Tại sao làm nhục ca sĩ Mai Khôi?

Mai Khôi, cô ca sỹ xuống đường biểu tình vì sự công bằng xã hội (#blacklivesmatter). Điều này khiến nhiều nhân vật ở Việt Nam lợi dụng để chửi xéo, phỉ báng và làm nhục ca sĩ Mai Khôi. Lý do sâu xa bởi vì nữ ca sĩ này không thích Tổng thống Donald Trump.
Thiếu Sinh, Việt Nam Thời báo, ngày 04/6/2020

 

Vào ngày 3 tháng 6, Facebooker Chiêu Anh Nguyễn cho biết: mấy đứa việt nam đang đi biểu tình chống kỳ thị gì đấy ở Mỹ làm ơn vác xác về đây biểu tình chống độc tài, chống tham nhũng, chống giết người trong đồn công an giùm tao.

Sự “thách đố” nhanh chóng được các Facebooker khác trả lời.
Facebooker Hoa Kim Ngo: ca sĩ Mai Khôi đó ạ, ở VN những vụ xuống đường chả thấy mặt nàng.
Facebooker Võ Thành Huy: mai khôi đó chắc là fan cứng của thắng diễn viên đóng phim sex kia nên phải biểu tình đòi công bằng rồi.
Facebooker Tịnh Văn Võ: con MK à? Đi hôi của đấy, biểu tình gì đâu?
Trong sự kích động, phỉ báng, vu khống quá mức về phẩm giá và danh dự của người khác. Những người phản đối ca sĩ Mai Khôi xuống đường để quên đi một giá trị rất đơn giản của nhân quyền: đấu tranh cho công lý và bình đẳng xã hội.
Một người đàn ông da đen có quá khứ tù tội không thể bị coi là đáng chết, hoặc cái chết của anh ta dưới ghè chân cảnh sát là hoàn toàn… hợp lý. Bằng cách chấp nhận những hành động của cảnh sát như vậy, chúng ta đã thừa nhận rằng cuộc sống của một người từng có tiền án, tiền sự là… rác rưởi.
Một góc nhìn thiếu khoan dung và một biểu hiện của sự bạo tàn. Bởi khi coi một người vào tù ra tội xứng đáng với cái chết, và những người đòi hỏi quyền sống công bằng của người da đen là dối trá. Chúng ta đã bỏ qua toàn bộ giá trị nhà nước hiện đại như luật pháp, toà án, công bằng xã hội qua một bên, và hành xử như những con người thời mông muội.
“Xử tử một người bởi đám đông bạo hành mà không cần xét xử và bạo hành trong đêm.”
Ca sĩ Mai Khôi đồng hành cùng những người bạn Mỹ, đấu tranh cho quyền công bằng màu da của xã hội Mỹ, một vấn đề vẫn còn gây nhức nhối trong xã hội Mỹ. Điều này cũng phải thôi, dù Tu chánh án thứ Mười ba của Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1865, tất cả nô lệ da đen được tự do.
Nhưng đến tận thập niên 50-60 (thế kỷ 20) quyền dân sự chính trị của người da đen vẫn chưa được đảm bảo, nạn kỳ thị nhằm vào màu da vẫn còn tồn tại và Luật sư Martin Luther King đã bị ám sát vì đấu tranh đòi bình đẳng đó. Nhắc lại điều đó để thấy rằng, đòi hỏi công bằng xã hội tại Mỹ là một tiến trình lâu dài mà những người yêu chuộng quyền tự do, nhân phẩm con người luôn mong muốn thực hiện.
Ca sĩ Mai Khôi nằm trong số những con người yêu chuộng giá trị công bằng đó, và Mai Khôi đang thực hiện quyền lập hiến của Mỹ dưới hình thức ôn hoà.
Tại sao chúng ta lên án một hành động hợp pháp được bảo vệ bởi luật pháp Mỹ?
Nhiều người thậm chí còn đi xa đến mức đề nghị Mai Khôi nên trở về Việt Nam để phản đối và quan tâm đến tình hình ở Việt Nam hơn là Mỹ. Đó là một lối suy nghĩ nghịch lý, một suy nghĩ cứng nhắc, chỉ để ngăn chặn quyền của ca sĩ Mai Khôi.
Hãy nhớ rằng các quyền phổ quát không chỉ giới hạn ở một quốc gia, bất cứ nơi nào trên thế giới còn tồn tại sự bất công, thì quyền còn được thực thi.
Những người tố cáo, chửi rủa, làm nhục nữ ca sĩ Mai Khôi tự đặt mình vào hàng ngũ những người cực đoan và cuồng tín cá nhân. Họ không biết rằng ca sĩ Mai Khôi vẫn tuyên bố và đấu tranh cho quyền con người ở Việt Nam dưới hình thức nghệ thuật (âm nhạc), tham gia các cuộc biểu tình trong môi trường biển sạch sau sự cố ở Formosa, đã bị Nhà nước Việt Nam quấy rối và giám sát chặt chẽ. Kể cả khi ca sĩ Mai Khôi không làm gì cho nhân quyền Việt Nam, cô cũng có quyền xuống đường ở Mỹ, nơi cô hiện đang sống và làm việc.
Làn sóng tấn công ca sĩ Mai Khôi thực chất là một cuộc tấn công vào giá trị nhân quyền mà ca sĩ Mai Khôi thể hiện. Không thể lợi dụng tình trạng cướp bóc, hôi của của một nhóm người A sau cái chết của nạn nhân George Floyd để ngăn cản quyền được biểu tình ôn hoà của một nhóm người khác được.
Chúng ta sẽ không thể xây dựng một xã hội pháp quyền, dân quyền. Càng không thử tiếp cận được giá trị công bằng, tự do, dân chủ, văn minh và đạo đức khi chúng ta vẫn tồn tại suy nghĩ đi ngược lại các giá trị của các quyền trên. Điều này làm xói mòn tính đa chiều trong chúng ta, làm suy yếu sự nhân văn trong chúng ta, biến chúng ta thành những kẻ cực đoan vô hạn.
Dù cho cay đắng nhưng phải thừa nhận, Việt Nam không thể tốt hơn trong tương lai khi được xây dựng bởi những người không tôn trọng chuẩn mực về quyền, và tảng lờ (igrone) trước những quan điểm phỉ báng, làm nhục danh dự và nhân phẩm của người khác.