Đường về nào cho tội phạm và nạn nhân ấu dâm?

Ảnh: National Association of Adult Survivors of Child Abuse.
Luật Khoa tạp chí, ngày 29/5/2018

 

Pháp luật hình sự trên thế giới luôn tồn tại sự đối chọi căng thẳng giữa công lý trừng phạt(Redistributive justice) và công lý hồi phục (Restorative justice).

Công lý trừng phạt cho rằng tội phạm là hành vi cá nhân với trách nhiệm cá nhân, chống lại trật tự xã hội do nhà nước lập ra và cần bị trừng phạt nghiêm khắc để đảm bảo rằng tội phạm mới sẽ không diễn ra.

Ngược lại, công lý hồi phục thì lại lập luận là hành vi phạm tội không chỉ có khía cạnh cá nhân và quyết định độc lập của người thực hiện hành vi, mà còn có cả tác động và ảnh hưởng từ môi trường xã hội. Nếu chỉ trừng phạt người thực hiện hành vi không thôi là chưa đủ để thay đổi căn nguyên của tội phạm.

Vì vậy, mục tiêu chính của công lý hồi phục là tái hòa nhập người phạm tội trở lại cộng đồng, giảm thiểu tối đa tổn thất tâm lý mà nạn nhân phải chịu. Đặc biệt, công lý hồi phục cũng tập trung mạnh vào việc khôi phục mối quan hệ giữa nạn nhân và tội phạm với cộng đồng trong vai trò trung gian tích cực.

Tuy nhiên, khi nhắc đến các tội danh liên quan đến xâm phạm tình dục, mà nghiêm trọng hơn là ấu dâm, thì cán cân giữa công lý trừng phạt và công lý hồi phục gần như lệch hoàn toàn sang loại công lý đầu tiên.

Tại Việt Nam, một quốc gia còn thuần tính Đông Á, thì lần đầu va chạm (hay thật sự là phơi bày) với các bản án ấu dâm như của diễn viên Minh Béo hay của ông Nguyễn Khắc Thủy, sẽ dẫn đến sự phẫn nộ cùng cực của cộng đồng là một phản ứng trực quan dễ hiểu.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu những tội phạm, và kể cả nạn nhân trong các vụ ấu dâm có đường nào trở về với cộng đồng?

Sự tức giận đáng… thông cảm

Tội ấu dâm khác với các tội phạm nghiêm trọng khác như giết người, gây thương tích, phá hoại tài sản, v.v. – là những tội mà người làm ra hành vi có thể vì do ảnh hưởng của môi trường và sự tác động từ nhiều nguồn khác, kể cả từ nạn nhân.

Cho nên theo quản điểm của tôi, thì người thực hiện hành vi cấu thành tội ấu dâm có tính lỗi cao hơn.

Đối với tội giết người, kẻ giết người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một hành vi phạm pháp khác của nạn nhân. Hay ít nhất, theo lẽ thường, hai bên có thể đều có xích mích, mâu thuẫn với nhau ở một mức độ nhất định, dù ít hay nhiều.

Trong khi đó, đối với tội ấu dâm thì người phạm tội, theo một cách chủ động và không cần lý do, đã theo dõi, tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội với những nạn nhân chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và tâm lý.

Các nạn nhân này thậm chí còn không đủ kiến thức và khả năng diễn đạt, cũng như sức khỏe thể lý để tự bảo vệ bản thân và tố cáo tội phạm. Nên họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Nói theo quan điểm của Giáo sư Mary P. Koss, ấu dâm (và nhiều tội tình dục khác) luôn là loại hành vi được tính toán sẵn từ trước, và chắc chắn kèm theo cân nhắc kỹ lưỡng từ phía kẻ phạm tội về hệ quả và lợi ích đạt được.

Một khi thực hiện hành vi, người phạm tội cho thấy họ tự nhận thức được mức độ nguy hiểm lớn. Vì tất cả những lý do này, thái độ thù địch của cộng đồng dành cho tội phạm ấu dâm là có thể lý giải .

Pháp luật, do vậy thường được yêu cầu sử dụng như một công cụ trả thù tội phạm ấu dâm theo kiểu mạng đổi mạng, bất kể rằng hình phạt đó có thể sẽ không thật sự tạo ra một kết quả tích cực nào khác.

Sự phán xét của cộng đồng được hậu thuẫn bởi một cảm xúc chung, thường là căn cứ để xem xét tính nặng nhẹ, và cả tính thích đáng của hình phạt. Tình trạng này được Giáo sư Luật và Triết họcJeffrie Murphy gọi là sự thù hận trả đũa (retributive hatred).

Dù nghe có vẻ thiếu nhân văn, song các nhà nghiên cứu pháp luật hình sự trên toàn thế giới vẫn chưa thể tìm ra cơ sở thuyết phục để áp dụng công lý phục hồi cho các tội danh trầm trọng về mặt đạo đức như ấu dâm.

Theo bình luận của chuyên gia Xã hội học và luật Hình sự Barbara Hudson, tấn công tình dục trẻ em, ấu dâm là những vụ án đặc biệt khó khăn để có thể áp dụng công lý phục hồi. Vì các biện pháp như trị liệu tâm lý không khả thi trong việc hồi phục sức khỏe tinh thần của nạn nhân để có thể trở về thể trạng lý tưởng cho sự phát triển bình thường sau này.

Trong khi đó, một cuộc đối thoại giữa nạn nhân và kẻ thủ ác, phương pháp trọng tâm của công lý phục hồi, là gần như không khả thi, do nhận thức còn chưa đầy đủ của nạn nhân và sự cố chấp nói chung của các tội phạm tình dục.

Một số các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, công lý phục hồi có thể mang dáng vẻ hào nhoáng của một phương pháp nhân đạo, công bằng cho cả nạn nhân và người phạm tội, nhưng lại không đóng góp quá nhiều cho sự hồi phục của nạn nhân hay kéo người phạm tội về phía cộng đồng.

Nạn nhân vẫn trong trạng thái kiệt sức, hoảng loạn và lo lắng, trong khi người phạm tội thường gửi lời xin lỗi cho qua, nhưng không có cảm giác ăn năn hối hận thật sự.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Kathleen Daly, vào năm 2003, có đến hơn 50% người phạm tội ấu dâm, dâm ô, xâm phạm tình dục trẻ em lo ngại về hình phạt mà họ sẽ phải nhận hơn là về cảm giác tội lỗi khi gặp lại người bị hại.

Khoảng 53% thì cho rằng họ không muốn, hoặc không cần thiết phải gặp lại nạn nhân.

Số liệu cũng cho thấy đại đa số tội phạm quan tâm về việc phục hồi danh tiếng của mình hơn là sửa chữa lỗi lầm và giúp đỡ tình trạng tâm lý không ổn định của nạn nhân.

Đây có lẽ là lý do mà biện pháp loại bỏ bộ phận sinh dục bằng phương thức hóa học – bên cạnh hình phạt tù – một biện pháp khét tiếng vô nhân đạo nhưng được cho là câu trả lời cứng rắn và hiệu quả nhất cho tội ấu dâm.

Năm 2016, Indonesia đã thông qua hình phạt nói trên với nỗ lực “dọn dẹp” sự suy đồi không thể lý giải trong một xã hội đậm tính tôn giáo của đất nước này. Đây không phải là lần đầu tiên “thiến” hóa học trở thành hình phạt cho tội ấu dâm trên thế giới.

Năm 2011, Viện Duma Quốc gia Nga cũng cho phép thiến hóa học những người bị tuyên có tội ấu dâm, và tù chung thân cho những cá nhân tái phạm ở những hình thức khác nhau. Duma Quốc gia Nga cũng loại bỏ khả năng ân xá, đặc xá cho các tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cho đến khi phạm nhân chấp hành đủ 80% hình phạt bản án đối với hình phạt tù.

Hơn nữa, dân biểu đứng đầu phong trào chống ấu dâm tại Nga vào thời điểm đó – bà Tatyana Yakovleva còn khẳng định:

“Bọn ‘ái nhi’ (Pedophiles – ND) là những thành phần bệnh hoạn và nguy hiểm, chúng không thể được xem là thành viên lành lặn của xã hội đương đại. Vì vậy, chúng tôi cần đặt lợi ích của trẻ em, những người khỏe mạnh còn cả tương lai phía trước lên trên bọn người này.”

Bình luận cực đoan của bà Yakovleva, có phần thể hiện quan điểm chung của đa số người dân trên thế giới, kể cả người dân Việt Nam, về tội danh này. Chúng ta không chấp nhận những kẻ phạm tội ấu dâm là thành viên của xã hội, vì vậy, những biện pháp trừng phạt vĩnh viễn và tàn độc như thiến hóa học được cho là hợp lý.

Ngay cả Hàn Quốc, một quốc gia Đông Á có nét tương đồng văn hóa với Việt Nam cũng đã hợp pháp hóa thiến hoá học vào đầu thập niên. Năm 2012 là lần đầu tiên hệ thống tư pháp Hàn Quốc chính thức thực hiện biện pháp trừng phạt này đối với một phạm nhân nguy hiểm, đã bị kết án hiếp dâm nhiều bé gái từ những năm của thập niên 80.

Đây cũng là nỗ lực của chính phủ đương nhiệm nhằm xoa dịu dư luận sục sôi tại Đại Hàn Dân quốc, sau khi thông tin được tiết lộ là rất nhiều tội phạm ấu dâm đã tái phạm chỉ sau một thời gian ngắn chấp hành xong hình phạt, trở về với cộng đồng.

Nếu đã không còn đường lùi, hãy cho họ một “trạm thu giá”

Người viết thú nhận rằng bản thân mình không phải là một người chống đối những biện pháp trừng phạt có phần phi nhân tính như thiến hóa học.

Nhiều nhà quan sát tại Việt Nam vừa qua phê bình người Việt Nam “lên đồng tập thể” gây ảnh hưởng đến sự độc lập của tư pháp trong vụ án của ông Nguyễn Khắc Thủy. Tôi cho rằng cái nhìn này có phần cứng nhắc thái quá.

Như đã dẫn chứng ở trên, chẳng phải ngay cả Hàn Quốc, một quốc gia được ca ngợi công tư phân minh vì bắt bớ Tổng thống như cơm bữa, người dân cũng cần “lên đồng” để rồi hệ thống tư pháp mới phải thực thi việc thiến hóa học một tội phạm đó sao?

Người Việt Nam không đơn độc trong việc thù ghét đến mức phi lý tội phạm ấu dâm. Dân biểu Nga thậm chí còn không xem tội phạm là một con người đầy đủ. Và phải chăng một hình phạt thật sự nặng như thiến hóa học có khi lại cần thiết để răn đe và bảo vệ sự phát triển lành mạnh cho trẻ em nhiều quốc gia?

Tuy nhiên, một khi đã không thể có đường lui cho người đã phạm tội ấu dâm, nạn nhân của tội danh này có lẽ cũng phải chấp nhận sự thật là họ sẽ không thể sống một đời sống bình thường nữa.

Cách tốt nhất còn sót lại là phòng ngừa triệt để tội phạm ấu dâm, nhưng bằng cách nào?

Trước tiên, có lẽ người dân Việt Nam cần chấp nhận rằng loại tội phạm này luôn luôn có thể xảy ra. Gia đình, xã hội cần dẹp qua danh tiết, tự ái để đi đến cùng xử lý vụ việc.

Như TS. Khuất Thu Hồng từng trăn trở, với hàng ngàn vụ ấu dâm được phát giác nhưng bị chìm xuồng không lâu sau đó, gia đình của các trẻ nhỏ bị hại cần đóng vai trò trọng tâm trong việc đấu tranh quyết liệt để đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng.

Mẹ của cháu gái nạn nhân trong vụ án Nguyễn Khắc Thủy rất đáng được vinh danh vì đã cố gắng trong một thời gian dài để đưa ông Thủy, nguyên là một người có vai vế trong hệ thống cơ quan công quyền, ra ánh sáng.

Thêm vào đó, một biện pháp mà nhiều nhà làm chính sách và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam chưa thử làm theo thế giới, là tạo ra một “trạm thu giá” để ngăn cản những người có khuynh hướng ái nhi đi theo con đường phạm pháp.

Giá ở đây không phải là định nghĩ “giá = phí”, mà là thông báo cái giá sẽ phải trả cho những người dự định thực hiện, hoặc có khả năng sẽ tội phạm ấu dâm.

Nước Đức sở hữu một mô hình khá điển hình về công lý phục hồi, nghiêng về phòng ngừa tội phạm ấu dâm được nhiều tờ báo danh tiếng như The Guardian khen ngợi.

Theo đó, Dunkelfeld project (có thể dịch là Don’t Offend – Đừng phạm pháp – ND) là mô hình cho phép những người mắc chứng ái nhi và lo ngại rằng mình có thể phạm tội ấu dâm được tiếp cận với các biện pháp trị liệu và tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo rằng họ có thể điều chỉnh hành vi và loại trừ các kiểu ưa thích tình dục thiếu lành mạnh của mình.

Dịch vụ được cung cấp miễn phí, đi kèm với bảo mật y tế chặt chẽ giúp cho những người có xu hướng phạm tội được bày tỏ vấn đề của mình một cách tự do nhất, từ đó học cách kiềm chế cảm xúc bản thân.

***

Sau tất cả, con đường nào là tốt nhất để phòng chống trẻ em Việt Nam khỏi tội ấu dâm?

Tôi không tin rằng chỉ vì ái nhi là một bệnh tâm lý, những kẻ thủ ác có thể biện minh cho hành vi phạm tội của mình là không cố ý. Tương tự như việc một người có giới tính nam và bị hấp dẫn bởi phái nữ không thể dùng điều đó để biện minh cho hành vi hiếp dâm.

Nếu cần thiết, và có lẽ đã đến lúc cần thiết, hình phạt dành cho tội phạm ấu dâm cần nâng lên mức nặng nhất có thể, bao gồm cả khả năng xem xét hình phạt thiến hóa học.

Nhưng khi việc đó xảy ra, cả người phạm tội và nạn nhân đều sẽ không thể quay đầu trở lại sống cuộc sống bình thường mà ai cũng đáng có.

Chủ động giáo dục giới tính cho trẻ em của gia đình, chủ động ngăn chặn và giúp đỡ người bị bệnh ái nhi trong xã hội, cùng với chủ động hành động của các cơ quan chức năng có vẻ vẫn là cách tốt nhất để Bộ luật Hình sự được thực thi một cách hiệu quả.