RSF: Một blogger Việt Nam bị kết án tù treo 15 tháng

rsf

Bản dịch của Nguyễn Thanh Thủy
Defend the Defenders

RSF | Ngày 29/10/2013

Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã kết án 15 tháng tù treo một blogger đồng thời là nhà hoạt động Đinh Nhật Uy vì đã chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội Facebook.

Ông đã bị kết án theo Điều 258 Bộ Luật hình sự, điều luật được sử dụng để trừng phạt những người “lợi dụng tự do dân chủ chống lại lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.”

“Chúng tôi lên án bản án này, đó là sự trả thù cho việc tham gia của Uy trong các chiến dịch trên mạng nhằm yêu cầu thả người em trai đang bị giam giữ, blogger Đinh Nguyên Kha,” Tổ chức Phóng viên không biên giới tuyên bố.  “Mặc dù đã được thả, Uy vẫn bị theo dõi. Ông là một ví dụ nữa về cách thức chính quyền sách nhiễu gia đình của những người bất đồng chính kiến trên mạng”, tổ chức này cho biết.

“Giống như sự khước từ quyền được bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm Kha, sự hiện diện của 400 cảnh sát mặc thường phục trong phòng xử án để tạo ra hình tượng một phiên tòa công khai và sự đe dọa với luật sư của Uy, dẫn đến một trong số họ, ông Nguyễn Thành Lương phải rút khỏi vụ án, làm nổi bật bản chất thật của phiên tòa này, mà kết quả đã được quyết định từ trước.”

Theo cáo trạng, Uy đã bị truy tố vì bốn bài viết đăng trên mạng. Một là một bài viết với tựa đề “Những đảng viên chấp nhận sự thật”, trong đó Uy kể một cuộc trò chuyện mà hai đảng viên cộng sản xúc phạm khả năng lãnh đạo đảng.

Bài khác nữa là về các hoạt động của “Thanh Niên Yêu Nước,” một tổ chức được cho là hay chỉ trích chính phủ. Hai bài khác là “xúc phạm” hai tập đoàn quốc gia – các tập đoàn viễn thông quân đội và Tổng công ty bưu chính và viễn thông.

Mặc dù các bài viết này được viết vào tháng 12 năm 2012, Uy không bị bắt cho đến tận tháng 6, khi ông vận động yêu cầu chính quyền thả người em trai.

Uy đã được thả lúc 3 giờ chiều ngày 29/10 nhưng sẽ phải chịu một hình thức quản chế tại nhà trong suốt 15 tháng tù treo và sẽ tiếp tục bị thử thách thêm 12 tháng sau đó.

vietnam1-be34d

Nhiều người biểu tình tụ tập xung quanh tòa án để hỗ trợ cho Uy. Các thành viên của gia đình ông, bị từ chối quyền tham dự phiên tòa, đã bị bắt giữ trong thời gian diến ra phiên tòa.

Cảnh sát cũng tạm giữ khoảng 30 nhà hoạt động khi họ đến gần nơi xử án để hỗ trợ Uy. Họ bao gồm Lê Ngọc Thanh, Hành Nhân, Miu Mạnh Mẽ, Phương Uyên, Nguyễn Thị Nhung, Peter Lâm Bùi , Hư Vô và Hoàng Vi.

Uy có thể phải đối mặt với một án tù bảy năm theo Điều 258 vì đã sử dụng trang Facebook của mình để vận động cho việc thả Kha, người đã bị kết án tù bốn năm trong phiên tòa vào tháng tám với tội danh tuyên truyền chống chính quyền.

Việt Nam xếp hạng 172 trong số 179 quốc gia trong bảng chỉ số tự do báo chí năm 2013 của Phóng viên Không Biên giới và được coi là “kẻ thù của Internet” về theo dõi mạng trong năm 2013.

Hỗ trợ những nhà báo tự do ở Việt Nam bằng việc ký kiến nghị ở đây.

Đọc báo cáo mới nhất về Việt Nam mang tên “cái chết được lập trình của tự do thông tin tại Việt Nam” ở đây.

* Nguồn: RSF