Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 8 từ ngày 22/02 đến 28/02/2021: Công an Hà Nội gia hạn thời gian tạm giam nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm 

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 28/02/2021

 

Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội đã gia hạn tạm giam trước khi xét xử đối với người bảo vệ nhân quyền và nhà đấu tranh quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm thêm 4 tháng, tăng thời hạn điều tra lên 12 tháng kể từ khi bắt bà vào ngày 24/6/2020 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Tâm, cựu tù nhân lương tâm, đã bị giam giữ và chưa được gặp người thân và luật sư. Bà đã bị bắt giam vì nỗ lực phản đối việc chiếm đất của chính quyền Hà Nội tại xã Dương Nội, quận Hà Đông và vận động nhân quyền của cô, đặc biệt là trong vụ cưỡng đoạt đất ở xã Đồng Tâm và cuộc truy quét đẫm máu hàng nghìn cảnh sát chống bạo động tại địa phương vào ngày 9/01/2020.

Ba nhà bảo vệ nhân quyền khác ở Dương Nội cũng bị bắt cùng ngày với tội danh tương tự cũng vẫn bị giam giữ. Trong khi cuộc điều tra đối với cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã kết thúc và vụ án của họ được chuyển sang Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình, thì thời gian tạm giam trước khi xét xử đối với con trai cả của bà Thêu, anh Trịnh Bá Phương, có thể đã bị gia hạn mà công an Hà Nội không thông báo cho gia đình.

Trong thư trả lời của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ vào ngày 4/02 vừa qua về việc bắt giữ độc đoán 5 nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, những người đã bị bắt và bị buộc tội với việc “tuyên truyền chống nhà nước” do ủng hộ dân oan đất Đồng Tâm và đưa tin về vụ đột kích đẫm máu tại xã, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khẳng định dân oan đất Đồng Tâm phải chịu trách nhiệm về vụ việc và năm nhà bảo vệ nhân quyền không bị bắt và điều tra vì hoạt động tích cực của họ mà là do vi phạm pháp luật. Trong cuộc truy quét, công an đã giết lãnh đạo xã Lê Đình Kình và bắt giữ khoảng 30 người dân khiếu kiện đất đai trong xã, với cáo buộc sáu người trong số họ giết ba công an viên và những người còn lại “chống lại công chức nhà nước thi hành công vụ.” Trong phiên xử sơ thẩm hồi giữa tháng 9 năm ngoái, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với hai người Lê Đình Công và Lê Đình Chức, tù chung thân đối với Lê Đình Doanh, án tù từ 12 đến 16 năm đối với ba người khác về tội “giết” ba sĩ quan cảnh sát mà không có bằng chứng chắc chắn về hành vi gây chết người của họ và các dữ kiện chứng minh cái chết của các sĩ quan này. Tòa án cũng kết án tám người khiếu kiện đất đai từ ba năm đến sáu năm tù, và tuyên án quản chế đối với 15 người khiếu kiện đất đai còn lại vì “chống người thi hành công vụ.”

Sau phiên tòa, sáu người trong số họ đã kháng cáo và Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định mở phiên xử phúc thẩm của họ vào ngày 8-10/3 tới đây. Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ thực hiện phiên điều trần.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng có rất ít hy vọng cho những người khiếu kiện đất đai có mức án nhẹ hơn hoặc được trả tự do sau phiên xử phúc thẩm vì các nhân vật bảo thủ của chế độ vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới sau khi Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản kết thúc vào ngày 01/02 vừa qua. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an, những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở Đồng Tâm vào đầu tháng Giêng năm ngoái, đã được bầu lại vào Bộ Chính trị trong khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, người có vai trò quan trọng trong phiên xử sơ thẩm, được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất của chế độ.

Và nhiều tin quan trọng khác

===== 22/02 =====

Cộng sản Việt Nam chối bỏ việc giam giữ tù nhân lương tâm

Trong một văn bản gửi tới nhiều cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam một lần nữa chối bỏ việc giam giữ tù nhân lương tâm và nói chỉ giam cầm những người vi phạm luật pháp của chế độ.

Trong văn bản được gửi tới Liên Hiệp quốc ngày 04/02 vừa qua phản hồi về chất vấn của nhiều báo cáo viên của Liên Hiệp quốc, Phái đoàn ngoại giao của cộng sản Việt Nam ở Geneva nói rằng việc bắt giữ nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và 4 người hoạt động nhân quyền ở Dương Nội là hợp pháp và tuân thủ luật pháp Việt Nam. Hà Nội nói việc bắt giữ họ không liên quan đến hoạt động nhân quyền hay thực hiện quyền công dân của 5 nhà hoạt động mà vì các hoạt động phạm pháp mang tính tuyên truyền chống nhà nước của họ.

Cộng sản Việt Nam cũng nói thông cáo chung ngày 10/11/2020 của nhóm báo cáo viên độc lập thuộc Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc về việc bắt giữ Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, và Nguyễn Thị Tâm là không chính xác, chủ yếu dựa vào những nguồn tin không được kiểm chứng, và không phản ánh bản chất của sự việc.

Phản hồi vừa qua của Hà Nội không có gì mới so với các phản hồi trước đó về việc bắt giữ hàng trăm nhà hoạt động trong nhiều năm gần đây khi cộng sản Việt Nam không thừa nhận việc bắt giữ độc đoán và tiến hành các phiên toà xử họ một cách thiếu công bằng theo chuẩn mực quốc tế cũng như giam giữ họ trong điều kiện vô nhân đạo.

Mặc dù đã ký nhiều công ước quốc tế về nhân quyền nhưng cộng sản Việt Nam không bao giờ thực hiện các cam kết quốc tế này. Theo nhiều tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước, cộng sản Việt Nam hiện giam giữ hơn 250 tù nhân lương tâm. Cộng sản Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trên thế giới bị tố cáo có nhiều vụ bắt giữ độc đoán nhất hàng năm.

https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadFile?gId=35948

https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-tra-loi-lhq/

===== 23/02 =====

Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm vào đầu tháng 3

Toà án cộng sản tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm vào ngày 08 đến 10/3 theo kháng cáo của 6 người dân Đồng Tâm, những người bị kết án với những bản án nặng nề trong phiên sơ thẩm trong tháng 9 năm ngoái.  Những người kháng cáo là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức- hai con trai của cụ Lê Đình Kình, người bị công an cộng sản bắn chết tại phòng ngủ trong cuộc tấn công của khoảng 3,000 cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm sáng sớm ngày 09/01/2020; ông Lê Đình Doanh- cháu nội của cụ Kình, ông Bùi Viết Hiểu, bà Bùi Thị Nối- con nuôi của cụ Kình, và ông Nguyễn Quốc Tiến.

Hai ông Công và Chức bị kết án tử hình, ông Doanh bị án chung thân vì bị kết tội giết chết 3 sỹ quan công an trong khi những người còn lại bị mức án từ 6 năm tù đến 16 năm tù. Hiện mới có một số luật sư nhận được thông báo về phiên phúc thẩm trong khi các luật sư còn lại và gia đình những người kháng cáo chưa nhận được thông tin gì từ toà án.

Theo một số người hoạt động nhân quyền thì rất ít có khả năng những người kháng cáo sẽ nhận được bản án nhẹ hơn khi những nhân vật chịu trách nhiệm chính về vụ tấn công vào xã Đồng Tâm, trong khi tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và bộ trưởng công an Tô Lâm vẫn tại vị trong khi chánh án toà án cộng sản tối cao Nguyễn Hoà Bình được thăng tiến vào bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam.

Trong phản hồi về vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động nhân quyền liên quan đến việc đưa tin về thảm sát Đồng Tâm Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư gửi Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đầu tháng này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định người dân Đồng Tâm chịu trách nhiệm chính về vụ xô xát này cũng như cái chết của 3 công an cho dù có nhiều tình tiết vô lý và thiếu minh bạch về các cái chết này.

===== 24/02 =====

Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam điều tra việc tin tặc tấn công giới bất đồng chính kiến

Ân xá Quốc tế nghi ngờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đứng sau nhóm tin tặc Ocean Lotus trong việc tấn công giới bất đồng chính kiến và người hoạt động ở Việt Nam, yêu cầu Hà Nội thực hiện một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này.

Trong báo cáo điều tra công bố ngày 24/2, Ân xá Quốc tế cho rằng Ocean Lotus thực hiện chiến dịch tấn công kéo dài bằng phần mềm gián điệp nhắm vào người hoạt động ở Việt Nam. Phòng thí nghiệm về Bảo mật Công nghệ của tổ chức này tìm thấy bằng chứng về những nỗ lực tấn công qua email lừa đảo được gửi đến Bùi Thanh Hiếu (tức blogger Người buôn gió) và VOICE, một tổ chức nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Philippines.

Ocean Lotus (còn được gọi là APT-C-00 và APT32) từng bị nhiều công ty an ninh mạng quốc tế quy trách nhiệm cho nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích từ ít nhất là năm 2013, nhắm vào nhiều lĩnh vực khác nhau, tới nhiều cơ quan chính phủ của một số quốc gia láng giềng của Việt Nam, và một số người hoạt động và tổ chức xã hội dân sự.

Theo Ân xá Quốc tế, nhóm tin tặc Việt Nam đã phát triển nhiều khả năng tấn công phức tạp, bao gồm một số biến thể của phần mềm gián điệp Mac OS, Android và Windows.

Likhita Banerji, một nhà nghiên cứu của Ân xá Quốc tế, nói các cuộc tấn công mới nhất này của Ocean Lotus nêu bật tình trạng đàn áp mà người hoạt động Việt Nam trong và ngoài nước đang phải đối mặt khi đứng lên đấu tranh cho nhân quyền. Việc theo dõi bất hợp pháp này vi phạm quyền riêng tư và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.

Bà nói nếu cộng sản Việt Nam từ chối điều tra thì quốc tế càng nghi ngờ rằng chế độ cộng sản đồng lõa trong các vụ tấn công của Ocean Lotus.

===== 25/02 =====

Dân biểu Chris Hayes lên tiếng trước Quốc hội Liên bang Úc về tù nhân lương tâm Châu Văn Khảm 

Vào thứ Năm ngày 25/02, Dân biểu Chris Hayes của Quốc hội Liên bang Úc đã có bài phát biểu trước quốc hội về trường hợp công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm hiện đang bị cầm tù tại Việt Nam. Ông nói rằng ông Khảm đang bị đày đoạ trong một trại giam ở Việt Nam và chính phủ Úc cần hành động để đưa ông về với gia đình.

Dân biểu Hayes nói tù nhân lương tâm Khảm không được thăm viếng lãnh sự kể từ tháng 10 năm ngoái do các biện pháp hạn chế lây lan dịch Covid-19 áp dụng bởi nhà cầm quyền cộng sản. Ông cũng dẫn nguồn tin từ cựu tù nhân chính trị Michael Minh Phương Nguyễn rằng ông Khảm không được cung cấp thức ăn và nước uống hợp vệ sinh cũng như chăm sóc y tế trong khi bị buộc phải lao động khổ sai ở tuổi 71.

Ông Phương, một công dân Hoa Kỳ, cũng bị cộng sản Việt Nam kết án 12 năm tù giam về tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm chống chế độ cộng sản” nhưng ông được trả tự do vào cuối tháng 10 năm ngoái do có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông Hayes nói ông Khảm có thể được trả tự do nếu Chính phủ Úc hành động mạnh mẽ hơn.

Ông Hayes đã hai lần viết thư cho Ngoại trưởng Úc để kêu gọi Bộ Ngoại giao Úc can thiệp cho ông Khảm, người bị bắt đầu năm 2019 tại Sài Gòn khi ông sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam và gặp gỡ với hai thành viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ. Ông Khảm bị kết án 12 năm tù trong khi hai người này cũng bị kết án 10 và 11 năm về tội danh nguỵ tạo “khủng bố.”

Ông Khảm là thành viên của tổ chức Việt Tân, một tổ chức đấu tranh ôn hoà cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam nhưng bị cộng sản Hà Nội coi là tổ chức khủng bố.

——————–

Cộng sản Việt Nam khẳng định vụ Trịnh Xuân Thanh là công khai, đúng luật

Phát ngôn nhân của bộ ngoại giao cộng sản Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi họp báo trực tuyến thường kỳ trong chiều 25/02 rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí xin tị nạn tại Đức, đã được xử công khai theo đúng pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Hằng không nói gì về cáo buộc an ninh cộng sản Việt Nam bắt cóc ông Thanh ở Đức khi có nhà báo yêu cầu bình luận về việc truyền thông Slovakia và Đức loan tin 12 sỹ quan an ninh Việt Nam tham gia bắt cóc ông Thanh tại Đức đã được tuyên dương.

Trước đó hai ngày, Đài Phát thanh & Truyền hình Nhà nước Slovakia phát chương trình đề cập đến việc 12 sỹ quan an ninh Việt Nam được chế độ tuyên dương, khen thưởng vào năm 2020 do hoàn thành nhiệm vụ bắt cóc ông Thanh. Ngày 24/02, nhật báo Đức Taz cũng loan tin vụ bắt cóc ông Thanh ở Berlin rồi đưa về Hà Nội qua ngả Slovakia được mã hoá là VT17.

Ông Thanh trốn sang Đức và trong khi đang xin qui chế tỵ nạn thì bị an ninh cộng sản Việt Nam sang Berlin bắt cóc đưa về Hà Nội vào cuối tháng 7 năm 2017. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói ông Thanh tự về Việt Nam để đầu thú. Nhiều nguồn tin cho hay ông Thanh được đưa vào trong phái đoàn của bộ công an Việt Nam khi đoàn này kết thúc chuyến thăm Slovakia và được Bộ Nội vụ nước này cho mượn chuyên cơ để đi từ Bratislava sang Nga.

Ông Thanh đã bị kết án chung thân về tội “tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội). Ông còn bị cáo buộc vi phạm luật pháp trong nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng khác.

——————–

VIETTEL bị cáo buộc tiếp tay cho quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền

Tổ chức Justice for Myanmar công bố kết luận trong một phóng sự điều tra,  cáo buộc Công ty viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel) đồng lõa với những vi phạm nhân quyền tàn bạo tại Myanmar qua việc đầu tư vào doanh nghiệp của quân đội nước này. Viettel là cổ đông lớn nhất với 49% cổ phần trong công ty viễn thông Mytel của quân đội Myanmar.

Justice for Myanmar nói rằng người dân Myanmar đang phải đối mặt với nhiều mối nguy  nghiêm trọng từ hoạt động kinh doanh của Viettel với quân đội Myanmar. Việc hợp tác giữa Viettel và Mytel mang lại nguồn thu nhập quan trọng, khả năng tiếp cận công nghệ, vũ khí nước ngoài và một bộ máy giám sát mở rộng mà quân đội Myanmar có thể áp dụng đối với người dân.

Nhiều tổ chức nhân quyền và giới đấu tranh kêu gọi tẩy chay quân đội Myanmar cùng những nguồn tài chính của họ – trong đó có Viettel, doanh nghiệp viễn thông của bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam.

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), báo cáo của Justice for Myanmar được công bố từ cuối năm ngoái nhưng sự việc được nhắc lại vì có nhiều lời kêu gọi cộng dồng quốc tế trừng phạt hoặc cấm vận chính quyền quân phiệt Myanmar sau khi quân đội Myanmar tổ chức đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) và bà Aung San Suu Kyi.

Trong khi đó, nhà cầm quyền quân sự Myanmar tiếp tục gia tăng đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính quân sự. Cảnh sát đã nổ súng bắn chết ba người và gây thương thích cho 40 người bên cạnh việc bắt giữ hàng trăm người biểu tình  phản đối việc quân đội lật đổ chính quyền dân sự.

Viettel bắt đầu đầu tư vào Mytel từ giữa năm 2018 và chỉ trong hai năm Mytel đã trở thành một trong hai nhà mạng lớn nhất của Myanmar với hơn 10 triệu thuê bao.

===== 26/02 =====

Công an Hà Nội gia hạn tạm giam nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm thêm 4 tháng

Công an cộng sản thành phố Hà Nội đã quyết định gia hạn thời gian tạm giam nhà hoạt động nhân quyền và quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm thêm 4 tháng để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Tâm, cựu tù nhân lương tâm, bị bắt ngày 24.06.2020 vì đấu tranh chống lại việc nhà cầm quyền Hà Nội thu hồi đất của gia đình bà và bà con xã Dương Nội, và các hoạt động hỗ trợ người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, những nạn nhân của việc cướp đất nông nghiệp để trao cho tập đoàn viễn thông Viettel của nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội. Bị bắt với bà trong cùng ngày với cùng cáo buộc là một cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và hai con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Cả 4 đều bị biệt giam kể từ khi bị bắt đến nay, không được gặp luật sư và người thân.

Cả 4 nhà hoạt động nhân quyền này phải đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm tù giam, thậm chí 20 năm nếu bị kết tội.

Việc gia hạn điều tra cho thấy phía công an cộng sản chưa tìm đủ lý do để kết tội mà Tâm, người từng bị giam 18 tháng tù vì cáo buộc nguỵ tạo “chống người thi hành công vụ” trong quá trình phản đối việc cướp đất của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ở xã Dương Nội, nơi gia đình bà sinh sống

Trong văn bản phản hồi đầu tháng này về việc bắt giữ 4 nhà hoạt động nhân quyền ở Dương Nội cùng Phạm Đoan Trang gửi Liên Hiệp quốc đầu tháng này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói họ bị bắt bởi các hoạt động chống phá chế độ chứ không phải vì các hoạt động nhân quyền.

===== 27/02 =====

Nhiều Facebooker bị khoá tài khoản sau khi đưa tin xe hơi Vinfast gãy càng, văng bánh

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin một số Facebooker ở Việt Nam bị khoá tài khoản sau khi đưa tin nhiều xe hơi của hãng Vinfast gặp sự cố trên đường như gãy càng và văng bánh.

Một Facebooker giấu tên ở Sài Gòn nói tài khoản của cô bị khoá 30 ngày chỉ vì cô đưa tin có ít nhất 4 xe hơi của Vinfast bị sự cố trong vài tuần gần đây khi đang tham gia giao thông mà không bị tai nạn nghiêm trọng nào vì vỏ xe không có dấu hiệu của va đập mạnh. Bên cạnh việc chỉ trích Vinfast không điều tra sự cố và công bố nguyên nhân cùng giải pháp khắc phục, cô còn phê phán những người bảo vệ Vinfast một cách mù quáng. Trước khi tài khoản bị phá, Facebooker này bị tấn công bởi nhiều Facebooker khác mà phần đông là nhân viên của Vinfast và những người được coi là “dư luận viên” của hãng này.

Nhiều Facebooker cũng phàn nàn các bài viết và hình ảnh của họ ở Facebook về sự cố của xe Vinfast bị xoá.

Các nạn nhân cho rằng họ đã bị nhân viên của Vinfast và người ủng hộ công ty này báo cáo lên Facebook cho dù tin tức về sự cố hoàn toàn đúng sự thực.

Vinfast là hãng xe của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng. Hãng này mua máy và các chi tiết xe hơi từ Đức, Trung Cộng và nhiều nước khác và đem về lắp ráp ở nhà máy của mình ở Hải Phòng. Tuy phẩm cấp của xe hơi do Vinfast còn chưa được kiểm nghiệm an toàn quốc tế nhưng xe được bán với giá khá cao ở Việt Nam. Vinfast có tham vọng xuất cảng sản phẩm của mình sang Hoa Kỳ.

Nhiều viên chức cao cấp của chế độ cộng sản Việt Nam, trong đó có thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hô hào dân chúng ủng hộ xe hơi Vinfast, coi đây là xe hơi đầu tiên của Việt Nam trong khi nhiều chuyên gia kỹ thuật cho rằng đây là một sản phẩm hổ lốn và có độ an toàn không cao.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây