Vi Đức Hồi – Tang vật vụ án

Và cuối cùng thì mọi tang vật nói trên đều được đưa vào biên bản, duy chỉ có chiếc radio sau khi cân nhắc kỹ viên sỹ quan chỉ huy quyết định để lại. Lòng tôi trào lên nỗi tức giận rồi tự lắng xuống tức khắc bởi nhận ra họ là con người quá tầm thường.

vi duc hoiVi Đức Hồi
CTNLT | 1/10/2014

Sau mười ngày từ 07 đến hết 16 tháng 10 năm 2010, quần nhau với một nhóm an ninh thuộc phòng phản gián, chống bạo loạn lật đổ công an tỉnh Lạng sơn.Đây là phòng thứ ba công an tỉnh thay phiên làm việc với tôi kể từ khi tôi tham gia lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ, trước đó đã có hai phòng: phòng văn hóa tư tưởng và phòng an ninh nông thôn đã theo dõi, giám sát, làm việc với tôi suốt thời gian từ tháng 3 năm 2007 đến nay. Lần này đoàn gồm có 5 người do trưởng phòng Nguyễn Thu chỉ huy, bốn viên sỹ quan an ninh thay nhau truy xét tra hỏi trong suốt thời gian làm việc, người tôi cảm thấy đã thấm mệt. Tôi tìm cách thư giãn có hiệu quả nhất để lấy lại trạng thái cân bằng tinh thần bằng cách đi đây đó để khuây khỏa. Thâm tâm vẫn nghĩ đây là việc làm định kỳ, thường xuyên của an ninh vì từ trước tới nay vẫn  vậy, có điều khác là kỳ này trước khi làm việc họ tiến hành khám xét nơi ở của tôi rất kỹ và thời gian làm việc dài hơn, có cả bộ máy từ trưởng phòng cho đến đội trưởng của phòng. Hóa ra đây là việc làm  khai thông đường dẫn để đưa mình vào lao ngục, thật ngây ngô và tự trách mình khi mà tuổi đời đã không còn trẻ mà không nhận ra thủ đoạn rất tầm thường này.

Đúng 13 ngày 27 tháng 10 năm 2010, đang thiu thiu giấc nghỉ trưa, có tiếng gọi ngoài cửa, tôi dậy mở cửa thấy có cậu An ninh của huyện mà tôi quá quen thuộc vì cậu ta là người cộng tác đắc lực cho công an tỉnh mỗi khi đến làm việc với tôi. Nhiệm vụ của cậu ta là đưa họ đến nhà tôi; đi cùng công an thị trấn đưa giấy triệu tập cho tôi mỗi khi có công chuyện.

Chú mặc quần áo vào, có khách!

Lại khám xét tiếp à?

Cháu không biết!

Trở lại vào nhà mặc quần áo đi ra cửa, viên sỹ quan có tên Lăng Văn Ngọc, một trong những người đã trực tiếp tra hỏi tôi trong những ngày vừa qua trúc đầu lao đến trước mặt tôi và theo sau như một bầy đàn săn kiếm được miếng mồi, từ hai phía cánh gà nhà tôi hơn chục người ập đến với vẻ mặt hằm hằm vây quanh lấy tôi. Viên sỹ quan Lăng Văn Ngọc với bộ mặt đỏ văng, lập cập thông báo với tôi:

Anh Hồi đứng nghiêm nghe tôi đọc lệnh!

Trong giây lát bất ngờ, tôi lấy lại trấn tĩnh, bình thản nghe đọc lệnh. Vẫn giọng lập cập có phần run run, anh ta đọc quyết định bắt giữ tôi về tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 bộ luật hình sự, do thượng tá Hoàng Công Uẩn, phó thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Lạng Sơn ký, với thời hạn bốn tháng để điều tra vụ án. Đọc xong lệnh, họ đưa khóa số 8 ra, tôi đưa hai tay cho họ còng lại. Tiếp tục đọc lệnh thứ hai về tiến hành khám xét nơi ở của tôi. Đọc xong họ hỏi tôi;

Anh có ý kiến gì không?

Tôi đề nghị khi khám xét phải có người nhà tôi cùng có mặt.Viên sỹ quan chỉ huy lên giọng gay gắt, vẻ mặt nghiêm trọng, đôi mắt ngầu lên:

Không được, đưa anh ta về trại trước rồi tổ chức khám xét sau!

Tôi đề nghị như vậy nếu không đáp ứng được thì thôi, không có vấn đề gì, các anh cứ tiến hành.

Anh ta im lặng quay đi hướng khác. Cuộc lục soát bắt đầu với những động tác quen thuộc bởi nhà tôi có đến cả chục lần bị lục soát trong thời gian hơn ba năm từ 2007 đến nay. Lúc này tôi mới có thời gian quan sát những nhân vật có mặt bắt giữ mình, ngoài mấy cậu an ninh công an huyện, trưởng khu phố, trưởng, phó công an thị trấn, người làng xóm được gọi ra làm chứng mà tôi đã quen thuộc, còn có viên sỹ quan đội trưởng của phòng phản gián, chống bạo loạn,lật đổ công an tỉnh Đinh Văn Hùng; viên sỹ quan thuộc tổng cục an ninh bộ công an có tên Trung mà tôi đã có nhiều lần làm việc, còn lại là những người lạ. Ngoài đường trước cửa nhà từng tốp công an đứng canh xua đuổi những người kéo đến tụ tập, các loại xe cộ đi qua không được dừng lại.

Cuộc lục soát bắt đầu, vẫn những động tác quá quen thuộc, việc đầu tiên là kiểm tra máy tính, in ra những tài liệu mà họ cho là có nội dung “phản động”; sau đó là tiến hành lục soát khắp nhà, từ trên gác sép đến gầm giường được các sỹ quan an ninh các cấp tận tình chui rúc, lục lọi khắp mọi nơi để tìm kiếm. Chẳng phát hiện ra tài liệu, tang vật gì mới cả bởi vì cách đây đúng hai mươi ngày cũng đội ngũ này đã lục tung căn nhà tôi bới tìm từng chân lông kẽ tóc, lấy đi những gì mà họ cho là có nghi vấn, liên quan có thể khai thác được để kêt tội tôi. Sau một thôi, một hồi lục soát, nhóm trưởng nhóm lục lọi nói nhỏ với viên sỹ quan chỉ huy những gì mà  không ai nghe được. Vẻ mặt trầm tư, viên sỹ quan chỉ huy nói với người phụ trách khâu tìm tòi, lục lọi một lúc rồi bắt đầu một cuộc bới tìm mới lại được tiến hành, lần này họ xem kỹ hơn các loại tài liệu, sách báo trong nhà tôi và cuối cùng thì họ cũng tìm ra được vài tang vật để ghi vào biên bản. Một radio, một quyển sổ ghi chép công tác hàng ngày của tôi, một đơn xin ra Đảng của Hoàng Thị Tươi (vợ tôi), một giấy học sinh có chữ viết tay Lương Thị Huyền Trang lớp 10A5, mặt sau có tiêu đề “ truyền bá những tư tưởng tiến bộ ”, một thẻ đa năng ngân hàng Đông Á, một máy tính sách tay và một số tài liệu có liên quan đến vụ án. Tôi nhận thấy những thứ đó chẳng liên quan gì đến vụ án nên bắt đầu chất vấn.Chiếc radio này có liên quan gì đến vụ án mà các anh thu nó?

Đây là chiếc đài anh thường xuyên nghe đài địch phải không? Nên nó là phương tiện để anh vi phạm pháp luật.

Không có pháp luật nào quy định nghe đài nước ngoài là vi phạm pháp luật, anh cảm thấy thu được thì cứ thu, không sao!

Đây là quyển sổ ghi chép công tác của tôi, sao các anh lại quy nó là tang vật liên quan của vụ án?

Không, chúng tôi thu về để nghiên cứu xem nội dung bên trong anh ghi những gì! Vì lúc này không có thời gian để đọc, anh biết đấy!

Đơn xin ra Đảng của vợ tôi sao liên quan đến tôi? Vợ tôi được Huyện ủy yêu cầu viết đơn xin ra Đảng vì không thuyết phục được chồng.

Việc này tôi còn phải xem xét vì tôi chưa từng thấy có ai viết đơn xin ra Đảng, người ta muốn vào không được. Chỉ có xin vào Đảng hoặc bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Đây là tờ giấp nháp của học sinh, cháu nó học cùng lớp với con tôi, đây là nội dung môn lịch sử lớp 5 trung học phổ thông cơ sở.

Chúng tôi cứ cho vào biên bản để nghiên cứu sau.

Sao các ông thu thẻ đa năng của tôi?

Chúng tôi có quyền thu để điều tra phục vụ vụ án.

Và cuối cùng thì mọi tang vật nói trên đều được đưa vào biên bản, duy chỉ có chiếc radio sau khi cân nhắc kỹ viên sỹ quan chỉ huy quyết định để lại. Lòng tôi trào lên nỗi tức giận rồi tự lắng xuống tức khắc bởi nhận ra họ là con người quá tầm thường.

Vào trại tôi đem chuyện này kể cho mọi người nghe, ai cũng không tin.

Ông chỉ được cái phịa giỏi!

Tôi cam đoan đó là sự thật, biên bản thu giữ tang vật tôi vẫn còn giữ.

Đúng là một lũ thiểu não! Mọi người thốt lên.

Vi Đức Hồi

Trích ĐỐI MẶT phần 2: CHUYỆN TRONG LAO NGỤC