Cà phê cuối tuần ở Quan Chánh Bố: người lao động Trung Quốc tìm kiếm gì ở xứ Việt?

 Quan Chánh Bố là tên một kênh đào ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, được đào vào thời gian 1837 – 1838 để dẫn nước sông Hậu vào rửa mặn đồng lầy Láng Sắc. Công trình đào kênh do quan bố chánh Trần Trung Tiên phụ trách.

 

Minh Châu, Việt Nam Thời báo, ngày 03/11/2019

 

Cảng than của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

Ở miệt kênh Quan Chánh Bố mấy năm nay có rất đông người Trung Quốc, từ lao động cơ bắp đến ‘cổ cồn’ thương nhân. [Xem thêm ở *]

Họ tìm kiếm gì ở xứ này?

Cà phê buổi sớm với một vài viên chức xã Trường Long Hòa, họ thắc mắc rằng không hiểu mấy ông Trung Quốc (từ người địa phương là ‘mấy ông Ba Tàu’) nghĩ gì mà lại lặn lội sang huyện hẻo lánh này của tỉnh nghèo Trà Vinh để kiếm cơm?

Theo các viên chức cấp xã đó, kể từ khi họ đọc tin tức trên mạng xã hội với hình ảnh và clip phỏng vấn chi tiết mô tả với gần 1.500 trai tráng xuất khẩu lao động đã giúp xã Đô Thành của huyện Yên Thành, Nghệ An mau chóng đổi đời thành làng tỷ phú, làng biệt thự với hàng loạt nhà cao tầng, xe sang…, thì càng củng cố thêm nghi vấn về mục đích thật sự của cả ngàn người lao động Trung Quốc đang có mặt ở huyện Duyên Hải.

Có thời gian mấy năm trời học đại học tại Sài Gòn, viên chức tên Nguyễn Thành Tâm, nói rằng người Trung Quốc đang sống ở đây không cởi mở như người Hoa trên Chợ Lớn. “Họ có vẻ khệnh khạng dù chỉ là lao động cơ bắp. Tôi biết tiền lương mà mấy ông chủ Trung Quốc nơi đây trả cho họ cũng chẳng bao nhiêu. Thế nhưng không hiểu sao họ vẫn người này rủ người kia từ Trung Quốc qua đây.

Nếu họ thật sự là đội quân cài cắm của Trung Quốc trên đất Việt Nam, thì đúng là hết sức nguy hiểm. Cứ tưởng tượng với đường biển từ cảng than mà tàu tải trọng 30 ngàn tấn có thể vào được, thì nguy quá…”. Ông Nguyễn Thành Tâm, nhận xét.

Sở dĩ ‘nguy ở đây’, chính là việc các nhà máy nhiệt điện than ở Duyên Hải chỉ khác các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc mỗi chi tiết, là được xây trên đất Việt Nam. Tàu của Trung Quốc chở than đá từ ‘nước ngoài’ – ông Tâm nói rằng đây là ‘từ’ dùng của vị tướng nào đó trên nghị trường Quốc hội Việt Nam, nên nếu ‘nước ngoài’ đó cho ‘quá giang’ quân đội Trung Quốc trên tàu chở than ấy thì…

Phải chăng Việt Nam là thiên đường của lao động Trung Quốc?

Vài viên chức xã Trường Long Hòa đặt câu hỏi như vậy khi cà phê với nhóm nhà báo đến từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam [Xem thêm ở *].

Theo cách nhìn mộc mạc của người dân Duyên Hải, trong vụ nghi vấn 39 nạn nhân tử vong trong thùng container ở Anh Quốc hôm 23-10, hầu hết đều là người Việt Nam, thì câu hỏi đặt ra: vì sao người các tỉnh miền Bắc Việt Nam chọn Trung Quốc làm cửa ngõ ban đầu để tìm kiếm mưu sinh ở các quốc gia khác, còn người Trung Quốc thì lại lặn lội tìm về Việt Nam để kiếm cơm?

“Tôi nhớ vào cuối năm ngoái, ở kỳ họp Quốc hội có báo cáo cho hay tới 25 ngàn lao động Trung Quốc đã vào Việt Nam làm ăn. Số liệu này là từ sổ sách về giấy phép cấp cho lao động Trung Quốc, không tính số lao động chui mà người ta dễ dàng tìm thấy ở Duyên Hải.

Dân Trà Vinh tụi tôi nếu ai phải ly hương thì thiên đường lao động là tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và đứng đầu vẫn là Sài Gòn. Giờ đọc báo mới thấy người ngoài miền Bắc giàu có là nhờ vượt biên sang mấy nước tư bản. Lẽ nào người Trung Quốc ngu đến nỗi làm điều ngược lại là muốn vượt biên vào Trà Vinh để kiếm tiền làm giàu?”. Ông Thạch Sôn, viên chức xã Trường Long Hòa, lập luận.

Một số viên chức xã Trường Long Hòa nói rằng nhờ vào điện thoại thông minh nên bà con có thể tìm đọc đủ loại tin tức, chỉ có mỗi tin về Trà Vinh là nghèo nàn hệt như tỉnh này.

“Đọc mà thấy bất an trước nhiều hoạt động tội phạm của người Trung Quốc diễn ra có hệ thống, có tổ chức và với số lượng người rất đông ở một số địa phương tại Việt Nam vừa qua. Tụi tôi đâm ra cũng ngờ vực người lao động Trung Quốc đã lên tới vài ngàn người ở Duyên Hải…”. Ông Nguyễn Thành Tâm chia sẻ.