Người Thượng ở Tây Nguyên – Kỳ 3: Đất Thượng của người Thượng

 

Một nhóm thợ săn người Thượng vào đầu thế kỷ 20. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Chatras.

, Luật Khoa tạp chí, ngày 12/5/2019

Cuối thế kỷ 19, cuộc sống đơn sơ của các bộ tộc Thượng đã bị xáo trộn khi người Pháp đến Tây Nguyên cùng với quân đội và súng ống. Nền văn hoá thảo mộc buộc phải học cách hòa đồng với chế độ chính trị hiện đại.

Trước đó, vì địa hình quá hiểm trở, triều đình Huế không can thiệp sâu đến khu vực này, hằng năm chỉ thu một số thuế đã định. Đến thời Pháp, chính quyền thực dân dù cai trị hà khắc nhưng cũng nhún nhường nhất định đối với người Thượng ở Tây Nguyên.

Cũng chính từ thời kỳ này, người Thượng bắt đầu mất dần tiếng nói trên chính vùng đất của mình.

Người Pháp đến đất Thượng

Các nhà truyền đạo Thiên chúa giáo đã đến Annam trước khi người Pháp nổ súng ở Đà Nẵng năm 1858. Có lẽ chúng ta còn nhớ một thời triều đình Huế đã đàn áp khốc liệt Thiên chúa giáo.

Thời vua Minh Mạng, triều đình đã bắt đầu cấm đạo. Đến thời vua Tự Đức, từ năm 1848 đến năm 1860, ở miền Bắc, có hàng chục giáo sĩ bị tàn sát cùng với hàng vạn giáo dân bị lưu đày hay bị giết.[1]

Giáo sĩ và giáo dân miền Trung cũng không tránh khỏi cuộc truy sát này. Một số đã tìm lên đất Mọi, tức là đất của người Thượng trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, nhờ vào núi rừng hiểm trở mà lánh nạn.[2]

Người Annam đến đây một thời gian thấy sinh sống dễ dàng nên bắt đầu định cư. Các giáo sĩ bắt đầu truyền đạo cho dân Mọi, lập các làng Công giáo, mở trường học và dạy họ cách làm ruộng như dùng trâu bò để xới đất. Nổi bật trong đó có Hội Truyền giáo Kontum.

Năm 1867, khi người Pháp đã kiểm soát sáu tỉnh Nam Kỳ, họ bắt đầu nhắm đến khu vực Tây Nguyên.

Khi chính thức đô hộ Việt Nam năm 1884, người Pháp thiết lập chính quyền bảo hộ, thực chất là cai trị trực tiếp. Họ chia nước ta nhiều khu vực để cai trị, mỗi khu vực lại có một chế độ riêng. Vùng đồng bằng có Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vùng núi có miền Thượng du Bắc Kỳ và miền Cao Nguyên Trung Kỳ.

Người Pháp tiến hành nhiều cuộc thám hiểm ở Cao Nguyên Trung Kỳ, có người phải bỏ mạng vì xung đột với các sắc dân ở đây.

Cho đến đầu thế kỷ 20, người Pháp đã can thiệp vào tận cùng các ngõ ngách ở Tây Nguyên mà trước đó triều đình không làm được.

Tuy nhiên, họ không thể kiểm soát cả Tây Nguyên rộng lớn cũng như không thể làm cho tất cả các bộ tộc khuất phục. Người Pháp phải giao tranh thường xuyên với một số bộ tộc. Họ cấm người Annam đến những nơi mà các bộ tộc chưa chịu khất phục.

Với những khu vực đã kiểm soát, người Pháp mở mang đường xá, chia đơn vị hành chính, lập nhà công vụ, nhà thương, sở thú y, bưu điện… Đi liền với những việc này là thu thuế. Ban đầu thuế còn nhẹ, càng về sau thì càng nặng nề.

Để khai thác tối đa thuộc địa, người Pháp thiết lập chính sách nhượng đất lập đồn điền. Ở Tây Nguyên, đất đai dồi dào lại tươi tốt nên các đồn điền ngày càng được mở rộng.

Công sứ của Pháp ở tỉnh Kontum đã viết về Kontum như sau: “Tỉnh Kontum là một vùng đất của tương lai. Ở đây có những cao nguyên mênh mông đất đỏ rất phì nhiêu của vùng Plei Ku, tạo thành một hình vuông mỗi cạnh khoảng 100km, hoàn toàn thích hợp với trồng cà phê và có lẽ cả trồng bông”.[3]

Nhưng việc mở rộng các đồn điền không tránh khỏi “ăn” mất những khu đất tốt của người Thượng. Mất đất, ở một số nơi, người Thượng bị đẩy sâu vào vùng đồi núi để làm rẫy.

Chính sách nhượng đất lập đồn điền này bị nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Jacques Dounres kịch liệt phản đối. Nhà dân tộc học với hơn 25 năm sống với người Thượng từ năm 1946 đến năm 1970 cho rằng, sự gia tăng của các đồn điền giết chết hình thức lao động truyền thống, đẩy người Thượng vào cảnh nghèo khốn, nô lệ.[5]

Các đồn điền còn chiêu mộ người Thượng làm công nhân cho họ. Đến năm 1935 thì Thống sứ của Pháp ở Nam Kỳ phải thông báo: “Tôi đã có những chỉ dẫn nghiêm khắc yêu cầu chấm dứt lối mộ người này, nó có thể lẫn lộn với một hệ thống bắt sưu: nhân công người Mọi ở các đồn điền phải được tự do”.[4]

Đất Thượng của người Thượng

Người Pháp không có chính sách nhất quán ở Đông Dương mà phụ thuộc phần lớn vào quan toàn quyền Pháp. Ngoài quan toàn quyền, chính sách ở Tây Nguyên phụ thuộc vào khâm sứ và công sứ Pháp ở các tỉnh.[6]

Người Pháp đã cử một số quan chức rất am hiểu về dân tộc học để cai trị khu vực Tây Nguyên, trong đó phải kể đến Léopold Sabatier. Vị này được cử làm đại diện ở Đắk Lắk năm 1912, rồi làm công sứ tỉnh này đến năm 1929.

Sabatier có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho người Thượng ở Kontum. Ông chủ trương chính sách “đất Thượng của người Thượng” nhằm ngăn chặn người ngoài đến khai thác. Ông là người đầu tiên thực hành lối sống Thượng, nói tiếng Thượng, lấy vợ người Ê-đê. Hơn nữa, ông góp phần mở mang tỉnh Đắk Lắk mà vẫn giữ được truyền thống của người Thượng. Ông cho mở đường, trường học, kéo điện, dạy nghề, ngăn chặn phá rừng, hoà giải các bộ tộc, sưu tầm lại trường ca Đam San…[7]

Đến năm 1923, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ Pierre Pasquier (sau này được thăng chức toàn quyền và là người khá am hiểu về phong tục Annam) ra lệnh cho các công sứ lấy Đắk Lắk làm gương, duy trì không cho người ngoài, cả người Kinh lẫn người Pháp, ồ ạt lên Cao Nguyên lập đồn điền.

Khâm sứ lệnh cho các công sứ phải sưu tầm văn hoá, tập quán, phong tục của người Thượng như Sabatier đã làm ở Đắk Lắk, hướng dẫn người dân trồng cây ăn trái, hoa màu, mở lớp dạy về y tế, tuyển các giáo viên nói tiếng Thượng để dạy cho con em người Thượng.

“Các vị công sứ phải đích thân xem xét đến vấn đề khai khẩn đồn điền và ngăn chặn những sự va chạm giữa chủ đồn điền và thổ dân, sự can thiệp đúng lúc không chủ đồn điền bóc lột quá mức thổ dân, việc ngăn chặn người Việt lên miền Thượng và việc nâng đỡ người Thượng phát triển chứng tỏ chúng ta không chủ trương đàn áp một sắc tộc nào cả” – trích thông tri của Khâm sứ Pháp Peirre Pasquier ngày 30/7/1923.[8]

Như đã nói, chính sách ở từng nơi phụ thuộc vào quan điểm của từng quan chức người Pháp nên khi những vị này bị chuyển đi nơi khác thì chính sách nơi đó cũng bị thay đổi.

Khi Sabotier bị chuyển đi nơi khác, tỉnh Kontum được mở rộng để người Kinh lên sinh sống. Không còn ai nhắc đến Sabotier về những nỗ lực của ông cho văn hoá bản địa.[19]

Lập toà án phong tục

Người Pháp không phải ngẫu nhiên mà thay đổi chính sách đã có trước đó. Những chính sách mà người Pháp đã áp dụng ở Campuchia, Lào và vùng đất của người Việt đều không ăn thua gì với miền Thượng. Họ liên tiếp phải giao tranh đổ máu với những sắc dân ở đây.

Trong thông tri năm 1923, Khâm sứ Pierre Pasquier đã định hướng cho các công sứ của ông ở các tỉnh của Cao Nguyên Trung Kỳ: “Công lý ở các dân tộc Tây Nguyên cũng giống như ở các dân tộc khác, được biểu trưng bằng cái cân, nhưng khi đối diện với những tranh chấp đó các ông phải quyết định, các ông không được bỏ vào cái cân những trọng lượng ngang bằng trọng lượng mà các ông dùng để cân hành động của những người thuộc các dân tộc tiến bộ hơn.

Công lý sẽ được đem đến cho các dân tộc Tây Nguyên bởi việc phân xử tự nhiên, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Pháp, nhưng luôn luôn theo luật lệ và phong tục bản xứ”.[9]

Kontum là nơi có toà án phong tục (tiếng Pháp là tribunal coutumier) tiêu biểu nhất. Những vụ xét xử liên quan đến người Pháp thì đương nhiên toà án Pháp phân xử. Công sứ phê chuẩn các bản án khác liên quan đến người Thượng và người Annam.

Những vụ việc giữa người Annam với nhau thì quan tri huyện Annam xét xử rồi xin công sứ của tỉnh phê duyệt, xử bằng luật Annam.

Những vụ việc giữa người Thượng với nhau thì phải hoà giải trong làng trước bằng luật tục của làng đó. Nếu vẫn không xong thì phải đem ra toà án phong tục của tỉnh để xử, có ông công sứ làm chủ toạ. Toà án xét xử bằng cách vận dụng luật tục của người Gia-rai, Ba-na và Xơ-đăng (ba sắc tộc chính ở Kontum). Lúc này luật tục các sắc dân đã được viết lại không còn theo kiểu văn vần mà theo lối văn xuôi để áp dụng chính xác hơn. Người phạm lỗi chỉ chịu án tù trong các vụ án mạng, còn lại có thể nộp tiền chuộc, mỗi tháng chuộc năm đồng. Những án tù trên một năm phải được khâm sứ phê duyệt.[10]

Nếu vụ việc xảy ra giữa người Thượng và Annam thì phức tạp hơn, ngoài công sứ xét xử thì còn có quan tri huyện người Annam và quan tri huyện người Thượng tư vấn khi xét xử, hai vị này do triều đình bổ nhiệm. Người phạm lỗi thuộc bên nào thì sẽ xử theo luật của bên ấy.[11]

Phân chia đất đai

Người Pháp nếu muốn lấy đất mở rộng thị trấn thì chỉ phải bồi thường tượng trưng cho các chủ đất người Thượng để không mang tiếng ức hiếp dân bản địa.

Những người lên khẩn hoang làm đồn điền cũng phải đóng thuế cho các chủ đất người Thượng. Tuy nhiên, người Pháp khi cai trị luôn muốn có toàn quyền về đất đai. Việc chuyển nhượng đất đai phải có sự giám hộ của người Pháp. Nếu chuyển nhượng dưới 30 ha phải được quận trưởng phê duyệt, trên mức đó thì khâm sứ phê chuẩn.[12]

Năm 1933, khi hai anh em Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi lên vùng Kontum thì thấy đất đai quanh thị trấn bao la, không dùng hết nên ai muốn khai khẩn thì có thể xin người Pháp. Người khai khẩn phải có giấy tờ chứng minh đã đóng đầy đủ thuế thân, giấy căn cước, bản đồ khu đất và khai về số vốn đầu tư và số công nhân định thuê mướn.[13]

Nhưng đó chỉ là xin khẩn những mẫu đất nhỏ. Lúc này đất đai ở cả ba miền vẫn bao la mà dân cư thì thưa thớt nên dễ dàng cấp cho các điền chủ, trong đó có các điền chủ xin thì nhiều nhưng không có năng lực sản xuất. Chính quyền bảo hộ phải làm sao cân bằng được quyền lợi của người Pháp và người Annam (giới thượng lưu và người cày).

Từ sau năm 1920, người được nhượng đất phải khai thác đất trong thời hạn quy định (qua giai đoạn tạm thời) thì mới được cấp quyền sử dụng vĩnh viễn, bằng không thì sẽ bị thu hồi.

Năm 1926, quan toàn quyền đã giới hạn diện tích đất có thể nhượng cho các chủ đồn điền, tối đa được nhượng 15.000 ha, dưới 300 ha thì cho không, bán theo giá thoả thuận ở mức 1.000 ha, trên mức đó thì phải đấu giá.

Đến năm 1928, các chủ đồn điền muốn được nhượng đất thì phải chứng minh khả năng tài chính. Những diện tích đất nào xin cấp từ 1.000 ha đến 4.000 ha thì quan toàn quyền có thể cho phép, trên mức đó thì do tổng thống Pháp ban cấp với ý kiến của Bộ Thuộc địa và đề nghị của quan toàn quyền.[14]

Năm 1929, Toàn quyền Pasquier cấm các viên chức và nhà binh, cả Pháp lẫn Việt, xin đất lập đồn điền, trừ khi về hưu.[15]

Đầu thế kỷ 20, cây công nghiệp ở Tây Nguyên được trồng khá khiêm tốn. Từ năm 1928, trà mới được trồng ở vùng Cao Nguyên Trung Kỳ có diện tích khoảng 3.000 ha, còn cao su phủ một diện tích 98.000 ha trong những miền đất đỏ và đất xám ở phía Bắc Sài Gòn và khoảng 2.000 ha ở Trung Kỳ.[16]

Hoàng Triều Cương Thổ

Năm 1945, Nhật trả quyền lại cho Việt Nam, vua Bảo Đại đã huỷ tất cả hoà ước đã ký trước đó với Pháp. Sau đó, Pháp tái chiếm Việt Nam. Đến giữa năm 1949, Pháp đã tái kiểm soát toàn bộ Cao Nguyên Trung Phần.

Lúc này, Pháp đã ký với vua Bảo Đại Hiệp định Élysée công nhận Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng. Một trong những yêu cầu bên cạnh hiệp định này là thiết lập chế độ riêng biệt cho người Thượng, tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ, vì sự khác biệt giữa Kinh và Thượng. Các chính sách ở Cao Nguyên Trung Phần phải được chính phủ Pháp đồng ý.

Với yêu cầu như vậy, vua Bảo Đại đã chấp nhận và tổ chức vùng Cao Nguyên thành hai phần, Hoàng Triều Cương Thổ Bắc và Nam, lấy Đà Lạt làm thủ phủ, hạn chế tối đa người Kinh di cư lên Cao Nguyên.

Theo đó, các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku và Kontum họp thành một đơn vị hành chính riêng biệt gọi là miền Nam Hoàng Triều Cương Thổ, trở thành đất của triều đình.

Quốc trưởng Bảo Đại trong một chuyến thị sát Hoàng triều năm 1950. Ảnh: VnExpress.

Năm 1951, vua Bảo Đại ban hành đạo dụ số 16 thiết lập quy chế riêng cho khu vực này (tóm tắt):[17]

– Tôn trọng phong tục tập quán của người Thượng.
– Tôn trọng các vị tù trưởng, bô lão và những người có uy tín trong đồng bào Thượng. Hướng dẫn những người này tham gia điều hành các cơ quan hành chính, chính trị và tư pháp.
– Tổ chức toà án phong tục Thượng.
– Thành lập hội đồng kinh để phát triển kinh tế trên Cao Nguyên.
– Tôn trọng quyền đất đai của người Thượng (quyền của chủ đất); các vụ mua bán đất đai được tiến hành theo phong tục, tập quán Thượng.
– Chính phủ yểm trợ các kế hoạch phát triển y tế, văn hoá, xã hội trên đất Thượng. Tiếng Việt và tiếng Pháp là ngôn ngữ phụ.
– Đào tạo cán bộ người Thượng trong lĩnh vực quân sự, y tế, hành chính và giáo dục cho nhu cầu địa phương.
– Không thi hành chế độ quân dịch gắt gao, đồng bào và binh sĩ Thượng được tổ chức thành các đơn vị Sơn Cước, ưu tiên phục vụ tại Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Hoàng Triều Cương Thổ chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Sau khi thua trận ở Điên Biên Phủ năm 1954, Pháp buộc phải rời khỏi Việt Nam. Đất nước bị chia cắt thành hai miền đối nghịch.

Ở miền Nam, sau khi Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, ông đã yêu cầu vua Bảo Đại huỷ bỏ Hoàng Triều Cương Thổ. Tháng 3/1955, Hoàng Triều Cương Thổ bị xoá sổ. Cao nguyên Trung Phần dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng hoà bắt đầu chính sách đồng hóa và xâm chiếm đất đai của người Thượng.

(Còn nữa)

Bài đã đăng về Người Thượng ở Tây Nguyên:

Kỳ 1: “Cổ tích” luật tục

Kỳ 2: Những người giữ rừng số 1


Trích dẫn:

[1]Việt Nam thời Pháp đô hộ, Nguyễn Thế Anh, Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ, trang 15 và 18.
[2]Người Ba-na ở Kontum, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, Nhà xuất bản Trẻ, trang 88.
[3]Người Ba-na ở Kontum, sách đã dẫn, trang 22.
[4]Miền Đất Huyền Ảo, Jacques Dournes, Nguyên Ngọc (Dịch) Nxb Thông tin và truyền thông, trang 39.
[5]Miền Đất Huyền Ảo, sách đã dẫn, trang 40.
[6]Cao Nguyên Miền Thượng, Toan Ánh và Cửu Long Giang, bản in tại Saigon năm 1974, trang 128.
[7]Cao Nguyên Miền Thượng, sách đã dẫn, trang 134.
[8]Cao Nguyên Miền Thượng, sách đã dẫn, trang 133.
[9]Luật tục của các bộ lạc Bahnar, Sêđăng và Jrai ở tỉnh Kontum, P.Guilleminet, EFOE, Hà Nội, 1952, trang 91.
[10]Người Ba-na ở Kontum, sách đã dẫn, 117.
[11]Luật tục của các bộ lạc Bahnar, Sêđăng và Jrai ở tỉnh Kontum, sách đã trích dẫn, trang 71.
[12]Đồng bào và các sắc tộc thiểu số Việt Nam, Nguyễn Trắc Dĩ, Bộ Phát triển Sắc tộc, in năm 1972 ở Saigon, trang 129.
[13]Người Ba-na ở Kontum, sách đã dẫn, trang 103.
[14]Từ góc độ lịch sử góp vào việc quản lý và khai thác đất đai, Tạ Thị Thuý, Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ hai.
[15]Từ góc độ lịch sử góp vào việc quản lý và khai thác đất đai, nghiên cứu đã dẫn.
[16]Việt Nam hời Pháp đô hộ, sách đã dẫn, trang 192.
[17]Cao Nguyên Miền Thượng, sách đã dẫn, trang 138.