Toà án Nhân dân huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) kết án năm năm tù đối với ông Hoàng Văn Vương về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong một phiên xử hồi tháng tư, không luật sư bào chữa và gia đình hoàn toàn không được thông báo.
Ông Vương, 45 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ ít tiếng tăm, bị Công an huyện Thống Nhất bắt giữ vào ngày 03/1/2023.
Một ngày sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an huyện Thống Nhất gửi cho gia đình văn bản có tiêu đề “Thông báo về áp dụng biện pháp tạm giam” đối với ông Vương. Theo văn bản này, cơ quan trên giam giữ ông Vương trong vòng hai tháng nhưng không nêu rõ lý do.
“Đó là văn bản duy nhất mà cho tới nay gia đình tôi nhận được từ chính quyền địa phương về việc liên quan đến Hoàng Văn Vương,” một người thân không muốn nêu danh tính của ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 07/8.
“Đầu tháng năm, gia đình tôinhận được cuộc gọi từ Trại tạm giam B5 của Công an tỉnh Đồng Nai, báo rằng Hoàng Văn Vương đang bị giam ở đây, và gia đình có thể đến để thăm nuôi,” người này nói.
Gia đình sau đó đến nơi tạm giam và được ông Vương cho biết, bản thân đã bị kết án năm năm tù về tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự trong một phiên toà không có luật sư vào ngày 18/4.
Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Nai cấp cho gia đình ông Hoàng Văn Vương cuốn sổ thăm gặp, trong đó có ghi “Hành vi phạm tội: Lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “Án phạt: 5 năm.”
Ông Vương nói với gia đình, sau phiên tòa sơ thẩm ông đã làm đơn kháng cáo nhưng sau đó lại rút đơn.
Phóng viên gọi điện thoại cho Công an huyện Thống Nhất nhưng không ai nghe máy. Phóng viên cũng gọi điện cho Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai và người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.
Truyền thông nhà nước không đưa tin gì về việc bắt giữ và kết án ông Vương kể từ đầu năm đến nay.
Bình luận về việc Đồng Nai kết án và giam cầm ông Vương, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với RFA qua email ngày 08/8″
“Việc kết án tù Hoàng Văn Vương mà không có luật sư hoặc gia đình của ông ta thậm chí không biết cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam đã trở thành một trò hề hoàn toàn. Đối với những nhà hoạt động tương đối ít tên tuổi như Vương, họ thậm chí không có được sự trợ giúp pháp lý. Điều rõ ràng là chính quyền tỉnh Đồng Nai vì một lý do nào đó đã tức giận với ông, và vì vậy họ đã kết án ông 5 năm tù dựa trên một lý do được ngụy tạo bởi công an và được đảng Cộng sản cầm quyền chấp thuận. Đó là cách dễ dàng để đánh mất tự do và quyền của một người dưới chế độ độc đảng độc đảng của Việt Nam khi nó sử dụng các điều luật vi phạm nhân quyền để biến hầu hết mọi hoạt động thành ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho người hoạt động ôn hoà. Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Khu vực phụ trách chiến dịch của tổ chức này phát biểu với RFA:
“Chính quyền ở Việt Nam thường giam cầm những người mà họ cho là có quan điểm bất lợi, như một cách để bịt miệng họ, và để đe dọa những người khác để họ không lên tiếng. Chỉ trích một cách ôn hòa các chính sách của chính phủ không phải là tội. Quyền tự do ngôn luận phải được bảo vệ. Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền đã bị bắt giữ và kết án tùy tiện chỉ vì chia sẻ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
Việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận đi ngược lại với các nghĩa vụ nhân quyền của mình. Các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng những người bị giam giữ không bị cản trở trong việc thực hiện quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý mà họ lựa chọn. Như hiện tại, hồ sơ vi phạm nhân quyền được ghi chép đầy đủ của Việt Nam tiếp tục làm suy yếu vị thế của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Ông Vương lên tiếng phản biện trên mạng xã hội từ năm 2011, đã từng bị bắt và bị đánh đập trong những năm 2011-2012 vì tham gia biểu tình ôn hoà phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và bất công ở nhiều nơi của Việt Nam.
Một số nhà hoạt động cho biết, ông Vương thường xuyên trợ giúp gia đình một số tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp hiểm nguy như ông Đinh Văn Hải và bà Hoàng Thị Thu Vang cho dù điều kiện kinh tế của gia đình ông còn khó khăn.
Trong năm 2018, ông nhiều lần bị Công an huyện Thống Nhất triệu tập lên đồn vì lên tiếng về xả thải của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi ở thành phố Biên Hoà.
Ông Vương là người bất đồng chính kiến thứ hai bị kết án từ đầu năm đến nay về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Cũng trong thời gian này, mười người đã bị bắt giữ về cáo buộc theo Điều 331, theo thống kê của RFA.
Cuối tháng trước, toà án Hà Nội đã kết án ông Nguyễn Sơn Lộ, cựu viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển SENA, với bản án ba năm tù giam vì “đã phát tán năm tài liệu với tổng hơn 1.000 trang và ba đơn khiếu nại có nội dung xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” Ông còn bị thêm án hai năm tù giam vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” (RFA)
August 9, 2023
Nhà hoạt động Hoàng Văn Vương bị tuyên 5 năm tù, gia đình không hay biết
by Defend the Defenders • [Human Rights]
Toà án Nhân dân huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) kết án năm năm tù đối với ông Hoàng Văn Vương về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong một phiên xử hồi tháng tư, không luật sư bào chữa và gia đình hoàn toàn không được thông báo.
Ông Vương, 45 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ ít tiếng tăm, bị Công an huyện Thống Nhất bắt giữ vào ngày 03/1/2023.
Một ngày sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an huyện Thống Nhất gửi cho gia đình văn bản có tiêu đề “Thông báo về áp dụng biện pháp tạm giam” đối với ông Vương. Theo văn bản này, cơ quan trên giam giữ ông Vương trong vòng hai tháng nhưng không nêu rõ lý do.
“Đó là văn bản duy nhất mà cho tới nay gia đình tôi nhận được từ chính quyền địa phương về việc liên quan đến Hoàng Văn Vương,” một người thân không muốn nêu danh tính của ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 07/8.
“Đầu tháng năm, gia đình tôi nhận được cuộc gọi từ Trại tạm giam B5 của Công an tỉnh Đồng Nai, báo rằng Hoàng Văn Vương đang bị giam ở đây, và gia đình có thể đến để thăm nuôi,” người này nói.
Gia đình sau đó đến nơi tạm giam và được ông Vương cho biết, bản thân đã bị kết án năm năm tù về tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự trong một phiên toà không có luật sư vào ngày 18/4.
Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Nai cấp cho gia đình ông Hoàng Văn Vương cuốn sổ thăm gặp, trong đó có ghi “Hành vi phạm tội: Lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “Án phạt: 5 năm.”
Ông Vương nói với gia đình, sau phiên tòa sơ thẩm ông đã làm đơn kháng cáo nhưng sau đó lại rút đơn.
Phóng viên gọi điện thoại cho Công an huyện Thống Nhất nhưng không ai nghe máy. Phóng viên cũng gọi điện cho Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai và người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.
Truyền thông nhà nước không đưa tin gì về việc bắt giữ và kết án ông Vương kể từ đầu năm đến nay.
Bình luận về việc Đồng Nai kết án và giam cầm ông Vương, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với RFA qua email ngày 08/8″
“Việc kết án tù Hoàng Văn Vương mà không có luật sư hoặc gia đình của ông ta thậm chí không biết cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam đã trở thành một trò hề hoàn toàn. Đối với những nhà hoạt động tương đối ít tên tuổi như Vương, họ thậm chí không có được sự trợ giúp pháp lý. Điều rõ ràng là chính quyền tỉnh Đồng Nai vì một lý do nào đó đã tức giận với ông, và vì vậy họ đã kết án ông 5 năm tù dựa trên một lý do được ngụy tạo bởi công an và được đảng Cộng sản cầm quyền chấp thuận. Đó là cách dễ dàng để đánh mất tự do và quyền của một người dưới chế độ độc đảng độc đảng của Việt Nam khi nó sử dụng các điều luật vi phạm nhân quyền để biến hầu hết mọi hoạt động thành ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho người hoạt động ôn hoà. Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Khu vực phụ trách chiến dịch của tổ chức này phát biểu với RFA:
“Chính quyền ở Việt Nam thường giam cầm những người mà họ cho là có quan điểm bất lợi, như một cách để bịt miệng họ, và để đe dọa những người khác để họ không lên tiếng. Chỉ trích một cách ôn hòa các chính sách của chính phủ không phải là tội. Quyền tự do ngôn luận phải được bảo vệ. Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền đã bị bắt giữ và kết án tùy tiện chỉ vì chia sẻ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
Việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận đi ngược lại với các nghĩa vụ nhân quyền của mình. Các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng những người bị giam giữ không bị cản trở trong việc thực hiện quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý mà họ lựa chọn. Như hiện tại, hồ sơ vi phạm nhân quyền được ghi chép đầy đủ của Việt Nam tiếp tục làm suy yếu vị thế của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Ông Vương lên tiếng phản biện trên mạng xã hội từ năm 2011, đã từng bị bắt và bị đánh đập trong những năm 2011-2012 vì tham gia biểu tình ôn hoà phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và bất công ở nhiều nơi của Việt Nam.
Một số nhà hoạt động cho biết, ông Vương thường xuyên trợ giúp gia đình một số tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp hiểm nguy như ông Đinh Văn Hải và bà Hoàng Thị Thu Vang cho dù điều kiện kinh tế của gia đình ông còn khó khăn.
Trong năm 2018, ông nhiều lần bị Công an huyện Thống Nhất triệu tập lên đồn vì lên tiếng về xả thải của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi ở thành phố Biên Hoà.
Ông Vương là người bất đồng chính kiến thứ hai bị kết án từ đầu năm đến nay về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Cũng trong thời gian này, mười người đã bị bắt giữ về cáo buộc theo Điều 331, theo thống kê của RFA.
Cuối tháng trước, toà án Hà Nội đã kết án ông Nguyễn Sơn Lộ, cựu viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển SENA, với bản án ba năm tù giam vì “đã phát tán năm tài liệu với tổng hơn 1.000 trang và ba đơn khiếu nại có nội dung xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” Ông còn bị thêm án hai năm tù giam vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” (RFA)