Ông Vũ Quốc Ngữ trả lời phỏng vấn Đàn Chim Việt

Tham gia vận động ở Trụ sở LHQ ở Geneva (tháng 3/2019)

Đàn Chim Việt: Thưa ông, Vũ Quốc Ngữ là một quý danh quen biết đối với khá nhiều người Việt hải ngoại đang quan tâm đến tình hình dân chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, không ít độc giả Đàn Chim Việt muốn biết thêm về ông. Xin ông vui lòng có vài dòng tự giới thiệu về mình.

Vũ Quốc Ngữ: Tôi sinh năm 1971 ở Nam Định, rất gần với quê của cụ Hoàng Minh Chính. Tôi học tốt nghiệp đại học ở Cộng hoà Bulgaria và thạc sỹ ở Hoà Lan, cùng chuyên ngành Bảo vệ thực vật. Tôi từng làm 10 năm như một cán bộ kỹ thuật của Cục Dự trữ Quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước- Bộ Tài chính) và có 1 năm làm ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ năm 2009, tôi làm việc như một cây viết về chính trị, dân chủ và nhân quyền, và nông nghiệp cho Công ty Toàn Việt ở Hà Nội, là đơn vị cung cấp dịch vụ tổng hợp báo chí bằng tiếng Anh cho nhiều đại sứ quán, công ty ngoại quốc và Việt Nam.

Do được tiếp xúc với nền dân chủ châu Âu từ những năm học đại học, tôi thoát khỏi ảnh hưởng của giáo dục cộng sản và có tư tưởng đa nguyên và nhân quyền. Sau khi về nước, dù làm việc trong khối nhà nước, tôi vẫn quan tâm đến phong trào bất đồng chính kiến, và từng ký tên vào thỉnh nguyện thư của các trí thức thức tỉnh phản đối dự án Bauxite và hệ thống tàu cao tốc Bắc Nam trong những năm 2007-2009.

Năm 2007, ở Hà Nội xảy ra biểu tình của sinh viên chống Trung cộng bành trướng ở Biển Đông, tôi có đến nhưng chỉ kịp quan sát vì cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng. Bước ngoặt xảy ra năm 2011 khi Trung Cộng cắt cáp của tàu Bình Minh và là nguyên nhân gây ra làn sóng biểu tình rộng khắp. Tôi đã tham gia một cách tích cực hầu hết 11 buổi biểu tình ở trung tâm thủ đô trong năm 2011, từng bị bắt nhiều lần, và có lần bị giam 5 ngày trong trại tạm giam của công an huyện Từ Liêm (21-25/8/2011). Những năm sau đó, tôi có tham gia thắp hương tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa, Gạc Ma và những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc (tháng 2-3/1979), từng bị mật vụ đánh đập dọc đường hay bị câu lưu, thẩm vấn nhiều lần.

Trong khi biểu tình, tôi gặp gỡ với nhiều người đấu tranh dân chủ, và người có ảnh hưởng lớn đến tôi là bác sỹ Phạm Hồng Sơn. Chúng tôi nói chuyện với nhau và cho rằng vấn đề của Việt Nam không chỉ là Trung Quốc, mà chính là chế độ độc tài Việt Nam, và dân chủ và nhân quyền là thứ mà Việt Nam cần để phát triển đất nước đủ sức đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh.

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Đài và Phạm Bá Hải, và bắt đầu tham gia viết bài, dịch bài cho tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) từ năm 2013. Năm 2015, tôi trở thành người đứng đầu của tổ chức này, và kiêm luôn vị trí tổng biên tập của trang web vietnamhumanrightsdefenders.net của DTD. Được thành lập bởi một số cựu tù nhân lương tâm, DTD là một tổ chức phi lợi nhuận và độc lập, chuyên đưa tin và báo cáo về các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam, hỗ trợ người hoạt động bằng cách tổ chức nhiều lớp tập huấn về an ninh mạng và kỹ năng báo chí, và xin hỗ trợ khẩn cấp từ một số tổ chức nhân quyền quốc tế như Freedom House, Civil Rights Defenders và Front Line Defenders, và vận động quốc tế.

DTD là một nguồn tin tin cậy về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, gần như là trang duy nhất đưa tin bằng cả 2 ngôn ngữ Việt và Anh, được nhiều tổ chức quốc tế và đại sứ quán đánh giá cao và được dẫn bởi nhiều hãng tin, trong báo cáo của Human Rights Watch và Amnesty International. DTD có quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International, Human Rights Watch, Civil Rights Defenders, Front Line Defenders, Civicus, Phóng viên Không Biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), FIDH,… và nhiều đại sứ quán nước ngoài.

Về cá nhân, tôi có hàng chục bài viết, dịch thuật đăng tải trên trang web của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Asia Times và Waging Non-Violence. Từng tham gia nhiều hội thảo về nhân quyền ở Pháp, Thuỵ Điển và Thái Lan, và vận động nhân quyền ở Geneva và Hoa Kỳ.

Tham gia biểu tình chống Trung Cộng, Hà Nội, 2011

Đàn Chim Việt: Ông có thể cho biết tình trạng sinh sống của các anh chị em người Việt đang tỵ nạn chính trị tại Thailand ? những người Việt tỵ nạn chính trị tại Thailand có nguyện vọng gì?

Vũ Quốc Ngữ: Là một tổ chức nhân quyền, DTD không chỉ quan tâm đến anh chị em hoạt động trong nước, mà còn theo dõi cuộc sống của những người hoạt động phải chạy sang Thái Lan để tỵ nạn vì sự bức hại của nhà cầm quyền Việt Nam, do vậy, chúng tôi cũng được cung cấp thông tin về tình hình của họ ở Bangkok và nhiều vùng phụ cận. Đa số anh chị em tỵ nạn ở Thái Lan đang có cuộc sống khó khăn vì không có nguồn thu nhập, thường xuyên trong tình trạng có thể bị cảnh sát Thái bắt và đưa vào trại giam di trú vì Thái Lan chưa ký Công ước về Người tỵ nạn và có thể bị trục xuất về nước. Ngoài vấn đề kinh tế, cuộc sống tinh thần cũng không thuận lợi, tin tức chủ yếu lấy từ mạng xã hội. Do không có khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh) nên phần lớn không học hỏi được gì. Do thiếu khả năng Anh văn, trình độ học vấn, nên rất ít người có thể vào làm cho các tổ chức quốc tế. Họ cũng chia thành nhóm nhỏ, và nhiều khi chỉ trích, bôi xấu nhau vì thiếu nền tảng dân chủ. Ước mong của họ là sớm được chuyển đến nước thứ 3 nhưng theo tôi được biết thì chỉ có khoảng 1% những người có quy chế tỵ nạn được chấp nhận bởi nước thứ 3, mà đối với người tỵ nạn Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.

Đàn Chim Việt: Thưa ông Vũ Quốc Ngữ, ông vui lòng cho biết Phong trào dân chủ Việt Nam đang ở đâu trong bối cảnh chính trị Việt Nam và thế giới ? Chẳng hạn, Phong trào dân chủ Việt Nam có khả năng thực hiện được những gì như đang diễn ra tại Hong Kong, trong hiện tại hoặc tương lai, hay không ?

Vũ Quốc Ngữ: Trong vài thập kỷ cuối của thế kỷ trước, chúng ta thấy Việt Nam có nhiều gương mặt nổi trội như cụ Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, và đầu thế kỷ này có Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và một số người nữa. Giờ thì phong trào bất đồng chính kiến có phát triển chiều ngang nhưng thiếu những nhân vật xuất sắc với lý luận mang tính học thuyết. Chế độ cộng sản Việt Nam rất tinh vi, đàn áp mọi tổ chức hay cá nhân từ trong trứng nước, và do vậy, thiếu vắng tổ chức và cá nhân xuất sắc. Người Việt thiếu tinh thần làm việc nhóm, và người bất đồng chính kiến cũng thế, lại bị sự đàn áp khốc liệt nên nhiều người lựa chọn đấu tranh đơn lẻ. Thêm vào đó, có một số cá nhân lợi dụng phong trào để trục lợi nên nhiều người có dị ứng với tổ chức. Tình trạng này rất nguy hiểm, vì người bất đồng chính kiến không chịu gắn kết, hay chỉ gắn kết theo nhóm nhỏ, và họ dễ dàng bị bẻ gẫy như bẻ gẫy từng chiếc đũa mà không có sức mạnh của cả bó đũa. Điều mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ có tinh thần bất đồng chính kiến, nhưng để tập hợp họ lại là một vấn đề. Tôi không chắc về khả năng giới bất đồng chính kiến có thể liên kết để hành động tạo ra phong trào phản kháng như hiện nay ở Hongkong.

Từ trái sang, TNS Chris Coons, nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, TNS John McCain, luật sư Lê Quốc Quân, và TNS John Barrasso tại Hà Nội tháng 6/2017.

Đàn Chim Việt: Liên quan đến vụ bãi Tư Chính, với câu hỏi “Vì sao người dân không biểu tình chống Trung Quốc”, có nhiều trả lời cho rằng đây là hậu quả của hàng loạt hành vi đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản trong nhiều năm qua, đã làm tổn thương những trái tim yêu nước, đã xúc phạm nghiêm trọng đến những tấm lòng vì sơn hà xã tắc – nên đã xuất hiện tâm lý thờ ơ trong dân chúng. Điều này có thể diễn dịch thành: người Việt Nam đã… hết yêu nước. Ông Ngữ có ý kiến gì về diễn dịch này ?

Vũ Quốc Ngữ: Do sự giáo dục, tuyên truyền và đàn áp trong nhiều thập kỷ của chế độ cộng sản toàn trị, người dân Việt Nam không có tinh thần yêu nước một cách đúng đắn, hoặc tinh thần yêu nước bị bóp méo, bị chế độ cộng sản lợi dụng. Trong những năm 2011-2017, chỉ có vài trăm hoặc vài ngàn người dám thể hiện một cách công khai bằng việc tham gia phong trào biểu tình chống Trung Cộng và con số chỉ dừng ở mức đó. Năm 2017 có vài chục ngàn người tham gia biểu tình chống luật Đặc khu kinh tế nhưng đó là những con số quá nhỏ so với tổng số dân hơn 95 triệu người. Những hạt nhân của phong trào biểu tình đã bị đàn áp khốc liệt và do vậy họ không có ý định tham gia hay tổ chức biểu tình khi chế độ cần vì không muốn bị lợi dụng. Tôi tôn trọng suy nghĩ của họ, nhưng cũng băn khoăn, rằng sao không lợi dụng việc này để “tập huấn” cho người dân thực hiện quyền biểu tình ghi trong Hiến pháp 2013 và các công ước nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Câu hỏi này nên đặt ra cho người hoạt động chính trị.

Đàn Chim Việt: Trên tinh thần chúng ta vốn có cùng một Mẹ Việt Nam, theo ông Ngữ thì người Việt hải ngoại cần làm gì cho Phong trào dân chủ Việt Nam ?

Vũ Quốc Ngữ: Từ trước đến nay, nhiều người Việt ở hải ngoại hỗ trợ tinh thần và vật chất cho người hoạt động ở Việt Nam. Tôi đã gặp và được biết nhiều người hải ngoại nhịn ăn nhịn mặc và lao động cật lực để gửi tiền về cho người hoạt động trong nước. Nhưng có lẽ chưa đủ, chưa kể có một số người lợi dụng để trục lợi.

Người Việt hải ngoại nhiều khi không có đủ thông tin về phong trào nên nhiều khi hỗ trợ không đúng lúc, đúng chỗ. Bản thân những người Việt ở hải ngoại thiếu sự đoàn kết hay một chiến lược rõ ràng để giúp người hoạt động trong nước.

Theo tôi, người Việt hải ngoại nên hỗ trợ cho tổ chức/nhóm xã hội dân sự thông qua các dự án hoạt động và yêu cầu phải có kết quả cụ thể, nên ưu tiên cho các dự án nâng cao dân trí và dự án phát triển mạng lưới hoạt động.

Người Việt hải ngoại có thể tìm thông tin về phong trào đấu tranh của giới bất đồng chính kiến thông qua trang web của Người Bảo vệ Nhân quyền (vietnamhumanrightsdefenders.net) hoặc The Vietnamese (thevietnamese.org) và Luật Khoa tạp chí hay Project 88.

Gặp Phó Tổng Thư ký LHQ về Nhân quyền, ngài Andrew Gilmour tại Bangkok tháng 3/2018

Đàn Chim Việt: Chưa xảy ra không có nghĩa là không bao giờ xảy ra. Giả sử như có một cơ hội tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump về hồ sơ Việt Nam, liệu ông Ngữ sẽ nói gì ? Tương tự, ông Ngữ sẽ nói gì với ông Nguyễn Phú Trọng ?

Vũ Quốc Ngữ: Thực sự tôi không biết nói gì với ông Donald Trump vì những chính sách không nhất quán và không quan tâm đến nhân quyền của ông này. Còn với ông Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn nói rằng “Ông đã đạt được quyền lực vô biên, và tài sản chắc cũng không còn ý nghĩa gì nhiều với một ông già 75 tuổi. Ông hãy làm điều gì đó để lại cho hậu thế, như ông Mikhail Gorbachop của Liên bang Xô viết đã làm những năm 1990s cho Đông Âu. Đừng làm gì/hoặc không hành động gì rồi để lại tiếng xấu muôn đời.” Tuy nhiên, tôi không tin là ông này có thể hành động gì đó mang lại điều tốt cho dân tộc Việt Nam.

Đàn Chim Việt: Dự định trong tương lai của ông ra sao ?

Vũ Quốc Ngữ: Tôi hoạt động nhân quyền và sẽ tiếp tục công việc này trong những năm tới. Tôi cũng muốn tìm thêm một số cộng sự để phát triển tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền để hỗ trợ đắc lực hơn nữa cho người hoạt động nhân quyền Việt Nam, và đặc biệt là tìm nguồn tài chính để duy trì hoạt động của tổ chức. Cho đến nay, những người trong tổ chức không có lương mà chỉ có một khoản trợ cấp rất nhỏ và chúng tôi hoạt động chủ yếu vì tinh thần dấn thân. Nhân đây, tôi muốn bày tỏ tri ân những người bạn đồng hành của tôi trong tổ chức trong nhiều năm qua.

Quý vị có thể liên hệ với tôi:

Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100017674008276
Twitter: @NguMSc
Email: vuquocngu2003@gmail.com

Website của DTD: vietnamhumanrightsdefenders.net
Email: vietnamhumanrightsdefenders@gmail.com

Đàn Chim Việt: Chân thành cám ơn ông Vũ Quốc Ngữ đã bỏ nhiều thời gian quý báu để giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Kính chúc ông luôn vui khỏe và gặp nhiều thuận lợi trong công tác hoạt động nhân quyền.

(http://www.danchimviet.info/ong-vu-quoc-ngu-tra-loi-phong-van-dan-chim-viet/07/2019/15859/)