Biển Đông và thương mại đưa Việt – EU sát gần nhau: nhân quyền ở đâu?

Tất nhiên, chúng ta không cố gắng bi kịch hóa tiến trình nhân quyền hóa, dân chủ hóa tại Việt Nam, bởi lẽ xu hướng này dù chậm, nhưng nó vẫn sẽ tiến triển như một quy luật. Vấn đề là thời gian. 

Những tù nhân lương tâm hiện đan bị giam giữ ở Việt Nam ( Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn vừa được trả tự do sau 8 năm ngồi tù)

Nguyễn Hiền, Việt Nam Thời báo, ngày 05/8/2019

 

“Việt Nam sắp ký thỏa thuận quốc phòng với Liên minh châu Âu”, một bài viết trên soha vào ngày 2.8, trong đó mô tả từ nguồn tin Asia Times rằng,  EU và Việt Nam sẽ ký kết một thỏa thuận quốc phòng mới vào ngày 5.8 tới, mở đường cho mối quan hệ hợp tác chiến lược mạnh mẽ hơn giữa hai phía tại Biển Đông.

Bản tin này sau đó bị rút mà không có lời giải thích.

Liên quan đến bản tin mà Soha dẫn, nguồn tin gốc là bài của tác giả David Hutt, một “Việt Nam học” về mặt báo chí của Asia Times. Bài này cho biết, vào ngày 5.8, nhà ngoại giao trưởng của EU, Federica Mogherini sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Việt Nam, thỏa thuận an ninh đầu tiên như vậy Brussels sẽ có với một quốc gia Đông Nam Á.

Và Biển Đông chỉ là một phần trong phạm vi tác động của Thỏa thuận tham gia khung (FPA).

“Ký Thỏa thuận tham gia khung (FPA), điều này sẽ khiến Việt Nam trở thành một phần của hoạt động quản lý khủng hoảng của EU”, theo xác nhận của EU đối với Asia Times. Rõ ràng, địa chính trị đem lại cho Hà Nội một thời vận mới, đó là xác lập vai trò tiên phong và trung tâm trong giải quyết cơn đau đầu của các lãnh đạo EU và thậm chí là cả Mỹ, liên quan đến vấn đề Trung Quốc. Và chừng nào Trung Quốc vẫn còn là một chủ đề gây nóng với sự trỗi dậy của chính nó, thì khi đó, Việt Nam vẫn còn tồn tại giá trị nhất định và then chốt.

“Quan trọng hơn, Việt Nam là trung tâm chiến lược địa lý của Đông Nam Á, vì đây vẫn là đối thủ duy nhất chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, vấn đề an ninh nóng bỏng nhất của khu vực.”

Về mặt thương mại, Việt Nam cũng tiếp xúc gần gũi với EU hơn.

Trong một bài viết trên The Diplomat ngày 12.7, tác giả Stuart Brown đã chỉ ra rằng, chính sự ưa chuộng yếu tố bảo vệ chủ nghĩa đa phương của EU đã trao cho Đông Nam Á, hay ở đây là VIệt Nam nhiều cơ hội hơn. Và Việt Nam là quốc gia thứ 2 của ASEAN, sau Singapore ký được Hiệp định thương mại và thỏa thuận bảo hộ đầu tư với EU.

“Chúng tôi tin vào thương mại”, cách mà bà Cecilia Malmström đề cập được cho là đã “thể hiện tham vọng lấp đầy khoảng trống của Mỹ tạo ra, liên quan đến việc là quốc gia ủng hộ thương mại tự do hàng đầu”.

Một lập luận được tác giả Stuart Brown đặt ra khá hay, heo đó, chừng nào mà cuộc xung đột thương mại Trung – Mỹ vẫn tiếp diễn, thì Việt Nam vẫn sẽ còn được hưởng lợi thông qua chuyển hướng thương mại (lên đến 7,9% GDP). Và khi Việt Nam còn được hưởng lợi, thì khi đó, mối quan hệ EU-Việt sẽ tiếp tục siết chặt về mặt thương mại.

Nhà giáo Trần Hữu Dũng trong một bình tin trên trang viet-studies của mình, đã cảnh tỉnh rằng.

“Để ý đến những lợi ích cho EU. Nhiều người ở Việt Nam thường có mặc cảm tự ti, dường như cho rằng thỏa hiệp này là EU ‘bố thí’ cho Việt Nam!”. Nhưng thực chất đây là mối quan hệ cùng có lợi.

Những nhà lãnh đạo Hà Nội đã chứng minh rõ ràng nhất về quy trình “hội nhập quốc tế” thông qua củng cố mối quan hệ với Mỹ và EU.

Vậy nhân quyền là gì trong sự “tương tác” đầy sâu rộng này?

Cho đến nay, ngoài một lần “trục trặc kỹ thuật” trong tiến trình ký kết, mà nhiều người dự đoán rằng, nó liên quan đến yêu cầu cải cách nhân quyền, thì EU vẫn chưa có một động thái nào rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn. Và mặc dù “phái đoàn EU tại Hà Nội vẫn chẳng có một bước tiến đáng chú ý nào về điều kiện nhân quyền cho Việt Nam mà Nghị viện Eu đang ra công đòi hỏi” như nhà báo Phạm Chí Dũng bày tỏ, thì các hiệp định thương mại lớn vẫn được ký kết.

Nhưng nếu lãnh đạo nòng cốt EU không gật đầu chấp thuận cho sự nhượng bộ nhân quyền để đổi lấy thương mại, với áp lực thương mại được tạo ra bởi Mỹ, và niềm tin vào thương mại như bà Cecilia Malmström bày tỏ, thì phái đoàn EU tại Hà Nội đã không đến nỗi thờ ơ đến thế.

Đó là điều mà bản thân những nhà hoạt động nhân quyền cần nhận diện rõ ràng hơn, để tránh một sự kỳ vọng quá lớn. Và cũng tránh cả niềm tin rằng, “EU đã ngây thơ tin vào Hà Nội”.

Trong một bài viết trên Việt Nam Thời Báo ngày 27.6 với tiêu đề “Thỏa thuận EVFTA ngày 30.06: chấp nhận và chờ đợi giám sát!”, cũng chính tác giả đã nhận định, chúng ta đã không còn đường nào hết ngoài cách, “chứng kiến sự đổi thay và thực tâm cam kết [nhân quyền] của Việt Nam, […] ảnh hưởng của EU đến đâu trong hỗ trợ nhân quyền và vấn đề môi trường”. Và đến nay, yếu tố quan sát thụ động này vẫn còn nguyên giá trị. Nói một cách khác, với con bài về chủ quyền Biển Đông và thương mại chuyển hướng, cái “thời” và “lợi” (trong Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa) đã tạo một sự chủ động từ chính phía lãnh đạo Việt Nam đang hiện nay. 

Và khi đó, tiếng nói nhân quyền của EU sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái mờ nhạt, và người Việt Nam sẽ khó có thể “vận động” chủ động nhân quyền Việt Nam trong lòng EU, khi họ chỉ hướng tới những giá trị cốt lõi hơn và cần kíp hơn. Và những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam khó có thể tránh khỏi một sự tham khảo và quan tâm mang tính chiếu lệ, trong khi đó, những cá nhân và tổ chức hoạt động trong mảng nhân quyền (với các vấn đề mà Việt Nam cấp phép như LGBT, môi trường) sẽ tiếp tục hưởng lợi khi nhận nguồn tài sợ và quan tâm của EU, mảng nhân quyền nhạy cảm (báo chí, lập hội, quyền biểu tình, tra tấn, tử hình) dường như sẽ vẫn duy trì một hiện trạng như xưa.

Tất nhiên, chúng ta không cố gắng bi kịch hóa tiến trình nhân quyền hóa, dân chủ hóa tại Việt Nam, bởi lẽ xu hướng này dù chậm, nhưng nó vẫn sẽ tiến triển như một quy luật. Vấn đề là thời gian.

Và trong khi chưa thể trông một thái độ nhân quyền cứng rắn hơn từ EU, chúng ta có thể nhìn về lại Mỹ, với những chỉ dấu tích cực nhân quyền hơn một chút, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón hai đại diện tôn giáo độc lập Việt Nam tại phòng bầu dục. Thêm vào đó, tự lực cánh sinh là tinh thần không thể thiếu ở các nhà hoạt động, và vận động nhân quyền – kêu gọi mở rộng lương tâm con người ở các đảng xanh tại EU cũng là một phương thức không hề tồi, tính đến thời điểm này.