Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 18 từ ngày 27/4 đến 03/5/2020: Việt Nam tăng cường đàn áp trực tuyến, bỏ tù hai Facebooker

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 03/5/2020

 

Cùng với việc bắt giữ nhiều blogger vì chỉ trích chế độ hoặc áp dụng hình phạt tài chính nặng nề đối với hàng trăm Facebooker chỉ vì đưa thông tin về đại dịch coronavirus, chế độ cộng sản Việt Nam đã tăng cường kết án một số nhà hoạt động khác. Trong tuần, chế độ đã kết tội hai Facebooker và kết án họ từ 18 tháng đến 5 năm tù vì các hoạt động trực tuyến của họ.

Vào ngày 27/4, Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã kết án ông Chung Hoàng Chương 18 tháng tù giam vì tội danh “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì các bài đăng trên tài khoản Facebook Chương May Mắn. Ông bị kết án chủ yếu là vì bài đăng của ông về vụ tấn công tàn bạo của cảnh sát ở xã Đồng Tâm vào ngày 9/1, trong đó chế độ cộng sản của Việt Nam đã sử dụng hàng ngàn cảnh sát chống bạo động để giết thủ lĩnh tinh thần 84 tuổi Lê Đình Kình và bắt giữ khoảng 30 người dân oan khác trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua.

Một ngày sau đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án Facebooker Phan Công Hải về cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông Hải, người đã lên tiếng chống lại vi phạm nhân quyền và sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông, đã bị kết án năm năm tù và ba năm quản chế. Ông được cho là đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với lãnh đạo chế độ, trong đó có cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra chế độ.

Hai tổ chức quốc tế Viện Nhân quyền (Human Rights Institute) thuộc Hiệp hội Luật sư Quốc tế (International Bar Association (IBA) có trụ sở tại Luân Đôn và Hiệp hội Luật sư Geneva (Geneva Bar Association) đã cùng ra thông cáo báo chí để lên án nhà cầm quyền Việt Nam vì đã quấy rối nhà hoạt động trẻ Trương Thị Hà khi cô trở về Việt Nam vào cuối tháng 3. Theo đó, cảnh sát tịch thu hộ chiếu, điện thoại di động, nhật ký và nhiều vật dụng nhân sự khác của cô và giữ cô trong một cơ sở kiểm dịch cách ly với bên ngoài trong 14 ngày là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc nhân quyền quốc tế.

Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ tổ chức xem xét ba ngày về vụ án Hồ Duy Hải, người đã bị kết án tử hình hơn mười năm trước trong một vụ án giết người mà công an tỉnh Long An đã phạm nhiều sai phạm trong quá trình điều tra vụ sát hại hai nữ nhân viên bưu điện vào năm 2008. Trong hơn mười năm qua, Hải và gia đình đã tuyên bố rằng anh bị oan và gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan nhà nước khác nhau để yêu cầu điều tra lại.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) và 73 tổ chức nhân quyền và tổ chức chuyên nghiệp quốc tế khác đã ra tuyên bố chung kêu gọi Việt Nam và một số quốc gia khác trả tự do cho các nhà báo bị giam cầm chỉ vì các bài viết của mình. Năm 2019, CPJ báo cáo rằng Việt Nam đang cầm tù 12 nhà báo, trong đó có nhà báo nổi tiếng Phạm Chí Dũng, blogger Trương Duy Nhất, và nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa.

===== 27/4 =====

Facebooker Chương May Mắn bị kết án 18 tháng tù vì đăng tin về Đồng Tâm

Nhà cầm quyền cộng sản quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã kết án 18 tháng tù đối với ông Chung Hoàng Chương, người bị cáo buộc đưa tin xuyên tạc về vụ Đồng Tâm, một vụ tấn công của hàng nghìn cảnh sát vào một xã ở thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 1 năm nay.

Ông Chương, người bị bắt ngày 11/1, bị kết án về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật hình sự, chỉ vì đưa tin về vụ công an Việt Nam tấn công tư gia của gia đình cụ Lê Đình Kình và sát hại cụ ngay tại phòng ngủ.

Ngoài ra, ông còn bị cho là đã chia sẻ nhiều thông tin trên tài khoản` Facebook cá nhân Chương May Mắn có nội dung nói xấu chế độ cộng sản.

Vợ ông, bà Nguyễn Thảo Nguyên cho biết ông Chương bị ép không được thuê luật sư và tự mình bào chữa trong phiên toà. Bản thân bà chỉ được nhà cầm quyền địa phương báo về phiên toà chỉ 20 phút trước khi toà bắt đầu.

Ông Chương là 1 trong 8 người hoạt động bị bắt giữ từ đầu năm đến nay, và là người đầu tiên bị kết án trong khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến và Facebooker.

Hàng trăm Facebooker đã bị triệu tập, thẩm vấn, buộc xoá bài viết và bị áp dụng mức phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng vì đăng tải hoặc chia sẻ bài viết có nội dung bị cho là sai sự thật hoặc nói xấu chế độ.

Trong khi đó, Hà Nội hiện giam giữ gần 30 người dân Đồng Tâm, cáo buộc họ tội giết người hoặc chống người thi hành công vụ. Trong vụ tấn công vào Đồng Tâm, 3 sỹ quan cảnh sát bị tử vong vì lý do rất mơ hồ.

——————–

Tử tù Hồ Duy Hải sẽ được xử giám đốc thẩm trong tuần tới

Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao sẽ tổ chức phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án của tử tù Hồ Duy Hảitrong 3 ngày từ ngày 06/5, người bị cho là thủ phạm giết 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, nhà cầm quyền tỉnh Long An bắt giữ Hồ Duy Hải và sau đó tuyên án tử hình anh với tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm.

Hơn 12 năm qua, tử tù Hồ Duy Hải và gia đình kiên trì kêu oan ở các cấp tỉnh và trung ương. Ủy ban Tư pháp của quốc hội cộng sản từng kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng.

Năm 2014, toà án cộng sản tỉnh Long An dự tính sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải, tuy nhiên, văn phòng chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ lại vụ án này.

Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Viện kiểm sát tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.

Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam huỷ bản án và đề nghị tái xét xử công bằng cho Hồ Duy Hải.

Hồ Duy Hải là một trong rất nhiều trường hợp trong đó người bị kết tội kêu oan và là nạn nhân của lực lượng công an vốn được cho quá nhiều quyền lực. Nhiều tử tù sau đó được giải oan khi thủ phạm thực sự ra đầu thú.

===== 28/4 =====

Cộng sản Việt Nam bỏ tù Facebooker thứ 2 vì “xúc phạm lãnh tụ”

Ngày 28/4, toà án cộng sản tỉnh Nghệ An đã kết án Facebooker Phan Công Hải về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự vì nhiều bài viết trên trang cá nhân có nội dung “xuyên tạc chế độ” và “xúc phạm lãnh tụ.”

Theo báo chí nhà nước cộng sản, Phan Công Hải, 24 tuổi, bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế vì sử dụng nhiều tài khoản Facebook để đăng tải nhiều bài viết có nội dung “xuyên tạc, bịa đặt, phỉ báng chế độ.”

Cuối năm 2018, trang Facebook “Hung Manh” được cho là của Phan Công Hải có đăng bức hình một thanh niên giơ chân đạp vào Hồ Chí Minh trong một bức tranh. Công an huyện Yên Thành điều tra và Phan Công Hải buộc phải lánh nạn sang Thái Lan.

Tháng Tư năm ngoái, công an Nghệ An ra lệnh truy nã Phan Công Hải và bắt được anh vào cuối tháng 11 khi Hải trở về Việt Nam.

Phan Công Hải là Facebooker thứ 2 bị kết tội từ đầu năm  nay. Người thứ 1 là Chung Hoàng Chương (Facebooker Chương May Mắn) bị toà án cộng sản quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ kết án 18 tháng tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì đưa tin về vụ khủng bố Đồng Tâm của công an Việt Nam trong đầu tháng 1 năm nay.

Kể từ khi áp dụng Luật An ninh mạng đầu năm 2019, cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp trực tuyến. Có hơn 20 Facebooker đã bị kết án vì các bài viết của họ trên mạng xã hội.

===== 29 =====

74 tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi cộng sản Việt Nam phóng thích 12 nhà báo

Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (The Committee to Protect Journalist- CPJ) và 73 tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế khác đãký vào một thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phóng thích 12 nhà báo đang bị cầm tù vì lo ngại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong xà lim.

Theo thư ngỏ đề ngày 27/4, các nhà báo đang bị cầm tù đối mặt với sự nguy hiểm có thể gây ra bởi đại dịch Covid-19 vì họ không thể cách ly và thường bị từ chối được chăm sóc sức khoẻ.

Theo CPJ, nhiều nhà báo đang bị giam giữ vẫn chưa được xét xử trong khi điều kiện sức khoẻ của họ ngày càng xấu đi do điều kiện giam giữ hà khắc.

Thư ngỏ cho biết CPJ đang thực hiện chiến dịch mang tên Free The Press gửi kiến nghị và thư ngỏ cho lãnh đạo các quốc gia để kêu gọi trả tự do cho các nhà báo. Tại Việt Nam, thư được gửi đến chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thúc giục nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội trả tự do cho 12 nhà báo đang bị cầm tù, trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng, blogger Trương Duy Nhất và nhà báo công dân Nguyễn Văn Hoá.

Bức thư cũng được gửi đến lãnh đạo nhiều nước Châu Á bao gồm Campuchia, Trung Cộng, Ấn Độ, Myanmar, Philippines và Pakistan.

Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều nhà báo, chỉ đứng sau Trung Cộng ở Châu Á.

Trong tháng Tư, Cao uỷ Liên Hợp quốc về Nhân quyền kêu gọi các quốc gia phóng thích tù nhân lương tâm. Nhiều tổ chức quốc tế và quốc nội cũng kêu gọi Hà Nội trả tự do cho người hoạt động và nhà báo trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành khắp Việt Nam và trên thế giới.

===== 30/4 =====

Nhiều tổ chức XHDS độc lập ra thông cáo lên án Trung Cộng bành trướng ở Biển Đông

Nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập và hàng trăm cá nhân đã ký vào Tuyên bố Biển Đông Tháng Tư năm 2020 với nội dung lên án sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông và yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có phản ứng tương thích.

Bản tuyên bố được khởi xướng bởi một nhóm người hoạt động dân sự và có sự đóng góp của nhiều cá nhân và tổ chức độc lập ở trong và ngoài nước. Sau một tuần công bố, đã có gần 10 tổ chức và hơn 200 người ký tên.

Tuyên bố Biển Đông tháng Tư 2020 ra đời trong bối cảnh Trung Cộng tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, yêu cầu cộng sản Việt Nam phải rút quân và khí tài ra khỏi Trường Sa cũng như đe doạ sử dụng vũ lực để kiểm soát quần đảo này. Trong khi đó, Việt Nam đã gởi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc ngày 30/3 để phản đối các yêu sách vô lý của Trung Cộng ở Biển Đông, yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sao diễn cho tất cả các nước thành viên.

Đây là bản tuyên bố lần thứ 7 về Biển Đông của xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam. Điểm đặc biệt của Tuyên bố Biển Đông lần này là bác bỏ tính chính danh của công thư do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958. Theo đó, công thư này không có tác dụng vì theo Hiệp định Paris thì cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không thể có ý kiến gì về hai quần đảo này.

Bản tuyên bố cũng khẳng định việc cộng sản Việt Nam đàn áp người biểu tình chống Trung Cộng là vô lý. Thêm nữa, Việt Nam cần dân chủ hoá để tăng cường nội lực đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

===== 01/5 =====

Hai tổ chức luật sư quốc tế chỉ trích Việt Nam tịch thu hộ chiếu của nhà hoạt động trẻ Trương Thị Hà

Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA) và Hội đồng luật sư Geneva (GBA) vừa lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam lợi dụng những biện pháp cách ly dịch bệnh Covid-19 để thẩm vấn và tịch thu sổ thông hành cùng tài sản của nữ hoạt động trẻ tuổi Trương Thị Hà.

Thông cáo chung nói rằng việc Việt Nam cách ly cô Hà và không cho cô liên lạc với bất kỳ ai bên ngoài khu vực cách ly là lạm dụng quyền lực và vi phạm quyền cơ bản của con người. Thông cáo cũng nói việc tịch thu giấy tờ cá nhân và điện thoại di động của cô Hà, là hành động cố ý xâm phạm Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.

Cô Hà là một nhà hoạt động trẻ ở Sài Gòn. Cô từng tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ngày 10/6/2018, bị thẩm vấn và hạch sách bởi lực lượng an ninh.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, trong hai năm qua, cô tham dự nhiều sự kiện nhân quyền tổ chức ở Geneva và một số khoá học ngắn hạn về luật và nhân quyền ở Thuỵ Sỹ, Thái Lan và Philippines.

Cuối tháng Ba, cô trở về Việt Nam và bị đưa đi cách ly. Công an đã thẩm vấn và tịch thu hộ sổ thông hành cùng nhiều tài sản cá nhân mà không trả lại cho cô khi cô trở về nhà sau thời gian cách ly.

Cô Hà là một trong hàng trăm nhà hoạt động bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không cấp hoặc tịch thu sổ thông hành hay bị cấm không cho xuất cảnh.

==================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây