Công dân Ngô Văn Dũng bị Công an TP.HCM bắt cóc?

Việt Nam Thời báo, ngày 20/9/2018 

Huỳnh Thị Kim Nga, cư trú tại thôn 1, xã Eatu, thành Phố Ban Ma Thuột cho biết tin nhắn cuối cùng mà bà nhận được của chồng là “anh bị bắt ở công an phường Bến Thành”.

Sau tin nhắn đó, ông đã biệt tích?

‘Phường Bến Thành’ trong tin nhắn thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhanh sau đó, bà Nga cùng con trai đã vào Sài Gòn. Tại trụ sở phường Bến Thành, bà được cho hay là đã chuyển những người bị tạm giữ do nghi vấn tham gia biểu tình sang bên sân vận động Tao Đàn, quận 1. Ông Ngô Văn Dũng chồng bà nằm trong danh sách chuyển này.

Nhà chức trách ở Tao Đàn nói rằng đã chuyển hồ sơ và người bị tạm giữ hành chính về địa phương họ cư trú. Thế nhưng khi quay về Ban Ma Thuột, bà vẫn bặt tin tức của chồng. Tìm sang Công an tỉnh Đắc Lắc, nơi này cho biết không có giữ ông Ngô Văn Dũng.

Như vậy ông Ngô Văn Dũng thật sự đã bị chuyển về đâu?

Trong một tiếp xúc vào sáng ngày 18-9 tại Sài Gòn khi bà cùng con trai thêm nhiều lần nữa đi tìm chồng tại TP.HCM, bà cho hay đã nửa tháng trôi qua mà gia đình vẫn không biết chồng của bà đang bị giam giữ ở đâu? Liệu một người có nơi cư trú rõ ràng, có thể bị bắt giữ mà thân nhân của người này không có quyền biết người thân của mình đang bị giam giữ nơi nào?

Ông Ngô Văn Dũng là ai?

Ông Ngô Văn Dũng là người được nhắc nhiều đến vụ việc hồi đầu năm nay Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã thông báo với hơn 500 giáo viên rằng do tuyển dụng dôi dư và sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên năm 2018 với chỉ tiêu khoảng 80 người.

Ông Dũng đã đưa tin tức vụ việc này trên cương vị là một nhà báo độc lập (ông Dũng không phải là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam). Kết quả, ông Dũng bị công an địa phương tỉnh Đắk Lắk xử phạt hành chính ông, với lý do đưa tin vụ 600 giáo viên bị lừa đảo, mất tiền mất việc.


 Facebook cá nhân của ông Ngô Văn Dũng có gần 11.000 lượt theo dõi. Ảnh: chụp màn hình

Trên mạng xã hội facebook, ông Ngô Văn Dũng được biết đến là một người thường xuyên sử dụng tiện ích ‘livestream’ để chia sẻ những suy nghĩ cá nhân về các vấn đề dân sinh, trong đó có các quyền dân sự về chính trị của công dân được Hiến định. Và đây có lẽ chính là một trong những vấn đề khiến ông nằm trong tầm ngắm về cảnh báo mà nhiều công dân trước đó đã phải đối mặt với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, hoặc tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Ngô Văn Dũng có bị ‘lợi dụng’?

Rất có thể như vậy. Dường chừng ông Ngô Văn Dũng bắt đầu được lực lượng an ninh chú ý, vì nhiều clip livetream trên facebook tài khoản Biển Mặn của ông đã được nhiều kênh Youtube của vài nhóm người Việt tại nước ngoài lấy về, biên tập lại và gắn thêm vào logo của họ, như kênh TV256 (lập từ ngày 29-8-2007), rồi kèm theo nhiều bình phẩm, hô hào kêu gọi xuống đường với đòi hỏi cần thay đổi nhanh chóng thể chế chính trị trước họa xâm lăng của Trung Quốc.

Ở Hà Nội có kênh Chấn Hưng Việt cũng thường xuyên sử dụng clip livestream của ông Ngô Văn Dũng chia sẻ trên tài khoản facebook Biển Mặn.

Câu hỏi đặt ra: liệu có phải từ nghi vấn ông Ngô Văn Dũng tham gia thành lập đảng phái chính trị, nên lực lượng an ninh đã sử dụng các điều khoản cho phép trong nội bộ ngành về việc bắt giữ hình sự ông Ngô Văn Dũng, bất chấp các quy định hành chính về trình tự của Bộ Luật Tố tụng hình sự?

Án chính trị thường là… bất chấp!

Trao đổi với một số luật sư từng tham gia bào chữa các vụ án liên quan đến Hội Anh em dân chủ, Phong trào Chấn Hưng Việt, thì nhìn chung các công dân được gọi là ‘nhà bất đồng chính kiến’, nếu bị bắt giữ hình sự trong một vụ án xác lập, thông thường trễ lắm là 36 tới 48 giờ là quyết định bắt giữ được gửi về nơi cư trú của nhà bất đồng đó. Lưu ý, trên các giấy tờ cho thủ tục tố tụng này vẫn ghi đúng thời gian bắt giữ trong phạm vi luật định.

Việc khám xét nhà, trong cùng một vụ án, như trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển thì không xét nhà, nhưng lại có lệnh khám xét nhà và thu giữ một số vật dụng đối với ông Trương Minh Đức.

Việc kêu gọi của truyền thông về tôn trọng quyền dân sự chính trị của công dân trong các trường hợp là vụ án thuộc diện an ninh quốc gia, thường chỉ mang giá trị tương đối; thậm chí ở loại án này, phía luật sư cũng luôn bị từ chối tham gia trong giai đoạn xét hỏi. Chỉ khi kết luận điều tra hoàn tất, chuyển sang Viện Kiểm sát để nơi này xem xét ra cáo trạng, thì luật sư mới được tiếp cận hồ sơ từ cơ quan tòa án. Đây cũng là khoản thời gian ngắn ngủi cho luật sư tiếp xúc thân chủ.

Án tham nhũng hại dân, hại nước thì được ưu ái luật sư…

Xin được nói thêm về vấn đề này để thấy rằng có sự khác biệt rất lớn giữa án hình sự ‘hại dân, hại nước’ như tham nhũng, với án chính trị (có thể hiểu là các vụ án xử tù nhân lương tâm – những người đấu tranh ôn hòa, bất bạo động) được gọi là nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Với việc gây hậu quả khốc liệt trong hại dân, hại nước của các đại án tham nhũng, thế nhưng phía luật sư được tham gia ngay sau khi vụ án được khởi tố.

Luật sư được có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý, được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; Xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; Được đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam…

Trái ngược hoàn toàn với những nội dung trên, nếu người bị bắt giữ đó thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ Chương XIII, gồm 14 điều, từ Điều 108 đến Điều 122 của Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Luật quy định như thế nào về bắt giữ hình sự?

Ngay cả việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp cũng cần có lệnh giữ người. Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ những nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 110 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thì cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành 3 hoạt động: (1) Lấy lời khai ngay người bị giữ. (2) Ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. (3) Gửi ngay Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cho Viện kiểm sát, kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Để bảo đảm việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được thận trọng, chính xác, tránh việc lạm dụng quyền hạn bắt khẩn cấp, bảo đảm các quyền và lợi ích của người bị bắt, điều luật cũng quy định Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp.

Trong trường hợp cần thiết Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn, hoặc quyết định không phê chuẩn.