Căng thẳng Công giáo 2017: “Lỗi do chính quyền!”

Buổi họp mặt Hội cờ đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017.

Buổi họp mặt Hội cờ đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017.

Nhắm vào Công giáo

Điều đầu tiên cần phải nhắc lại đó là hàng loạt các cuộc biểu tình của các giáo dân khu vực miền Trung nổi dậy phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nhiều vụ biểu tình lên đến cả ngàn người.

Trong các vụ biểu tình này, nhiều giáo dân bị đánh đập, hành hung đến trọng thương. Các linh mục dẫn đầu đoàn biểu tình thì bị truyền thông trong nước lên án là kích động giáo dân làm loạn, thậm chí họ bị nói là người đứng đầu giáo xứ nhưng không làm tròn bổn phận sống tốt đời đẹp đạo.

Vào những tháng cuối năm, khi những cuộc biểu tình có vẻ như thưa thớt dần thì lại nổi lên một nhóm gọi là Hội Cờ Đỏ mà chính quyền nói là tự phát, nhưng giáo dân cho rằng nhóm này được chỉ thị từ chính quyền để tiếp tay với công an đàn áp giáo dân.

Ngoài những sự kiện lớn, thỉnh thoảng vẫn nổi lên những câu chuyện nhỏ lẻ gây ra những bức xúc trong cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Trong đó không thể không nhắc đến sự việc một quán bar ở Hà Nội cho trình diễn thời trang bị nói là xúc phạm Công giáo. Trong buổi trình diễn, những người mẫu đã mặc trang phục hở hang, đeo biểu tượng niềm tin Công giáo hoặc gắn biểu tưởng đó gần bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Vụ việc đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội từ phía người theo đạo. Cơ quan chức năng sau đó hứa hẹn sẽ xử lý nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy kết quả gì.

Đài RFA đã trao đổi với linh mục Phan Văn Lợi, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự, về nguyên nhân sâu xa dẫn đến những căng thẳng liên quan đến cộng đồng Công giáo ở Việt Nam. Linh mục Phan Văn Lợi nhận xét:

Bên công giáo đã có những hành động lên tiếng cũng như biểu tình mạnh mẽ nhất là sau vụ Formosa, cũng như luật tôn giáo. Ví dụ như luật tôn giáo mà ngày 1/1/2018 sẽ áp dụng, thì Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hai lần phê phán mạnh mẽ dự luật tôn giáo này. Điều này làm cho nhà cầm quyền không bằng lòng vì họ muốn ra luật áp đặt lên mọi tôn giáo nhất là tôn giáo có tổ chức chặt chẽ như đạo Công giáo.

Tất cả những tôn giáo nào đã bị đồng hóa và trở thành công cụ của nhà cầm quyền thì sẽ được tồn tại và ưu ái.
– Linh mục Đặng Hữu Nam

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018. Tuy nhiên Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư lên Quốc hội nêu ra những điểm hạn chế trong luật này. Trong đó, điểm gây nhiều sự phản đối nhất đó là các tôn giáo phải đăng ký với Nhà nước và nếu được cho phép thì mới có thể hoạt động.

Hôm 22/12 vừa qua, Ông Ed Royce, Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Liên Bang Mỹ đã gửi một bức thư gửi ông Daniel Kritenbrink, Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng hợp tác về an ninh Việt Mỹ không thể tiến triển nếu chính quyền Việt Nam lấy lý do an ninh quốc gia để đàn áp tôn giáo.

Vị dân cử Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại khi theo luật tôn giáo mới thì các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước, cũng như báo cáo những hoạt động tôn giáo của họ cho nhà nước. Ngoài ra đạo luật này còn nói rằng các hoạt động tôn giáo sẽ bị cấm nếu những hoạt động đó làm phương hại tới an ninh quốc gia.

Ông Ed Royce cho rằng lời lẽ của đạo luật tôn giáo này rất mù mờ, và sẽ tạo điều kiện cho Chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo.

Linh mục Phan Văn Lợi nhấn mạnh đến những cuộc biểu tình phản đối Formosa ở các giáo xứ khu vực miền Trung mà nổi bật là giáo phận Vinh. Ngoài việc biểu tình, giáo phận Vinh còn cầu cứu đến các tổ chức nước ngoài, yêu cầu tiếp tay để thế giới biết được thảm họa môi trường mà công ty Formosa Đài Loan gây nên.

Tháng 8 vừa qua, Giám Mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, người phụ trách giáo phận Vinh đã dẫn đầu phái đoàn đến tại Đài Loan nơi có trụ sở chính của công ty Formosa để đòi công lý cho người bị tác động.

Ngoài ra, cũng theo linh mục Phan Văn Lợi, nhiều giáo xứ ở Hà Nội và Sài Gòn đã tổ chức các buổi cầu nguyện cho công lý và hòa bình, trong đó có cả sự tham gia của người bên lương. Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng điều này giống như một “cái gai” trong mắt chính quyền, vì họ sợ rằng chính những buổi tụ họp như vậy là mầm mống gieo rắc tinh thần phản kháng, tố cáo chế độ.

Anh Viễn, một giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội nói rõ với ban Việt ngữ chúng tôi là mọi mâu thuẫn liên quan đến Công giáo là do chính quyền không ưa đạo Công giáo, chứ không phải là do xung khắc giữa hai bên lương và giáo:

Từ sau Giải phóng miền Nam thì thấy rõ ràng chế độ Cộng sản vô thần người ta không thích Công giáo. Đó là điều rõ ràng. Nếu người ta có buộc phải thừa nhận tự do tín ngưỡng tôn giáo thì buộc phải chấp nhận vì quốc tế quy định quyền của con người như vậy, không làm gì được. Họ muốn quốc doanh hóa Công giáo giống như Phật giáo và một số tôn giáo khác. Hoặc không thì kìm kẹp một cách rất thô bạo. Thế nhưng họ không làm được điều đó mà chỉ có thể phát động một số nơi này nơi kia, nhóm này nhóm nọ gây mâu thuẫn với đồng bào Công giáo nhân một sự kiện nào đó. Và trong tất cả những răn đe của nhà cầm quyền nói rằng thế lực thù địch, phản động, ngầm ý bao giờ cũng nhắm đến người Công giáo. Người Công giáo họ hiểu điều đó.

Đây cũng là điều được Linh mục Đặng Hữu Nam, ở Phú Yên nói đến. Linh mục Đặng Hữu Nam là một trong những người tích cực tham gia cùng bà con giáo dân khởi kiện Formosa và hỗ trợ họ khắc phục hậu quả của Formosa.  Linh mục Nam nói rằng người bên lương và bên giáo mặc dù không cùng đi trên một con đường đạo, nhưng luôn chia sẻ và đùm bọc nhau, không hề có mâu thuẫn. Ông cũng đồng tình rằng hầu hết các vụ việc dính líu đến Công giáo bấy lâu nay là do Công giáo không là một công cụ của chính quyền:

Mặc dù trong Hiến pháp đã quy định quyền tự do tôn giáo nhưng chắc chắn họ không bao giờ chấp nhận tôn giáo vì họ coi tôn giáo là thuốc phiện mê dân và  bản chất giữa vô thần và hữu thần đối lập với nhau. Thứ hai, với thể chế độc tài, người ta sẽ biến tôn giáo thành công cụ của nhà cầm quyền. Vậy thì tất cả những tôn giáo nào đã bị đồng hóa và trở thành công cụ của nhà cầm quyền thì sẽ được tồn tại và ưu ái. Còn tôn giáo nào không trở thành công cụ của họ thì sẽ bị đàn áp, bách hại. Trong số đó thì Công giáo là một trong những tôn giáo ở Việt Nam đang bị đối xử một cách tàn tệ như thế.

Hội Cờ Đỏ –  Một quân bài mới

Một sự việc gần đây nhất gây ra bức xúc trong giới Công giáo đó là sự xuất hiện của một nhóm tự xưng là Hội Cờ Đỏ. Họ có mặt tại các sự kiện có người Công giáo, khoác lá cờ đỏ sao vàng lên người và gây sự với giáo dân. Cách đây khoảng một tuần lễ, một nhóm Cờ Đỏ đã hành hung giáo dân giáo xứ Kẻ Gai ở Nghệ An khi họ đang đào một chiếc mương ngăn nước tràn vào ruộng. Sự việc được tường thuật là diễn ra ngay trước sự chứng kiến của chính quyền.

Ngày 30 tháng 10, 2017 hai linh mục ở Giáo phận Vinh đến làm việc với Ủy ban nhân dân xã Diễn Mỹ, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thì bị những người tự xưng là Hội Cờ đỏ bao vây thóa mạ, đe dọa, hai ông phải trú trong Ủy ban để an toàn. Cơ quan chức năng sau đó nói với họ đây là một nhóm tự phát trong quần chúng.

Trước đây, vào tháng đầu tháng Chín, năm 2017, một số thành viên của hội này đã đến một giáo xứ ở Đồng Nai, mang theo vũ khí, đe dọa các linh mục ở đây, với lý do là một linh mục ở đây lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý về những vấn đề xã hội trên trang Facebook của mình. Sau khi vụ việc được đem ra cơ quan công quyền, một thanh niên của nhóm này đã bị phạt 8 triệu 200 ngàn đồng, nhưng cơ quan công an từ chối trao văn bản kết quả điều tra cho những người bị đe dọa là các linh mục ở đây.

Rồi đến ngày 29 tháng 10 vừa qua, tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có cuộc gặp mặt của hơn một 1000 thành viên của các Hội Cờ đỏ ở Hà Nội, Nghệ An.

Những người Cờ Đỏ thì không dám kết luận có phải do chính quyền lập nên hay không nhưng rõ ràng chính quyền có dung túng.
– Anh Viễn, giáo dân Thái Hà

Linh mục Phan Văn Lợi nghĩ rằng Hội Cờ Đỏ không phải là một nhóm quần chúng tự phát mà do chính quyền đứng đằng sau chỉ đạo:

Bây giờ họ lợi dụng ở Việt Nam có rất nhiều người thất nghiệp. Nhà cầm quyền mới trưng dụng những con người đó và xả cho họ ít tiền để sai khiến họ. Họ dùng Hội Cờ Đỏ đó để nhà cầm quyền thoát trách nhiệm. Khi nào có các cuộc đàn áp, công an mặc sắc phục có thể đứng yên và nhìn thôi. Những thành phần khác như côn đồ, đầu gấu, công an giả dạng côn đồ hay hội cờ đỏ mới ra tay đàn áp.

Còn anh Viễn, giáo dân xứ Thái Hà lại cho rằng hiện giờ chưa có bằng chứng nào để khẳng định chắc chắn hội Cờ Đỏ có phải do chính quyền chỉ đạo hay không. Tuy nhiên, anh đánh giá:

Những người Cờ Đỏ thì không dám kết luận có phải do chính quyền lập nên hay không nhưng rõ ràng chính quyền có dung túng. Ví dụ vụ biểu tình tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma năm ngoái, sau đó họ hứa điều tra bắt người này người nọ, bọn dư luận viên đó. Nhưng cuối cùng họ không làm. Họ biết rõ từng người từng người nhưng không bao giờ có biện pháp gì cả. Tóm lại, có sự nhận thức không đúng đắn của một số người về đạo Công giáo, có sự làm ngơ của chính quyền, cộng với một số tổ chức tiếp tay.

Sự xuất hiện của hội Cờ Đỏ đã tạo nên một làn sóng chống đối trên các trạng mạng xã hội. Hầu hết những lời bình phẩm mà chúng tôi ghi nhận được cho rằng Nhà nước Việt Nam để mặc cho hội này hành động, với mục đích tạo sự chia rẽ tôn giáo, đòi hỏi chính phủ phải ngưng ngay việc này. Một trong những lời bình phẩm đăng trên Facebook, chúng tôi xin được trích nguyên văn như sau:

“Không biết ai đang lãnh đạo việc hình thành ra đội quân cờ đỏ này để đối chọi với bà con giáo dân nhưng tôi khẳng định nếu để sự phân biệt kỳ thị giáo lương đến mức “đỏ đen ” như thế thì không ai lường trước hậu quả như thế nào. Hãy tìm hiểu về các cuộc chiến tranh tôn giáo trong lịch sử để thấy con người đã từng ngu muội như thế nào.”

Khi được hỏi về những điều có thể xảy ra trong năm tới, linh mục Phan Văn Lợi dự đoán rằng, năm 2018 “sẽ lại là một năm tôn giáo nói chung và Công giáo Việt Nam nói riêng bị đàn áp mạnh tay vì luật tôn giáo mới”. Linh mục Lợi gọi luật tôn giáo này “như một chiếc xích tròng vào cổ người muốn theo đạo”, và “dần dần làm tha hóa tình trạng tự do tôn giáo vốn đã bị chỉ trích của Việt Nam.”