Sao lại kêu gọi biểu tình bạo động?

Trần Thành, Việt Nam Thời báo, ngày 02/9/2018  

Khá nhiều lời kêu gọi biểu tình vào tuần lễ đầu tháng 9 này, kèm theo việc người tham gia biểu tình cần tự trang bị một số vật dụng có thể làm vũ khí để tự vệ khi bị đàn áp. Ví dụ như hai khúc mía để có thể vừa nhai có chất ngọt giúp lợi sức, vừa là vật dụng để chống trả lại sự đàn áp của lực lượng công quyền. Ngoài ra còn có lời kêu gọi biểu tình nhằm lật đổ thể chế chính trị đang cầm quyền.

Lằn ranh giữa hai khúc mía

Về nguyên tắc pháp luật, đúng là công dân được phép làm những điều mà pháp luật không cấm; theo đó, ngoài các vũ khí, công cụ hỗ trợ mà pháp luật cấm tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thì người dân có thể sử dụng loại công cụ tự vệ khác để bảo vệ an toàn cho mình; hai khúc mía như lời kêu gọi mang theo ở cuộc biểu tình là một đơn cử.

Còn luật quy định cụ thể ra sao về chuyện vũ khí, thì người dân có thể tìm đọc chi tiết ở Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 [tải về tạ ihttp://bit.ly/2PiLa5I]

Ghi nhận tại Sài Gòn, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ chuyện nếu bị đàn áp khi biểu tình, hãy chủ động tự vệ. Nếu số đông người biểu tình cùng tâm thức tự vệ như vậy trước sự đàn áp, thì đến lúc nào đó bạo loạn sẽ diễn ra, khi bạo lực lấn áp mục đích biểu tình ban đầu.

Cảnh sát cơ động đối mặt với đoàn người biểu tình ở Bình Thuận. Nguồn: Facebook

Ở đây có thể chia sẻ cảm xúc đó của người biểu tình, vì hễ ở đâu dân bất bình, nơi ấy tất có tụ tập; nếu không, không thể nói dân làm chủ. Ngược lại, nếu nhà nước bất chấp và cấm đoán, tất nhiên việc phản ứng, bức xúc xã hội sẽ tích tụ, cộng hưởng ngày một lớn hơn cho tới khi quá ngưỡng, chuyển qua bạo động.

Điều này dễ hình dung nếu liên tưởng đến những cuộc đình công của người lao động. Quyền thành lập công đoàn độc lập đương nhiên chưa được thừa nhận tại Việt Nam, nhưng chính quyền vẫn chấp nhận công nhân đình công qua hình thức biểu tình. Khi ấy, chính quyền chủ yếu khoanh vùng, cho phép biểu tình cho đến khi tình hình lắng dịu, và đề nghị giới chủ thương thảo lại với người lao động. Như vậy, chính quyền đã cho công nhân thứ công nhân muốn – các lợi ích vật chất về lương thưởng, và điều kiện làm việc thông qua cuộc biểu tình đình công ấy.

Rõ ràng từ thực tiễn có được qua những cuộc biểu tình đình công ấy, cho thấy một tập hợp người tay không, ôn hoà, có muốn cũng không thể gây tổn hại được gì cho nhà nước. Giới hạn quyền tụ tập ở cuộc biểu tình đình công ấy, có thể được đưa ra theo ý nghĩa không gây mất trật tự an toàn chung ở cụ thể nơi diễn ra cuộc biểu tình đó.

Bởi giống như bất cứ quyền cơ bản nào, từ tự do đi lại, đến nơi ở, làm việc, tín ngưỡng… trong những tình huống đặc biệt, quyền tụ tập đều buộc phải chịu giới hạn để tránh tổn hại khi thực hiện quyền ấy.

Tụ tập đông người nhằm để thực hiện quyền biểu tình: chưa có văn bản chế tài

Hiến pháp quy định công dân “có quyền biểu tình” theo “quy định của pháp luật”. Pháp luật ở đây là người dân khi tham gia biểu tình không mang theo hung khí, và nhà nước có trách nhiệm ban hành văn bản lập pháp để bảo đảm quyền biểu tình, chứ không phải cho phép quyền đó được sử dụng.

Một khi nhà nước đã thiếu văn bản luật, đồng nghĩa với thiếu sự bảo hộ của nhà nước đối với quyền biểu tình của công dân, đặt công dân và cả nhà nước vào thế rủi ro, hành động và hành xử thiếu chuẩn mực luật pháp. Trách nhiệm ấy thuộc về nhà nước, không thuộc về công dân nếu chẳng may họ tụ tập biểu tình gây ra hệ quả tiêu cực không cố ý.

Theo cách hiểu như phân tích ở trên, thì tụ tập đông người hay ít người cho mục đích biểu tình, sẽ không chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” mà nhiều người tham gia biểu tình thời gian vừa qua đã bị xử phạt [tải về tại http://bit.ly/2wyxpbn].

Cách hiểu nói trên cũng tương tự cho Nghị định 38/2005/NĐ-CP về “quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng” [tải về tại http://bit.ly/2MDRoQO].

Thế nhưng nếu người tham gia biểu tình lại chủ động mang theo những vật dụng mang tính tự vệ có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, hệ lụy sẽ dễ dẫn đến việc không kềm chế khi có những xô xát ngay trong cuộc biểu tình. Đây sẽ là lý do để lực lượng công quyền thẳng tay trấn áp mà không phải chịu búa rìu cho việc đàn áp nhân quyền. Từ cách hiểu đó cho thấy nhiều khả năng về lời kêu gọi xuống đường biểu tình kèm theo vật dụng tự vệ, là việc ‘gắp lửa bỏ tay người’ của chính phe nhóm ẩn danh trong lực lượng công quyền.

Người viết tin rằng có thể ở đâu đó chính quyền chưa thực sự lắng nghe, thậm chí xâm hại lợi ích của người dân; nhưng giữa rất nhiều con đường đấu tranh đòi công bằng, việc sẵn sàng sử dụng bạo lực để đáp trả bạo lực ngay trong cuộc biểu tình là giải pháp tồi tệ nhất.

Nếu có cuộc biểu tình ôn hòa cho đòi hỏi vấn đề bức xúc nhân sinh, kinh nghiệm từ Hong Kong cho thấy những cây dù vừa là vật dụng thiết yếu che chắn nắng mưa cho những người biểu tình, mà còn biến chúng thành những vật dụng tự vệ lợi hại chống lại hơi cay, đạn cao su hay vòi rồng của cảnh sát.