Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 18 từ ngày 29/4 đến 05/5/2019: Nhà báo độc lập Anh Ba Sàm mãn hạn tù

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 05/5/2019

 

Nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang tin Anh Ba Sàm, đã mãn án tù 5 năm và trở về nhà của ông ở Hà Nội vào ngày 05/5. Năm 2014, ông bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999 vì hàng nghìn bài viết chỉ trích chế độ cộng sản.

Trong hai ngày 04-05/5, hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội bị quản chế vì nhà cầm quyền địa phương ngăn ngừa họ đi Thanh Hoá để đón ông Vinh. Sau khi ông Vinh về nhà riêng tại phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa), rất nhiều mật vụ và dân phòng được điều động canh gác khu vực xung quanh và hạn chế người đi lại trong khu vực này.

Trong dịp nghỉ 5 ngày nhân ngày thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (01/5), hàng trăm nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh bị theo dõi sát sao bởi lực lượng an ninh địa phương và nhiều người bị quản thúc sau khi bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân hứa với cán bộ hưu trí cao cấp bên công an và quân đội rằng chính quyền thành phố sẽ áp dụng mọi biện pháp để không cho xảy ra biểu tình. Nhiều địa điểm trong thành phố bị rào dây thép gai với nhiều công an, dân phòng bảo vệ.

Lực lượng an ninh ở nhiều địa phương khác cũng được đặt ở tình trạng báo động. Ở Đồng Nai, 3 Facebooker bị bắt không rõ vì nguyên nhân gì trong khi công an Lâm Đồng bắt giữ bà Nguyễn Thị Tuyết vì cáo buộc có liên quan đến chính phủ lưu vong của công dân Hoa Kỳ gốc Việt Đào Minh Quân. Hà Nội coi tổ chức của Đào Minh Quân, người tự phong là thủ tướng, là một tổ chức khủng bố.

Nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, người bị mật vụ bắt cóc ngày 28/1/2019 khi đang làm việc ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã được tìm thấy ở Trại tạm giam của công an tỉnh Đồng Nai. Chưa rõ cô và anh trai cô Huỳnh Trí Tâm, người bị bắt trước cô hai ngày, bị cáo buộc gì. Cả hai đều đăng tải nhiều bài viết về dân chủ, nhân quyền và chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội Facebook.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc, người đang thụ án tù 13 năm ở Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An), bị từ chối chữa trị y tế trong khi ông đang bị nhiều bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, viêm giác mạc và trĩ.

Trong báo cáo hàng năm công bố ngày 29/4, Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách Những nước cần được quan tâm đặc biệt (CPC) vì nhữngvi phạm nghiêm trọng của Hà Nội trong lĩnh vực tự do tôn giáo.

Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền và gia đình đã tới Canada để định cư sau hai năm sống tỵ nạn chính trị ở Thái Lan.

===== 29/4 =====

Lâm Đồng bắt giữ một phụ nữ liên quan đến tổ chức Đào Minh Quân

 Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ bà Nguyễn Thị Tuyếtvì bà này bị cho là tham gia tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”của ông Đào Minh Quân, một công dân Hoa Kỳ gốc Việt.

Bà Tuyết, 58 tuổi, bị bắt ngày 25/4 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự. Bà bị cho là đã gửi và nhận nhiều tài liệu từ tổ chứcmà ông Quân tự xưng là thủ tướng.

Truyền thông nhà nước dẫn nguồn từ công an địa phương nói rằng bà Tuyết đã vận động nhiều người dân tham gia trưng cầu dân ý bầu choông Quân làm tổng thống “Đệ tam Việt Nam cộng hòa.”Phía công an cộng sản nói bên điều tra thu giữ được 4 cuốn sổ viết tay, 2 bộ tài liệu giấy và nhiều tài liệu điện tử trong máy tính cá nhân. Các tài liệu này đều liên quan đến hoạt động cho tổ chứclưu vong của ông Quân.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thờilà một tổ chức khủng bố. Cho tới nay, nhà cầm quyền cộng sản kết án ít nhất 28 người bị cho là liên quan đến tổ chức này.

Năm ngoái, 18 người bị cho là thành viên một nhóm thuộc tổ chức của ông Quân, thực hiện đánh bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất và đốt một bãi xe của công an Sài Gòn. Họ bị kết tội khủng bố và bị kết án với mức án nặng nề từ 7 đến 16 năm tù giam. Tuy nhiên, thân nhân một số người bị kết án trên nói rằng đây là một vụ án nguỵ tạo và nhiều người vô tội không biết nhau nhưng vẫn bị gom chung vào một nhóm và bị chung một tội danh.

——————–

Thành phố Hồ Chí Minh thắt chặt an ninh trong dịp 30/4

Nhà cầm quyền ở thành phố Sài Gòn đưa cảnh sát đến nhiều tuyến phố và chăng dây thép gai ở nhiều địa điểm nhằm thắt chặt an ninh với mục tiêu ngăn cản mọi cuộc biểu tình trong những ngày cuối tháng 4 này.

Khu vực gần phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi an ninh được tăng cường nhiều nhất.

Nhà cầm quyền cũng đưa cảnh sát và dân phòng tới canh gác gần nhà người hoạt động ở thành phố từ ngày thứ Bảy, không cho họ ra ngoài làm ăn. Một số nhà hoạt động khác bị mật vụ bám sát từng bước đi.

Đây là những biện pháp mà công an cộng sản đang áp dụng sau lời tuyên bố của bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, rằng lực lượng an ninh sẽ không cho phép bất cứ một cuộc xuống đường phản đối nào trong dịp cuối tháng Tư trong dịp 44 năm ngày quân đội Bắc Việt xâm chiếm Sài Gòn.

Ông Nhân, người cũng là uỷ viên bộ chính trị của đảng cộng sản cầm quyền, yêu cầu lực lượng an ninh bám sát khoảng 600 nhà hoạt động, những người có thể tham gia hoặc kêu gọi biểu tình.

Nhiều nhà hoạt động cho biết không khí thành phố trở nên ngột ngạt vô cùng và họ có khả năng bị bắt giữ bất cứ lúc nào.

Một blogger ở Hà Nội cho biết dường như nhà cầm quyền địa phương cũng tăng cường an ninh do lo sợ dân chúng biểu tình, nhất là gần đây một số công ty nhà nước đã tăng giá xăng dầu và điện với mức tăng rất cao trong khi lương bổng vẫn giữ nguyên.

——————–

USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC vì vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách Các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) vì các vi phạm nghiêm trọng của Hà Nội trong vấn đề tự do tôn giáo.

Trong bản báo cáo thường niêncủa mình công bố ngày 29/4, USCIRF nhận định rằng trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã tiếp tục đàn áp trên diện rộng nhiều lãnh tụ tôn giáo, người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động ôn hòa, và người bất đồng chính kiến khác trên toàn quốc, đặc biệt là để trừng phạt những người tham gia biểu tình phản đối 2dự luật An ninh mạng hà khắc Đặc khu Kinh tế.

Trích dẫn số liệu của NOW! Campaign, USCIRFnói rằng vào thời điểm cuối năm 2018, Việt Nam giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm,trong đó có nhiều người ủng hộ cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và một số người khác chỉ đơn thuần hành đạo hoặc bày tỏ đức tin của mình.

Bản báo cáonêu lên vấn đề nhà cầm quyền cộng sản tịch thu tài sản của nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa Phật giáo và nhiều nhóm tôn giáo khác để lấy đất cho các dự án phát triển kinh tế mà không đền bù thỏa đáng. Một số thí dụ điển hình là Đan viện Thiên An, chùa Liên Trì, chùa An Cư, giáo xứ Cồn Dầu, Tổng Giáo phận Hà Nội, vvv. Một vấn đề lớn khác được nêu ra là hàng chục ngàn người Hmong và người Thượng theo đạo ở Tây Nguyên vẫn không có quốc tịch vì chính quyền địa phương từ chối không cấp chứng minh nhân dân cho họ nếu họ không chịu từ bỏ đạo.

Mối lo ngại về Luật An ninh mạng và việc đàn áp trên diện rộng những người biểu tình ôn hòa hồi tháng 6 năm 2018 cũng được nhấn mạnh, đặc biệt là con số thống kê có ít nhất 127 người bị bắt và bị kết án vì đã tham gia tuần hành.

USCIRF khuyến nghị Hoa Kỳ thiết lập các thỏa thuận có tính ràng buộc đối với chính phủ Việt Nam để thúc đẩy các cải cách quan trọng nhằm cải thiện tự do tôn giáo. USCIRF đề nghị mở rộng tiếp xúc cấp cao ra khỏi khuôn khổ Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ và xem việc bàn thảo vấn đề tù nhân lương tâm và lo ngại vềtự do tôn giáo như một phần của thảo luận về các vấn đề an ninh, kinh tế và phát triển đối với Việt Nam.

===== 30/4 =====

Nhàhoạt động Huỳnh Thị Tố Nga đang bị giam giữ ở Đồng Nai

Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga và hiện đang giam giữ cô tại Trại tạm giam của Sở Công an tỉnh.

Gia đình cô nói với một số nhà hoạt động ở Sài Gòn rằng họ đã viết đơn xin được gặp cô nhưng phía công an tỉnh Đồng Nai trả lời rằng cô đang bị điều tra và không được phép gặp thân nhân. Công an cũng không tiết lộ tội danh mà cô đang bị điều tra.

Đây là tin tức đầu tiên về Huỳnh Thị Tố Nga kể từ cuối tháng 1 năm 2019 sau khi cô bị bắt cóc bởi mật vụ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Sài Gòn), nơi cô làm việc như một kỹ thuật viên xét nghiệm. Sau khi bắt cóc Nga, công an Đồng Nai có đến nhà chồng cũ của cô để thực hiện khám xét.

Anh trai cô Huỳnh Minh Tâm bị bắt ngày 26/1/2019, hai ngày trước khi cô bị bắt cóc. Hiện gia đình vẫn chưa biết anh bị cáo buộc gì.

Hai anh em Tâm (Facebook Huỳnh Trí Tâm) và Nga (Facebook Diệu Hằng và Selena Zen) có nhiều bài viết xuất sắc về dân chủ và nhân quyền trên các tài khoản cá nhân của mình và có lẽ đây là lý do mà họ bị bắt giữ. Anh Tâm sinh năm 1979, có vợ và hai con, còn em gái anh sinh năm 1983 và đã ly dị. Sau khi Nga bị bắt, người chồng cũ đưa hai đứa con chung về nuôi.

Sau khi bắt cô Nga, an ninh cộng sản chiếm Facebook của cô rồi loan tin cô đã chạy sang Thái Lan. Tuy nhiên, chiêu này của mật vụ cộng sản đã bị bóc mẽ vì những người bạn thân của cô nói nếu cô an toàn thì cô đã liên lạc với họ.

Việc bắt cóc cô Nga là một trong nhiều vụ bắt cóc người hoạt động của lực lượng an ninh cộng sản trong thời gian gần đây. Trong nhiều vụ, người hoạt động bị giam giữ nhiều tháng trời mà gia đình và bạn bè không hề hay biết.

=====

Thượng nghị sỹ Tim Kaine nói nhân quyền phải là trụ cột trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Theo Thượng Nghị sỹ Tim Kaine, nhân quyền phải là một cột trụ trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và Washingtin phải đòi hỏi Hà Nội cải thiện nhân quyền cùng với việc nâng cấp quan hệ song phương.

Ông Kainephát biểu tại Virginia ngày 29/4 sau chuyến đi Việt Nam cùng một đoàn 9 thượng nghị sỹ Hoa Kỳ trong giữa tháng 4, một chuyến đi do Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy khởi xướng với mục đích khởi động những dự án giúp nạn nhân chiến tranh Việt Nam.

Ông nói Hoa Kỳ đang cố gắng giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề để lại sau chiến tranh và có quyền đòi hỏi phía Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Trong chuyến làm việc 5 ngày ở Việt Nam, đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với một số nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ở Việt Nam để tham khảo ý kiến họ về tình hình nhân quyền ở đây.

Trong các cuộc tiếp xúc với một số quan chức cao cấp của nhà cầm quyền Việt Nam, đoàn đã đề cập đến vấn đề tù nhân lương tâm và đưa ra danh sách 7 tù nhân lương tâm nổi bật, trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức. Đoàn cũng nhắc đến việc của công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễnbị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.” Tuy nhiên, phía Việt Nam nói họ không biết các trường hợp này và cần thêm thông tin từ phía Hoa Kỳ.

Ông Kaine cho biết Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền qua kênh Thượng viện và Đại Sứ quán ở Việt Nam.

Trong chuyến đi này, đoàn tham dự buổi khởi động dự án tẩy sạch chất độc dioxin do Hoa Kỳ tài trợ ở sân bay Biên Hòatrị giá 183 triệu đô la. Đoàn cũng chứng kiến việc ký một bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hòa Kỳ (USAID) với chính phủ Việt Nam để giúp đỡ những người bị tàn tật, ảnh hưởng do bom mìn chiến tranh và chất độc da cam.

======

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia?

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người đang bị giam giữ ở Trại tạm gian T16 của Bộ Công an cộng sản ở Hà Nội từ cuối tháng 1 năm 2019, có thể đang bị điều tra về tội danh thuộc phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.

Theo gia đình, hơn 3 tháng qua, kể từ khi bị giam giữ ở Hà Nội, ông chưa được gặp gia đình và luật sư. Ngay sau khi được biết ông bị giam ở T16, gia đình đã ký hợp đồng pháp lý với luật sư Trần Vũ Hải và luật sư này đã nộp đơn đề nghị được thăm gặp thân chủ của ông, nhưng bị cơ quan công an điều tra từ chối, nói rằng đang trong giai đoạn điều tra ông Nhất.

Cơ quan công an điều tra thường từ chối cho bị can gặp gia đình và luật sư trong các vụ án chính trị, đặc biệt là trường hợp đối với người bất đồng chính kiến và hoạt động xã hội. Họ thường bị biệt giam trong nhiều tháng, thậm chí đến 20 tháng biệt giam.

Bạch Hồng Quyền, người từng giúp ông Nhất ở Bangkok hồi đầu năm, nói ông có chia sẻ với anh rằng ông có một số thông tin nhạy cảm về Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc.

Tuần trước, gia đình ông Nhất cũng không được phép tiếp tế thực phẩm cho ông, như nhiều người bị giam giữ trong thời gian điều tra. Trại giam không giải thích cụ thể mà chỉ nói theo lệnh từ cơ quan điều tra.

Trong một buổi họp báo cuối tháng 3, Trung tướng công an cộng sản Trần Văn Vệ, chánh văn phòng Bộ Công an, nói ông Nhất có liên quan đến một số phi vụ mua tài sản của văn phòng đại điện báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng có sự tham gia của cựu thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm). Tuy nhiên, tướng Vệ cũng không nói ông Nhất đang bị điều tra về cáo buộc gì.

Ông Nhất, người từng bị tù 2 năm trong năm 2013-2015 vì cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì viết nhiều bài chỉ trích ban lãnh đạo cộng sản trên blog cá nhân “Một góc nhìn khác.”

Tháng 1 năm 2019, ông Nhất nhập cảnh trái phép vào Thái Lan, đến văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tỵ nạn để đăng ký tỵ nạn chính trị ngày 25/1. Một ngày sau, ông bị cho là mất tích và theo một số nguồn tin, ông bị mật vụ cộng sản bắt cóc ở Bangkok và đưa về Việt Nam.

Một số tổ chức quốc tế như Ký giả Không Biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Ân xá Quốc tế (AI), và Quan sát Nhân quyền (HRW) và Chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng hối thúc nhà cầm quyền Việt Nam làm rõ tình trạng của ông Nhất.

=====

Liệu người lao động Việt Nam có được thành lập công đoàn độc lập?

Nhà cầm quyền Việt Nam đang sửa đổi Luật Lao động theo hướng cho phép người lao động được thành lập công đoàn độc lập, tuy nhiên, việc áp dụng điều này trong thực tế hiện vẫn là một dấu hỏi.

Luật này nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Theo dự thảo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì “thành viên ban lãnh đạo của công đoàn độc lập cơ sở không phải là người đang chấp hành án phạt hoặc chưa được xóa án liên quan tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân…theo quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam…”

Dự luật quy định “…người lao động có quyền thành lập, tham gia và hoạt động công đoàn độc lập (gọi là tổ chức đại diện của người lao động) ở cơ sở và công đoàn độc lập cơ sở được hoạt động hợp pháp chỉ khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN)hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.”

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già cho biết việc thực thi luật này trong cuộc sống sẽ là một dấu hỏi lớn. Ông cho rằng hầu hết cái gọi là “tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm quyền tự do dân chủ” đều do nhàcầm quyền cộng sản đặt ra và là những điều vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Ôngnói Việt Nam chưa có luật về hội thì căn cứ vào đâu để công nhân lập công đoàn độc lập.

Thứ đến là Việt Nam cũng chưa có luật biểu tình và nhà cầm quyền tuỳ tiện đàn áp mọi cuộc biểu tình, trong khi đình công cũng là một dạng biểu tình.

Luật này khó có thể đi vào cuộc sống khi chế độ còn đàn áp tự do ngôn luận, nhà báo độc lập Thảo Vy viết trên Việt Nam Thời báo.

Quốc tế đang hối thúc Việt Nam ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức. TLĐLĐVN là một tổ chức nằm dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản.

===== 02/5 =====

Côn đồ lại phá hoại tài sản của giáo xứ Mỹ Khánh, khiêu khích linh mục Đặng Hữu Nam

Một tên côn đồ trá hình trong bộ quần áo thày tu đã đột nhập vào giáo xứ Mỹ Khánh ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để đập phá camera gần nhà thờ nhằm mục tiêu khiêu khích linh mục Đặng Hữu Nam.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 02/5, Nguyễn Văn Hoèở xã Hoà Khánh, với bộ quần áo thày tu còn nguyên nếp gấp, đã lẻn vào giáo xứ để đập phá. Hắn ta đã bị giáo dân ở đây bắt giữ và gọi công an đến giải quyết.

Đây cũng có thể là một mũi tên nhằm mục tiêu thứ hai là chia rẽhaicộng đồng Cônggiáo và Phật giáo, khi kẻ phá hoại khoác áo thày tu bên Phật giáo.

Linh mục Đặng Hữu Nam, một người năng nổ giúp đỡ ngư dân ở vùng Diễn Châu bị ảnh hưởng bởi việc Formosa sả thải gây ô nhiễm môi trường ở 200 km ven biển miền Trung. Tuy bị ảnh hưởng nặng nề trong nghề cá và các ngành nghề khác liên quan đến biển, nhưng người dân ven biển của tỉnh Nghệ An không được xem xét bồi thường.

Sau khi hỗ trợ nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn của ngư dân Diễn Châu, linh mục Đặng Hữu Nam bị sách nhiễu nhiều lần bởi nhà cầm quyền địa phương trước khi ông bị thuyên chuyển sang giáo xứ Mỹ Khánh.

Là một người bất đồng chính kiến, ông từng bị mật vụ cộng sản đánh đập đêm 31/12/2015 gần nhà xứ thuộc địa bàn xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu. Khi đó, ông bị 4 tên giả dạng côn đồ lao vào đánh đập, một trong số những kẻ thủ ác là trưởng công an xã An Hòa.

Ngày 4/8/ 2016, khi ông ra Hà Nội nhằm mục đích chữa bệnh, ông đã bị an ninh mặc thường phục bắt cóc đưa về đồn công an ở quận Cầu Giấy, nơi ông bị giam giữ trong hơn 4 giờ.

Sau khi chuyển đến Mỹ Khánh, ông đã bị nhà cầm quyền xã Khánh Thành đạo diễn một vụ đấu tố bằng việc huy động nhiều cư dân tới trụ sở uỷ ban xã để lên án các hoạt động ôn hoà của ông.

——————–

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc không được chữa trị dù lâm nhiều bệnh nặng

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc, người đang thụ án tù 13 năm tại Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An, không được chữa trị y tế dù ông đang mắc nhiều trọng bệnh.

Theo vợ ông là bà Bùi Thị Rể thì ông đang mắc một số bệnh nan y như tim mạch, trĩ và viêm giác mạc. Ông có đề nghị Ban giám thị trại giam cho ông đi khám mắt nhưng họ không trả lời. Hiện mắt của ông bị mờ và ông không thể nhìn rõ.

Bệnh tim mạch của ông càng trở nên nguy hiểm với cái nóng mùa hè ở tỉnh Nghệ An trong điều kiện giam giữ khắc nghiệt. Do chế độ ăn uống kham khổ, bệnh trĩ trở nên nặng hơn.

Bà Rể kể trong lần thăm gặp vào ngày 30/4 vừa qua, bà thấy sức khoẻ của ông suy sụp nghiêm trọng.

Ông Túc là một người hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Thái Bình. Ông từng bị bắt năm 2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và bị kết án 4 năm tù giam. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động và tham gia Hội Anh em Dân chủ. Ông bị bắt ngày 01/9/2017 khi đang giữ chức vụ chủ tịch của tổ chức này.

Ông bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế. Trong phiên phúc thẩm ngày 14/9/2018, ông đã hô to “Địt mẹ toà” để bày tỏ sự khinh miệt hệ thống toà án cộng sản ở Việt Nam.

Trại giam số 6 là nơi có điều kiện giam giữ hà khắc nhất Việt Nam, nơi đây có nhiều tù chính trị nổi tiếng đã và đang thi hành án. Nhiều người đã phải tuyệt thực dài ngày để phản đối sự đối xử vô nhân đạo đối với tù chính trị, như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Trần Huỳnh Duy Thức.

Cựu nhà giáo Đào Quang Thực, người bị kết án 14 năm tù giam vì tội danh nguỵ tạo “hoạt động lật đổ chính quyền,” cũng đã bị chuyển đến đây tuần trước.

=====

An ninh Sài Gòn vẫn nhắm mục tiêu 3 nhà hoạt động trong vụ tấn công đêm nhạc của ca sỹ Nguyễn Hữu Tín

Lực lượng an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhắm mục tiêu 3 nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đại và ca sỹ Nguyễn Hữu Tín sau khi đánh đập họ tàn nhẫn trong đêm nhạc của ca sỹ bất đồng chính kiến trong năm 2018.

Nguyễn Đại cho biết một người tên là V. từng có mặt trong đêm nhạc đó nói với anh rằng cô bị an ninh cộng sản Sài Gòn thẩm vấn 3 lần trong hai tuần gần đây, và lần nào cũng hỏi về việc tổ chức liveshow ca nhạc của anh Tín.

Cô V. nói công an Sài Gòn dường như muốn nguỵ tạo một vụ án “tổ chức gây rối trật tự” với sự chủ mưu của anh Đại, anh Tín và chị Trang.

Nhà hoạt động Đại cho biết anh là người tổ chức đêm nhạc và chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Tín và Trang không dính dáng gì đến việc tổ chức sự kiện này.

Xin nhắc lại, vào đêm 15/8/2018, ca sỹ Tín thực hiện show diễn “Sài Gòn kỷ niệm” ở quán cafe Casanova trước khoảng 50 khán giả. Chương trình mới bắt đầu thì lực lượng liên ngành gồm thanh tra chính phủ, công an phường và an ninh thường phục xông vào quán đòi lập biên bản với lý do biểu diễn mà không xin phép.

Ca sĩ Tín phải lên xin lỗi khán giả và đề nghị mọi người “đi về cùng với nhau.” Tuy nhiên, khi khán giả ra về thì nhiều người trong số họ bị đánh, trong đó có nhà báo độc lập Trang. Cô bị đánh nặng đến nỗi phải nhập viện vì “chấn động não.”

Công an cũng đánh đập Tín và Đại một cách tàn nhẫn, sau đó trói tay và trùm đầu họ rồi đưa họ đến một địa điểm hoang vắng thuộc huyện Củ Chi để ném xuống.

Một số tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế và Quan sát Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam điều tra sự việc và đưa những kẻ thủ ác ra chịu trách nhiệm trước công lý.

=====

Thêm 3 Facebooker bị bắt vì kêu gọi biểu tình, hiện đang bị giam giữ ở Đồng Nai

Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Đồng Nai lại bắt giữ 3 Facebooker Ngài Nam Tước, Las PlagasVy Bùi và hiện đang giam giữ họ tại Trại tạm giam B5 của công an tỉnh.

Chưa rõ nguyên nhân thực sự của vụ bắt giữ nhưng theo một số người hoạt động thì có thể vì họ kêu gọi biểu tình đòi tôn trọng quyền công dân. Một số nhà hoạt động đang tìm hiểu xem họ bị cáo buộc gì.

Người thứ nhất có tên thật là Nguyễn Đình Khuê còn hai trường hợp còn lại chưa biết tên thật là gì. Họ bị mất tích từ 5 ngày trước đây và khả năng cao là họ bị mật vụ bắt cóc.

Theo trang Facebook cá nhân của họ thì 3 người này thường viết và chia sẻ những bài viết nói về hiện trạng hiện nay của đất nước và chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản.

Sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, nhà cầm quyền cộng sản ở nhiều địa phương gia tăng bắt giữ người chỉ trích chế độ trên mạng xã hội Facebook.

Ngoài việc bắt giữ công khai, nhà cầm quyền ở nhiều địa phương tiến hành nhiều vụ bắt cóc người hoạt động, điển hình là 8 trường hợp của nhóm Hiến Pháp tháng 9 năm 2019, nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, và 3 trường hợp trên. Trong nhiều trường hợp, mật vụ bắt cóc rồi đưa về giam giữ nhiều tháng mà không thông báo cho gia đình.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ gần 20 người về lý do chính trị, trong đó có 15 người chỉ vì những hoạt động ôn hoà trực tuyến. Còn theo NOW! Campaign, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm, những người bị giam cầm chỉ vì thực thi quyền cơ bản trong Hiến pháp 2013 và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

===== 04/5 =====

Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị quản thúc, theo đuôi trước ngày Anh Ba Sàm được tự do

Hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội bị quản thúc từ ngày 04/5, một ngày trước khi ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm) được trả tự do, vì nhà cầm quyền Việt Nam không muốn họ có thể đi đón ông ở Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá).

Bà Nguyễn Thuý Hạnh, người điều hành Quỹ 50K chuyên hỗ trợ người hoạt động và thân nhân của họ, cho biết có 4 mật vụ cộng sản lảng vảng quanh căn hộ của bà ở Royal City nhằm ngăn cản bà đi ra ngoài.

Nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xoè cũng nói trên trang Facebook cá nhân rằng có ít nhất hai thanh niên mặc thường phục ngồi canh gần cầu thang của nhà ông, như nhiều sự kiện khác.

Ông Vinh, người bị kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với án tù 5 năm chỉ vì đăng tải hàng nghìn bài viết mang tính khai dân trí ở trang blog Anh Ba Sàm, sẽ được trả tự do vào ngày 05/5 tới đây.

Trước đây nhiều tháng, bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông, đã gửi thư lên bộ trưởng bộ công an cộng sản Tô Lâm để chất vấn về hình thức mà anh được trả tự do.

Vài tháng trước ngày ông được tự do, Ban lãnh đạo Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) nói rằng ông Vinh sẽ bị thả ở một nơi vắng vẻ nếu có nhiều người đến trước cổng trại để căng băng rôn hay chào đón ầm ĩ.

Trong thư của mình, bà Hà, người cùng chồng và Tô Lâm học chung một lớp ở Học viện an ninh, yêu cầu bộ trưởng công an phải giải thích lời đe doạ trên.

Theo bà, phía trại giam phải trả tự do cho ông Vinh ngay tại cổng trại, và việc đón tiếp ông từ bạn bè, người thân nếu có thì không vi phạm pháp luật. Ông Vinh không phải là người yêu cầu họ đến đón, và do vậy, ông không chịu bất cứ hậu quả nào.

Theo tin tức trên Facebook của bà Hà thì dường như cả Trại giam số 5 và bộ trưởng Tô Lâm không phản hồi thư của bà. Bà nói bà sẽ làm một số hành động tiếp theo để bảo vệ quyền lợi cho chồng.

Ông Vinh là chủ trang blog Anh Ba Sàm, chuyên đưa tin về chính trị và xã hội Việt Nam với mục tiêu “phá vòng nô lệ” và nâng cao dân trí người Việt. Nhiều bài viết đăng ở trang đã đụng chạm đến chế độ cộng sản, và ông đã bị bắt và kết án tù cho dù bố ông từng làm cán bộ cao cấp của đảng cộng sản cầm quyền còn bản thân ông từng là sỹ quan an ninh. Blog của ông từng là một trang thông tin hấp dẫn với hàng trăm nghìn người đọc mỗi ngày.

===== 05/5 =====

Mật vụ bao vây quanh nhà trong ngày Anh Ba Sàm mãn hạn tù

Nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm) đã trở về nhà sau khi mãn hạn án tù 5 năm vì cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999.

Theo gia đình, sức khoẻ của ông Vinh tương đối tốt cho dù có gày và già đi khá nhiều so với thời gian trước khi bị bắt ngày 05/5/2014, đúng ngày sinh nhật lần thứ 58 của mình.

Ngay sau khi đón ông tại cổng nhà tù, gia đình đã đưa ông đi kiểm tra tổng quát sức khoẻ.

Từ sáng nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa khoảng 40-50 công an và mật vụ cùng dân phòng phong toả các con đường dẫn vào nhà riêng của ông ở phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội). Chúng ngăn tất cả các loại xe vào ngõ và chặn tất cả những ai vào thăm, kể cả luật sư Trần Vũ Hải.

Một ngày trước, công an Hà Nội cũng đưa quân bao vây hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội và không cho họ ra ngoài với mục đích ngăn cản họ đi đến Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) để đón ông.

Trước đó, phía trại giam cũng đe doạ gia đình rằng sẽ đưa ông đến một địa điểm vắng xa trại giam để trả tự do cho ông nếu có nhiều người đến đón ông tại cổng trại và gây ồn ào. Gia đình ông đã gửi đơn lên Bộ Công an cộng sản để phản đối dự định của trại giam

Ông Vinh, con một cán bộ cao cấp của chế độ cộng sản, bị bắt vì đăng tải hàng nghìn bài viết mang tính khai dân trí ở trang blog Anh Ba Sàm, một blog chuyên đưa tin về chính trị và xã hội Việt Nam với mục tiêu “phá vòng nô lệ” và nâng cao dân trí người Việt. Nhiều bài viết đăng ở trang đã đụng chạm đến chế độ cộng sản, và ông đã bị bắt và kết án tù cho dù bố ông từng làm cán bộ cao cấp của đảng cộng sản cầm quyền còn bản thân ông từng là sỹ quan an ninh. Blog của ông từng là một trang thông tin hấp dẫn với hàng trăm nghìn người đọc mỗi ngày.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây: /2019/05/06/vietnam-human-rights-defenders-weekly-report-for-april-29-may-5-2019-blogger-anh-ba-sam-completes-his-5-year-imprisonment/