyền vào ngày 20. Một số nhà hoạt động, trong đó có nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ngày 13/01, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị ngăn chặn tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) khi cô đang trên đường qua Campuchia sang Bangkok để đưa bố chồng đi chữa bệnh. Cơ quan an ninh cửa khẩu nói cô nằm trong danh sách những người không được xuất cảnh vì an ninh quốc gia.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, được cơ quan công an thành phố Hà Nội cho biết ông sẽ bị cấm xuất cảnh ít nhất cho đến tháng 8 năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia theo Nghị định 136 của chính phủ. Năm 2016, ông bị dừng xuất cảnh ở sân bay quốc tế Nội Bài khi ông trên đường đi dự hội nghị về tự do báo chí ở Paris.

Ngày 12/01, Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt chiến dịch đàn áp nhằm vào giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người hoạt động nhân quyền. Hà Nội nên đối thoại với những người chỉ trích, thay vì tìm cách bịt miệng họ, tổ chức nhân quyền này nói.

===== 10/01 =====

Nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quốc Ngữ bị cấm xuất cảnh tới tháng 4 năm 2018

Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, được Công an thành phố Hà Nội cho biết ông không được phép xuất cảnh ít nhất cho tới tháng 4 năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia.

Ngày 26/9/2016, ông bị an ninh cửa khẩu Nội Bài dừng xuất cảnh khi ông trên đường đi dự hội nghị về tự do báo chí ở Paris do Phóng viên Không Biên giới tổ chức. Sau đó, ông đã viết đơn khiếu nại lên Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh của CA thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, công an thành phố Hà Nội không đưa ra lý do cụ thể về việc tước đoạt quyền tự do đi lại này.

Không chỉ bị cấm xuất cảnh, ông còn bị chính quyền địa phương ngăn cản tham gia các hoạt động ôn hòa và gặp gỡ với nhiều quan chức ngoại giao nước ngoài.

Chính quyền Việt Nam áp dụng việc cấm xuất cảnh đối với hàng trăm người hoạt động ôn hòa.

Người Bảo vệ Nhân quyền là một tổ chức phi chính phủ, thường xuyên ghi lại những vi phạm về nhân quyền ở Việt Nam, và hỗ trợ người hoạt động nhân quyền. Tổ chức này có liên hệ với nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới như Ân xá Quốc tế, Human Rights Watch, Freedom House, Phóng viên Không Biên giới và Người Bảo vệ Quyền Dân sự.

===== 12/01 =====

Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu nhưng buộc anh phải lưu vong tại Pháp

Chính quyền Việt Nam đã đồng ý trả tự do cho tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu nhưng buộc anh phải sống lưu vong ở Pháp mà không được phép quay trở lại Việt Nam.

Ngày 12/01, anh được đưa từ nhà tù ra phi trường Tân Sơn Nhất và từ đó sang Paris.

Anh Diệu là một trong số 14 thanh niên Công giáo bị bắt năm 2011 và truy tố với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Anh bị kết án 13 năm tù và đã bị giam 5 năm và 5 tháng.

Kể từ khi bị bắt vào cuối tháng 7 năm 2011, Diệu không được gặp người thân. Anh cũng bị đối xử vô nhân đạo bởi cai ngục, và thường xuyên bị đánh đập bởi cai tù và tù thường phạm dưới sự chỉ đạo của giám thị trại giam vì anh không chịu nhận tội mà tòa án đã kết tội.

Diệu là một trong số những tù nhân lương tâm được trả tự do trước thời hạn nhưng bị buộc phải lưu vong. Trước đó là những trường hợp tương tự như Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, và Cù Huy Hà Vũ.

===== 13/01 =====

Nhiều nhà hoạt động ở HCM bị giam lỏng trong dịp Ngoại trưởng Kerry đến Việt Nam

Nhiều nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cựu tù nhân chính trị Lê Công Định và nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã bị giam lỏng tại nhà riêng trong hai ngày 13 và 14 khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry viếng thăm Việt Nam.

Chính quyền thành phố đã đưa một số lượng lớn an ninh mặc thường phục tới canh gác gần nhà riêng của nhiều người bất đồng chính kiến khi biết họ được Tổng Lãnh sự quán ở Sài Gòn mời đến dự cuộc nói chuyện với ông Kerry khi ông ghé thăm thành phố này vào ngày 13 và 14/01.

Luật sư Định nói khi anh định đi ra khỏi nhà thì một toán mật vụ xúm đến không cho anh đi tiếp.

Chính quyền Việt Nam thường áp dụng biện pháp giam lỏng tại tư gia để ngăn không cho người hoạt động tụ tập ôn hòa hoặc gặp gỡ với quan chức ngoại giao nước ngoài.

——————–

 Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị cấm xuất cảnh

Ngày 13/01, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị dừng xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh khi cô định đưa bố chồng sang Thái Lan chữa bệnh.

Cô Nghiên, vợ của cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú, được cơ quan an ninh cửa khẩu cho biết cô thuộc diện cấm xuất cảnh mà không cung cấp lý do cụ thể.

Cô Nghiên là cựu tù nhân lương tâm. Cô bị bắt vào tháng 8 năm 2009 vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước và bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Án quản chế đã hết từ ngày 19/8/2015.

Cô Nghiên là những người đầu tiên lên tiếng về việc Trung Quốc giết hại ngư dân Việt trong vùng biển Vịnh Bắc bộ và Biển Đông. Để phản đối thái độ gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam, cô là người đầu tiên thực hiện tọa kháng chống Tàu ngay ở nhà mình.

Sau khi mãn hạn tù, cô vẫn tiếp tục nhiều hoạt động như tham gia chiến dịch Nhân quyền 2015, các nhóm Công dân tự do, Cà phê nhân quyền… Trong thời gian quản chế, cô bị cơ quan chức năng triệu tập khoảng 40 lần và gây nhiều khó khăn cho gia đình, người thân của cô.

Năm 2009, cô được Human Rights Watch trao giải Hellman-Hammett

===== 14/01 =====

Việt Nam cần phải chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động và bloggers: Human Rights Watch

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch đàn áp quy mô lớn về tự do ngôn luận, biểu đạt, lập hội, hội họp, và tôn giáo trong năm 2016, Human Rights Watch cho biết ngày hôm nay tại báo cáo toàn thế giới (World Report) năm 2017. Các blogger và người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam phải đối mặt với sự đe dọa và quấy rối liên tục của cảnh sát, bị kết án tù và là đối tượng để biệt giam trong tù vì đã thực thi các quyền cơ bản của họ.

Trong 687 trang của World Report, báo cáo hàng năm lần thứ 27 của mình, Human Rights Watch đánh giá thực hành quyền con người ở hơn 90 quốc gia. Trong bài luận giới thiệu của mình, Giám đốc điều hành Kenneth Roth viết rằng một thế hệ mới của chế độc tài dân túy đang tìm cách lật đổ các khái niệm về bảo vệ quyền con người, coi các quyền đó như là một trở ngại cho đa số. Đối với những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau bởi nền kinh tế toàn cầu và tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng, các nhóm xã hội dân sự, các phương tiện truyền thông và công chúng có vai trò quan trọng trong việc khẳng định những giá trị mà quyền tôn trọng dân chủ đã được xây dựng.

“Những hy vọng về ban lãnh đạo của Việt Nam được lựa chọn tại Đại hội Đảng Cộng sản sẽ giảm bớt đàn áp đã tiêu tan trong năm qua”, ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch cho biết. “Nếu họ muốn đất nước phát triển xứng đáng với tiềm năng của mình, chính quyền Việt Nam cần phải tham gia vào các cuộc đối thoại với các nhà phê bình thay vì bịt miệng họ.”

Trong năm 2016, ít nhất 19 người, bao gồm các blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn được gọi là Anh Ba Sam, ông Nguyễn Đình Ngọc, còn được gọi là Nguyễn Ngọc Già, và nhà hoạt động về quyền sử dụng đất Cấn Thị Thêu, đã bị kết án từ 20 tháng đến chín năm tù vì viết blog hoặc tham dự các chiến dịch vận động ôn hòa. Cảnh sát cũng đã bắt giữ ít nhất tám người khác, bao gồm cả blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người còng được gọi là Mẹ Nấm, và Hồ Văn Hải, còn được gọi là Bác sĩ Hồ Hải, vì bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Những người khác, như Nguyễn Văn Đài và Trần Anh Kim, bị bắt vào năm 2015, tiếp tục bị giam giữ không xét xử.

Năm 2016 cũng chứng kiến nhiều cuộc tấn công vật lý nhằm vào các blogger nhân quyền và người hoạt động bởi những kẻ lạ mặt, những kẻ dường như hành động dưới sự bảo trợ của chính quyền và không bao giờ bị trừng phạt. Vài chục người, trong đó có cựu tù chính trị Trần Minh Nhật và Nguyễn Đình Cương, và nhà hoạt động Nguyễn Văn Thạnh và Lã Việt Dũng, nói rằng họ đã bị tấn công bởi những người đàn ông trong bộ quần áo dân sự. Không một kẻ tấn công nào bị buộc tội.

Cảnh sát thường xuyên sử dụng vũ lực quá mức để giải tán cuộc tuần hành ủng hộ môi trường tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người biểu tình cho biết họ bị đánh đập và bị giam giữ trong nhiều giờ. Những người khác, bao gồm cả blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động dân quyền Nguyễn Quang A, đã bị câu lưu hoặc bị giam lỏng tại gia và vì vậy họ không thể tham dự nhiều sự kiện ôn hòa, chẳng hạn như một cuộc họp với các nhà ngoại giao nước ngoài và các chức sắc hoặc tham gia vào một cuộc biểu tình công cộng.

“Blogger và các nhà hoạt động Việt Nam thường xuyên có nguy cơ bị mất tự do và an toàn cá nhân khi vận động cho dân chủ và các quyền cơ bản”, ông Adams nói. “Các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam và các đối tác thương mại đã quá lâu ưu tiên quan hệ ngoại giao và thương mại thay vì hỗ trợ cho các cá nhân dũng cảm và ủng hộ cuộc bầu cử đa đảng mà sẽ chấm dứt một trong những chế độ độc tài lâu năm nhất trên thế giới.”

===== 15/01 =====

Thanh Niên đưa tin về các vụ biểu tình phản đối Formosa bị bắt cóc

Nguyễn Văn Hóa, một thanh niên Công giáo thường xuyên đưa tin về các vụ biểu tình phản đối Formosa tại khu vực Hà Tĩnh và Nghệ An, đã bị công an Hà Tĩnh bắt cóc từ ngày 11/01/2017.

Anh bị bắt cóc khi đưa tin về cuộc biểu tình của ngư dân Dũ Lộc, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh đòi Formosa bồi thường cho ngư dân và làm sạch môi trường.

Cho tới ngày 13/01, gia đình của Hóa vẫn chưa có bất kỳ một thông tin gì về bạn trẻ này.

Hóa được biết là một người trẻ nhận thức rõ những sai trái, bất công trong xã hội do giới cầm quyền cộng sản gây ra. Anh rất tích cực trong việc đưa tin tức về các cuộc lên tiếng của các nạn nhân biển Miền Trung trên các trang mạng xã hội.