Đồng Tâm: ‘Thú tội trên truyền hình’ là ‘ép cung’, ‘vi phạm pháp luật’?

Ông Lê Đình Công xuất hiện thú tội trên truyền hình VN sau vụ cảnh sát vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1. Vụ việc khiến 3 cảnh sát và ông Lê Đình Kình, bố ông Công, thiệt mạngBản quyền hình ảnhANH CHUP MAN HINH
Image captionÔng Lê Đình Công xuất hiện thú tội trên truyền hình Việt Nam sau vụ cảnh sát vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1. Vụ việc khiến 3 cảnh sát và ông Lê Đình Kình, bố ông Công, thiệt mạng

 

BBC, ngày 16/01/2020

 

Ý kiến rằng, thú tội trên truyền hình, như trong vụ Đồng Tâm mới đây, là một hình thức ép cung, và người ép cung có thể bị phạt tù.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với BBC News Tiếng Việt hôm 15/1 rằng, chính quyền Việt Nam có thể đã học từ Trung Quốc hình thức thú tội trên truyền hình và thời gian gần đây đã sử dụng chiêu thức này ngày càng nhiều hơn.

Hiện Tổ chức Defend the Defenders (DTD) đang hợp tác với Tổ chức Safeguard (SD) để thực hiện một nghiên cứu về việc ‘thú tội trên truyền hình’ tại Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Ngữ nói với BBC News Tiếng Việt:

“Báo cáo này là sự hợp tác giữa DTD và SD, bắt nguồn từ ý tưởng của SD, vì tổ chức này từng làm một báo cáo tương tự về ‘thú tội trên truyền hình’ ở Trung Quốc. SD muốn DTD cộng tác và chúng tôi thấy có lợi cho phong trào dân chủ và nhân quyền nên nhận lời ngay.”

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, “hiện tượng buộc thú tội rồi quay video để đưa lên truyền hình” đã được chính quyền Việt Nam thực hiện “từ những năm đầu thế kỷ 21”.

“Hai trường hợp đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được là luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân (năm 2007).”

“Chúng tôi không có dữ liệu về những trường hợp khác sớm hơn nếu có. Trong thời gian gần đây, có vẻ chế độ cộng sản áp dụng chiêu trò này thường xuyên hơn. Và như chúng ta đã thấy, vụ mới nhất là vào ngày 13/1/2020, bốn công dân làng Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã bị đưa lên truyền hình để thú tội.”

“Việc áp dụng hình thức này nhằm mục đích tuyên truyền với dân trong nước và cộng đồng quốc tế, với mục tiêu nói với cộng đồng quốc tế cũng như trong nước rằng, nhân quyền Việt Nam rất tốt, Việt Nam không giam giữ tù nhân lương tâm mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật.

“Chúng tôi không có dữ liệu về Bắc Hàn và Cuba, nhưng báo cáo trước đây của SD thì nói khá rõ tình trạng này ở Trung Quốc, với quy mô lớn hơn và chiêu thức tinh vi hơn nhiều so với Việt Nam. Có lẽ, lực lượng an ninh ở Việt Nam đã học được những chiêu trò này từ Bắc Kinh,”

‘Bị cấm bởi luật pháp VN’

Ông Trịnh Xuân Thanh đã 'ra đầu thú' và có đơn 'tự thú' trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.Bản quyền hình ảnhOTHER
Image captionÔng Trịnh Xuân Thanh đã ‘ra đầu thú’ và có đơn ‘tự thú’ trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.

Theo phân tích của ông Vũ Quốc Ngữ, việc buộc thú tội trên truyền hình là một hình thức ép cung và bị cấm bởi luật pháp Việt Nam.

Ông Ngữ trích dẫn Điều 374 của Bộ luật Hình sự (2015): Tội bức cung. Theo đó, người phạm tội ép cung trong hoạt động tố tụng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

“Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự (năm 2015) cũng có một số điều khoản bảo vệ nghi phạm. Như Điều 13 nói về suy đoán vô tội.

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật,

“Hoặc Điều 60: Bị can có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội,” ông Ngữ cho hay.

‘Vi phạmcông ước nhân quyền’

Cũng theo ông Ngữ, ép ‘thú tội trên truyền hình’ vi phạm các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

“Thứ nhất, việc này vi phạm quyền được xét xử công bằng. Điều 11 của Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát viết rằng: “Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.”

“Việc ép buộc này thường đi kèm với việc bắt giữ độc đoán, tra tấn và biệt giam. Và đây những điều này vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền. Nhiều người đã bị buộc phải thú nhận những điều mà mình không làm để giữ mạng sống của mình, như trong nhiều vụ án nghiêm trọng, ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang,” ông Ngữ dẫn chứng.

‘Quốc tế cần biết đến sự vi phạm này’

Theo ông Vũ Quốc Ngữ, hình thức “thú tội trên truyền hình” có lợi ích trong ngắn hạn đối với chế độ cộng sản và là lá bài phục vụ mục đích tuyên truyền.

Tuy nhiên, việc này “có hại cho nạn nhân vì nó chính là một bản án không chính thức, ảnh hưởng đến quyết định của toà án sau này, thường là mang tính tiêu cực cho nạn nhân. Tiếp đến, nó sẽ đi theo suốt cuộc đời của họ.”

Chính vì vậy, ông Ngữ cho rằng cần chấm dứt hình thức ‘thú tội trên truyền hình’. Toàn dân và cộng đồng quốc tế cần biết rõ về bản chất vi phạm pháp luật của hình thức này.

“Báo cáo sắp công bố của chúng tôi về tình trạng ‘thú tội trên truyền hình’ ở Việt Nam sẽ cung cấp cho cộng đồng quốc tế tình trạng cụ thể hiện nay,” ông Ngữ nói với BBC News Tiếng Việt qua email.

Các ý kiến khác

Trong khi đó, tác giả Phạm Toàn viết trên Facebook cá nhân rằng, không được sử dụng các lời nhận tội trên truyền hình làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Ngoài Bộ Luật Hình sự, ông Toàn cũng viết rằng, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định rõ “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

“Điều này nói lên rằng: nếu “chưa được đưa ra xét xử tại tìa án và bị tòa tuyên là có tội” thì việc “nhận tội” của các công dân nói trên không có giá trị pháp lý. Vì rất có thể lời, nhận tội của công dân, bị can, bị cáo “không tương thích” với những chứng cứ khác của vụ án”, ông Toàn phân tích.

Luật sư Luân Lê cũng có ý kiến trên Facebook cá nhân rằng, việc thú tội trên truyền hình là không đúng nguyên tắc chứng minh và kết tội.

“Nó không đảm bảo là chứng cứ để sử dụng trong vụ án, thậm chí nó còn là chứng cứ chứng minh sự vi phạm của cơ quan tố tụng tại một giai đoạn tố tụng tiếp theo nào đó. Việc thú nhận tội trên truyền hình cũng làm cho bản chất vụ án bị hiểu sai đi, việc chứng minh bị làm cho thay đổi và việc kết tội trở nên là hiển nhiên (vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội).

“Mọi chứng cứ và việc chứng minh phải qua một quá trình tố tụng và chỉ được xem xét thẩm tra trực tiếp tại phiên toà chứ không phải là cảnh sát,” ông Luân Lê viết.

Một số vụ ‘thú tội trên truyền hình’ Việt Nam

Mới đây nhất, hôm 13/1/2020, ba người dân thôn Hoành, trong đó con và cháu ông Lê Đình Kình, người thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng cảnh sát tại Đồng Tâm đã lên truyền hình ‘thú tội’ sau biến cố cảnh sát đem quân vào làng Hoành hôm 9/1.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Đông – hung thủ vụ giết gia đình người em do tranh chất đất đai ở Đan Phượng, Hà Nội – cũng xuất hiện trên truyền hình, khai báo hành vi phạm tội với công an. Vụ việc này khi đó đã gây bất bình trong dư luận. Nhiều người cho rằng do công chúng phẫn nộ vì công an đã không làm gì để ngăn chặn vụ thảm sát nên tung ra video này như một cách hóa giải hình ảnh của họ trong mắt công chúng.

Năm 2018, Will Nguyễn – người Mỹ gốc Việt – cũng ‘thú tội trên truyền hình’ sau khi bị bắt trong thời điểm nổ ra cuộc biểu tình phản đối Formosa ở TP Hồ Chí Minh.

Năm 2017, ông Trịnh Xuân Thanh bỗng xuất hiện ‘thú tội’ trên truyền hình, liên quan tới vụ tham nhũng trong ngành dầu khí, sau khi có tin ông đang trốn ở Đức.

Năm 2007, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân thú tội trên truyền hình.